Bảo vệ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà được thành lập tại Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 19/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ từ Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup-Núi Bà. Hạt kiểm lâm Bidoup Núi Bà thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà được thành lập theo quyết định 157/2005/QĐ-UBND ngày 8/9/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và bắt đầu chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 12/2005.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có diện tích rộng 64.800ha nằm phía bắc tỉnh Lâm Đồng. Kết hợp với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng phòng hộ kế cận tạo thành một khu vực rộng lớn có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vào bậc nhất nước ta hiện nay. Trong đó động vật hoang dã cũng rất đa dạng và phong phú. Dựa vào đặc điểm đó bọn lâm tặc thường xuyên vào rừng săn bắt động vật hoang dã để thu lợi bất chính.

Khi chưa thành lập vườn, do lực lượng Quản lý bảo vệ rừng rất mỏng và thiếu nên bọn lâm tặc lộng hành, chúng đã dùng tất cả các dụng cụ như bẫy dây, bẫy sập, bẫy kẹp,… và tất cả các loại súng, kể cả súng quân dụng để săn bắn, bẫy động vật hoang dã tại vườn.

Ngay sau khi có quyết định thành lập, Hạt kiểm lâm Bidoup Núi Bà đã tổ chức tuần tra khảo sát xuyên qua vùng lõi để nắm bắt đánh giá tình hình và nhận thấy thực trạng bọn chuyên săn, bắn thú rừng đã dựng lều trồng rau, đem nồi nấu cao vào rừng để sẵn sàng cho hoạt động của chúng. Phương thức săn bắn của chúng thường dùng là dùng cành cây, lá cây làm thành hàng rào từ đồi này sang đồi khác cứ 15m đến 20m để một lối đi và đặt bẫy vào đó. Một cách nữa là dùng súng tự chế, súng thể thao, súng quân dụng vào rừng để bắn động vật hoang dã.

Đứng trước tình hình đó Chi bộ Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ra Nghị quyết để Ban giám đốc chỉ đạo cho Hạt kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ Quản lý bảo vệ rừng, trước mắt và trọng tâm là ngăn chặn nạn săn, bắt, bẫy, bắn động vật hoang dã trên Vườn quốc gia quản lý. Lực lượng kiểm lâm  được cũng cố và tăng cường cả về số lượng và chất lượng với 70 biên chế được bố trí tại Văn phòng hạt, 9 trạm kiểm lâm và 01 đôị Kiểm lâm cơ động đã phối hợp chặt chẽ với 1000 hộ nhận khóan quản lý bảo vệ rừng là lực lượng nòng cốt chính thức vào cuộc chiến bảo vệ rừng.

Việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng săn bắn động vật hoang dã chuyên nghiệp là nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, nhiều đối tượng sử dụng vũ khí nóng như dao, mác, lê, súng kíp tự chế, súng quân dụng, có đối tượng là võ sư đạt đẳng cấp như đối tượng Nghiêm Xuân Dũng cũng tham gia vào việc săn bắn thú rừng.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Giám đốc Vườn quốc gia đã cử nhiều công chức kiểm lâm tham gia huấn luyện võ thuật, tập huấn điều tra hình sự, huấn luyện quân sự, trang bị công cụ hỗ trợ và chó nghiệp vụ…để đấu tranh phòng chống bọn lâm tặc.

Hạt kiểm lâm bàn giao súng cho công an tỉnh Lâm Đồng
Hạt kiểm lâm có phương án tác chiến phù hợp, biện pháp nghiệp vụ tốt và tinh thần dũng cảm mưu trí nên từ tháng 12/2005 đến tháng 10/2009 đã Truy tố hình sự 8 đối tượng, thu giữ Súng các loại 13 khẩu và 6734 cái bẫy,…

Có được kết quả như trên Hạt kiêm lâm Bidoup Núi Bà đã chú trọng vào mấy vấn đề chủ yếu sau đây:
Thường xuyên tuần tra truy quét, kiểm tra phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đúng pháp luật các đối tượng vi phạm.

Tăng cường tuyên truyền vận động người dân sống trong rừng, ven rừng về các văn bản pháp luật liên quan đến lâm nghiệp, xây dựng quy chế phối hợp với các chủ rừng giáp ranh và các cơ quan chức năng để thực hiện tốt luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Chỉ đạo các Trạm kiểm lâm thường xuyên tổ chức các tổ, nhóm đi gỡ hết tất cả các bẫy ở địa bàn mình quản lý từ đó người dân dần dần từ bỏ nghề bẫy thú.

Thường xuyên vận động, giải thích các đối tượng chuyên săn bắn từ bỏ việc làm vi phạm pháp luật chuyển sang nghề khác và cảm hóa một số đối tượng săn bắt chuyên nghiệp động vật hoang dã chuyển sang làm việc  ở Hạt kiểm lâm với phương châm “lấy độc trị độc”. Hiện nay chiến sĩ kiểm lâm này là một chuyên gia gở bẫy và truy tìm tung tích kẻ săn trộm trong Vườn quốc gia.

Gần đây đã nhận thấy nhiều dấu hiệu động vật hoang dã xuất hiện hầu hết trên các trạm của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Đây là tín hiệu đáng mừng xác nhận công lao to lớn của lực lượng Kiểm lâm Bidoup Núi Bà nói riêng và của Vườn nói chung. Nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nói chung và việc ngăn chặn nạn săn bắt động vật rừng là nhiệm vụ thường xuyên liên tục góp phần bảo vệ Đa dạng sinh học và xây dựng Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà phát triển bền vững .

Theo: Hạt Kiểm lâm