Câu hát “Hạt muối năm xưa từng trông chờ mỏi mắt” gợi nhớ về một con đường xa xưa len lỏi giữa đại ngàn mà người miền Thượng gùi sản vật xuống miền biển để “cõng” về những hạt muối với bao công sức. Nhọc nhằn là thế, nhưng cũng trên con đường đó “cây tình yêu” nảy nở mang lại bao mùa quả ngọt ngào, hạnh phúc. Và nay nhiều bạn trẻ cũng lần theo dấu cũ, lối xưa để khám phá và trải nghiệm “con đường hạt muối” ngỡ chỉ còn trong tâm thức.
Cảnh đẹp giữa rừng |
“Hạt muối năm xưa từng trông chờ mỏi mắt”
Chẳng biết nhiều năm về trước bà con ở miền Nam Tây Nguyên nói chung, vùng Lạc Dương ngày ấy nói riêng có trải qua những tháng ngày phải đốt cỏ tranh lấy tro làm vị mặn trong bữa ăn như nhà văn Nguyên Ngọc đã nói đến trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” hay không? Nhưng trong câu chuyện truyền miệng của người Cơ Ho, Cil ở vùng Đa Nhim, Đa Chais, huyện Lạc Dương hôm nay người ta vẫn nhớ như in những tháng ngày gùi sản vật trên rừng xuống miền biển đổi lấy hạt muối mặn mòi.
Già Cil Du Ha Vương (70 tuổi) trú tại thôn Đưng K’si, xã Đa Chais nói: “Trước đây đâu cũng thấy rừng, người ta cứ luồn rừng mà đi, tìm xuống tận Ninh Thuận. Người dân thôn Đưng K’si và các thôn lân cận thường đi đổi muối theo đường rừng qua thôn Bố Lang, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận”. Nếu miền xuôi quý nhất là vàng, thì người miền núi coi trọng hạt muối. “Muối là vật thiêng liêng trong các lễ hội. Cúng bái bao giờ cũng có muối. Ngày trước, muối được dành cho những người ốm hay để làm món quà quý giá tặng nhau” – già Vương nói.
Vào mùa khô, những người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình lại cùng nhau gùi những sản phẩm đặc trưng của núi rừng đi đổi muối. Sơ Két Sa Lem (30 tuổi) sống tại thôn Klong Klanh, xã Đa Chais, hiện là thành viên đội du lịch cộng đồng của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà vẫn nhớ như in những ký ức tuổi thơ ngày ông ngoại Cil Ha Han cùng những người đàn ông khác trong thôn luồn rừng đi đổi muối. “Cứ lâu lâu ông ngoại và nhiều người trong thôn lại gùi rễ cau, đót, dây mây (từng bó 6 sợi, 8 sợi)… đi xa nhiều ngày. Sau này mình mới biết là họ đi đổi muối”, Sa Lem nhớ lại. Ông Bon Tô Sa Nga (60 tuổi), người dân Đưng K’Si nói thêm: “Ngày ấy rừng thiêng nước độc, bà con đi đổi muối từ sáng tinh mơ, sớm thì cũng phải đến 3 giờ chiều mới quay về nên phải dừng lại làm chòi ngủ trên cây để tránh cọp. Luồn rừng ngày này qua ngày khác có khi cả tuần mới mang được 10 đến 15 kg muối về nhà. Mỗi lần những người đàn ông trong gia đình xuôi về miền biển là những ngày mẹ, vợ ở nhà ngóng trông lo sợ đến mỏi mắt vì e lành ít dữ nhiều”.
Những câu chuyện tình
Trải qua bao năm tháng, người miền núi – miền biển thông qua việc trao đổi sản vật đã hình thành nên sự kết nối cộng đồng tộc người giữa hai vùng khác nhau. Họ chia sẻ cho nhau những thứ mình thiếu, mình cần mà không làm ra được. Con đường hạt muối đã đưa họ gần lại, gắn kết với nhau như ruột thịt. Và những câu chuyện tình đơm hoa kết trái mặn mà có lẽ là minh chứng sống động cho điều đó.
Câu chuyện tình của ông Bon Tô Sa Nga người Raglai và vợ là người Cil cũng hình thành từ con đường hạt muối. Ngày ấy, ông Sa Nga sống tại thôn Bố Lang, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Ông gặp và quen nhiều người từ Đa Chais xuống đổi muối. Đó cũng là sợ dây kết nối để ông gặp được người con gái Ka Să Kpram. “Hồi đó mình cũng theo những người đi đổi muối lên trên này chơi. Gặp được vợ mình bây giờ nên mình đi lên đi xuống nhiều lắm. Đi miết rồi cũng thấy quen, không còn thấy xa nữa” – ông Sa Nga cười nói. Từ ngày đầu theo chân đoàn người đi đổi muối sau này câu chuyện tình yêu của ông Sa Nga đã nảy nở, đơm hoa. Họ đã đến với nhau. Theo phong tục mẫu hệ, ông Sa Nga lên ở rể nhà bà Kpram. Ông trở thành người con của vùng đất Nam Tây Nguyên từ đó. Nhà ông Sa Nga có hai anh em trai. Hai anh em hiện đang có cuộc sống vui vầy bên gia đình riêng ở hai đầu con đường hạt muối.
Câu chuyện của chị Ksă Ka Giêng cũng vậy. Chị Ka Giêng gặp và yêu người đàn ông của cuộc đời mình khi anh là thành viên trong đoàn người từ miền rừng xuống xuôi đổi muối. Họ đến với nhau, vẫn giữ phong tục mẫu hệ, Ka Giêng bắt chồng về ở rể. Nhưng đất đai khí hậu ở vùng Đa Chais tốt lành hơn, nên vợ chồng chị Ka Giêng quyết định lên sinh sống ở thôn Đưng K’Si nhiều năm nay.
Ở dưới vùng Phước Bình hiện nay có không ít chàng rể người Cơ Ho, Cil đang sinh sống ở đó. Đó cũng là hoa trái sau những chuyện tình từ những lần đi đổi muối.
Và cho đến hôm nay, những chàng trai trẻ như Sa Lem, Kon Să Ha Ret… vẫn tìm tới những cô gái Raglai ở Ninh Thuận. Có lúc họ đi bằng xe máy, cũng có khi họ đi đường rừng. Dẫu chẳng biết chuyện tình của những chàng trai trẻ ấy có đơm hoa hay không, nhưng họ như đang “phục dựng” lại những mối tình thuở thanh xuân của ông cha theo dấu con đường hạt muối đi qua.
Con đường trekking
Con đường hạt muối năm xưa nay nối liền hai Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà và Phước Bình. Đó không chỉ là con đường kết nối những người công tác ở hai Vườn này, con đường mòn mà bà con vẫn thường đi tìm nấm mà còn thu hút rất nhiều bạn trẻ đam mê loại hình du lịch trekking (đi bộ trong rừng). Chúng tôi có mặt để trải nghiệm cung đường này cùng một nhóm bạn trẻ đến từ Sài Gòn, Nha Trang và Lâm Đồng. Nhóm gồm 12 người xuất phát từ thôn Klong Klanh, xã Đa Chais nhằm hướng thôn Bố Lang, xã Phước Bình mà đi. Anh K’ Vâng – hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu ở khu vực này cho biết: “Cùng với Tà Năng – Phan Dũng thì đây đang là cung đường được nhiều bạn trẻ đặt tour nhất ở khu vực này. Tuyến đường dài 30 km, kéo dài trong 3 ngày 2 đêm trải qua nhiều loại địa hình gồm rừng rậm, rừng thông, rừng thưa, đồi cỏ… Đường đi khá nhiều dốc và hiểm trở, đòi hỏi các bạn tham gia hành trình phải có đam mê, sức khỏe và đặc biệt là tính tự lập và đồng đội khi tham gia trải nghiệm”.
Cung đường thu hút nhiều bạn trẻ thích khám phá |
Để bước vào hành trình, nhóm bạn trẻ phải chuẩn bị tất cả những nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài đồ dùng cá nhân, nữ mang 10 kg, nam dao động từ 20 – 30 kg tùy sức khỏe. Tham gia hành trình này nghĩa là bạn sẽ có những ngày không sờ tới điện thoại, facebook… chỉ có những người bạn và rừng sâu núi thẳm.
Trên tuyến đường chuẩn bị chinh phục, chúng tôi phải trải qua những đoạn sình lầy trong rừng rậm. Có lúc cây rừng quật vào chân đau điếng. Qua rừng thông, lớp lá rụng dày trên những con dốc đã không thể giữ vững những đôi chân. Dốc nối dốc, cua ngoặt liên tục đến nỗi chân người đi sau đạp chồng lên gót chân người đi trước. Chân bước đi mỗi bước cao dần theo triền dốc. Đường trơn, chúng tôi nhích từng bước, tay víu vào cây cỏ tiến về phía trước. Càng đi chân càng sưng lên. Vắt rừng bám vào chân, máu rịm ra loang lổ. Vai ai cũng mỏi nhừ, miệng khô dần vì khát nước, dẫu có mang theo ít chai nước lọc nhưng vẫn là không đủ.
Những gốc cây rêu phong trong rừng già |
Trong hành trình này có những bạn đã từng leo lên đến đỉnh Phan Xi Păng, chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử hùng vĩ ở Tây Bắc, nhưng tất cả họ đều không giấu nổi sự hào hứng khi chứng kiến nét đẹp đến nao lòng của rừng núi nơi đây với nhiều loại cây hàng trăm năm tuổi như Chò, Chò chỉ, Sấu… Đặc biệt là cây Pơmu nghìn năm tuổi.
Khi chúng tôi tới điểm cắm trại đã là xế chiều, sương mù che khuất hết tầm nhìn. Tới điểm cắm trại, người nhóm lửa bằng những cành cây ngã đổ, người dựng lều, người chuẩn bị thức ăn… Trên đỉnh núi, màn đêm buông xuống lạnh buốt. Bên bếp lửa, chúng tôi quây quần trò chuyện đủ thứ ở những vùng miền khác nhau. Và sáng hôm sau, khoảnh khắc đứng trên đỉnh núi khoanh tay cho đỡ lạnh rồi uống ly cà phê nóng ngắm ánh bình minh hồng nhè nhẹ trên nền mây trắng, cây xanh đủ để cho những trái tim trẻ thấy “yêu rừng, yêu thiên nhiên, yêu những tháng ngày tuổi trẻ thích khám phá đến tha thiết”, Nguyễn Lệ Quyên – Nữ bác sỹ trẻ đến từ Sài Gòn chia sẻ. Mặc cho trên lưng những chàng trai hằn đỏ vết mang balo; trên bàn tay những cô gái chẳng mấy khi mang nhiều xách nặng nổi chai sần ở ngón áp út vì cầm gậy quá chặt để leo lên và tụt xuống bao con dốc, nhưng ai cũng hăm hở tiếp tục chặng đường.
Những người bạn đồng hành chằng dây giúp nhau qua suối |
Đêm cuối của hành trình, chúng tôi cắm trại nghỉ qua đêm trong sân của bà con thôn Bố Lang. Sáng hôm sau chúng tôi hướng về Trạm Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phước Bình. Hành trình lần theo con đường hạt muối đã về tới đích trong cảnh sắc đẹp đến nao lòng của con suối lớn chảy qua những thôn xóm, những vườn điều vườn chuối trĩu quả, những bãi cỏ ngút ngàn và xa xa là núi non.
Con đường hạt muối năm xưa đã kết tình cho những người con hai dân tộc, hai vùng miền. Con đường ấy hôm nay lại tiếp tục gắn kết cho những con người ở nhiều địa phương, nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau. Sau chuyến hành trình, những gương mặt từ không quen đã trở nên thân thiết, mặn mà như vị của muối.
N.NGÀ – H.YÊN
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt