Công bố 15 loài thực vật hạt kín mới tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

(LĐ online) – Ngày 01/12, thông tin từ các nhà khoa học cho biết, lần đầu tiên, 15 loài thực vật hạt kín mới được họ phát hiện tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà và được mô tả một cách đầy đủ nhất. Kết quả này là quá trình khảo cứu của các nhà Sinh học, bao gồm: Shuichiro Tagane, Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Thị Bình, Ai Nagahama, Meng Zhang, Trương Quang Cường, Lê Văn Sơn, Đặng Văn Sơn, Hironori Toyama, NaTsuki Komada, Hidetoshi Nagamasu và Tetsukazu Yahara. Họ là thành viên của các tổ chức, đơn vị đến từ Nhật Bản: Đại học Kagoshima, Đại học Kyushu, Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Tsukuba, Đại học Kyoto, Đại học Mở Kyushu và của Việt Nam: Đại học Đà Lạt, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà và Viện Sinh học Nhiệt đới. 
 
Búi hòn giao (Mastixia hongiaoensis) thuộc họ Giác mộc (Cornaceae)
Búi hòn giao (Mastixia hongiaoensis) thuộc họ Giác mộc (Cornaceae)
 
Trong kết quả khoa học này, điều đặc biệt là có 14/15 loài thực vật được đặt tên định danh hóa bidoupensis (Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà) và hongiaoensis (núi Hòn Giao); còn loài Hồi núi hoa xanh (Illicium viridiflorum) cũng phân bố tại Vườn Bidoup-Núi Bà, được đặt tên dựa vào màu sắc. “Điều này càng khẳng định lại một lần nữa, mức độ đa dạng thực vật và tính đặc hữu hẹp của thực vật khu vực Vườn Bidoup-Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng”, ThS Trương Quang Cường nhấn mạnh. 
 
Kết quả phát hiện, mô tả 15 loài thực vật hạt kín mới này còn được TS Nguyễn Văn Ngọc đánh giá là “quá khủng”. Bao gồm các loài sau: Bùi bidoup (bidoupensis) và Bùi hòn giao (Ilex hongiaoensis) thuộc họ Bùi (Aquifoliaceae), Búi hòn giao (Mastixia hongiaoensis) thuộc họ Giác mộc (Cornaceae); Đức diệp hòn giao (Daphniphyllum hongiaoense) thuộc họ Đức diệp (Daphniphyllaceae); Thư nguyên hòn giao (Platea hongiaoensis) thuộc họ Thụ đào (Icacinaceae); Tân bời bidoup (Neolitsea bidoupensis) và Tân bời hòn giao (Neolitsea hongiaoensis) thuộc họ Re (Lauraceae); Hà bá bidoup (Nyssa bidoupensis) và Hà bá hòn giao (Nyssa hongiaoensis) thuộc họ họ Hà bá (Nyssaceae); Sơn Trà hòn giao (Eriobotrya hongiaoensis) và Anh đào hòn giao (Prunus hongiaoensis) thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae); Thần xạ hòn giao ( Luvunga hongiaoensis) thuộc họ Cam chanh (Rutaceae); Hồi núi hoa xanh (Illicium viridiflorum)  thuộc họ Ngũ vị tử (Schisandraceae); Dung hòn giao (Symplocos hongiaoensis) thuộc họ Dung (Symplocaceae) và Riềng núi hòn giao (Alpinia hongiaoensis) thuộc họ gừng (Zingiberaceae). 
 
15 loài trên phát hiện từ khu vực núi Hòn Giao thuộc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này có độ cao 1.630-2.050 m; nằm trên một sườn núi đổ xuống rất dốc về hướng Biển Đông; cách biển khoảng 50 km. Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, được thành lập vào năm 2004; tổng diện tích khoảng 70.038 ha; độ cao thay đổi từ 800 m đến 2.287 m. Lâm phần này tập trung các kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới và rừng á nhiệt đới núi thấp. Hệ thực vật ở đây giao thoa giữa các luồng thực vật từ dãy Himalaya, Trung Quốc, Đông Dương và Mã Lai; bao gồm các loài quý hiếm và các giá trị về nguồn gen. Sau đây là hình ảnh của 3 trong số 15loài thực vật mới phát hiện. 
 
Riềng núi hòn giao (Alpinia hongiaoensis) thuộc họ gừng (Zingiberaceae)
Riềng núi hòn giao (Alpinia hongiaoensis) thuộc họ gừng (Zingiberaceae)

 

Thần xạ hòn giao ( Luvunga hongiaoensis) thuộc họ Cam chanh (Rutaceae)
Thần xạ hòn giao ( Luvunga hongiaoensis) thuộc họ Cam chanh (Rutaceae)

Nguồn: Báo Lâm Đồng