(LĐ online) – Cuối chiều hôm nay (19/01), qua trao đổi, chúng tôi có thông tin chính thức từ nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt và Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, vừa phát phát hiện lại loài Trà mi Langbiang (Camellia langbianensis). Như một huyền thoại, kết quả đã chứng thực loài Trà mi này chưa bị tuyệt chủng, sau đúng 90 năm do người Pháp thu thập được mẫu vật đầu tiên.
Hoa và lá Trà mi Langbiang (Camellia langbianensis) |
Mẫu vật đầu tiên nơi xa xôi
Theo tài liệu lưu trữ, vào ngày 01/01/1931, nhà sưu tập thực vật người Pháp M. Eug. Poilane trong chuyến khảo cứu tại khu vực dưới chân núi Langbiang (được xác định vùng hồ của đập thủy điện Ankoret sau này) đã tìm ra mẫu vật đầu tiên của loài này. Dựa trên các mẫu vật do M. Poilane thu thập, năm 1943, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Ganepain đã mô tả và đặt tên là Dankia langbianensis Gagnep. Theo đó, loài này được xếp vào họ Bixaceae (Gagnepain, 1943). Năm 1991, Giáo sư Thực vật học của Việt Nam Phạm Hoàng Hộ đổi tên thành Camellia langbianensis (Gagnep.) Phamhoang. thuộc họ Chè-Theaceae (Phạm Hoàng Hộ, 1991). Từ đây loài này được minh định trong giới học thuật là “Trà mi” (Camelia). Giới thực vật học trong và ngoài nước cho biết, suốt thời gian từ năm 1943 đến năm 2018, không có mẫu vật hoặc nghiên cứu nào đề cập đến loài Camellia langbianensis (Gagnep.) Phamhoang. Tưởng chừng nó đã bị tuyệt chủng.
Hoa và búp Camellia langbianensis |
Hành trình gian nan tìm lại
Liệu loài Trà mi đặc hữu Langbiang thực sự đã bị tuyệt chủng hay chưa là câu hỏi luôn thôi thúc nhóm các nhà thực vật học đang công tác tại tỉnh Lâm Đồng: TS Lương Văn Dũng, ThS Trương Quang Cường, ThS Lê Văn Sơn và một số cộng sự. Câu chuyện treo lơ lửng bên mình suốt cả quá trình dài vô cùng gian nan, vất vả đi tìm của những con người đam mê khoa học. Dốc cao, vực sâu, mưa dầm lũ xiết…, họ rong ruổi đặt chân khắp các vùng cao nguyên LangBiang hùng vĩ, luôn cất dấu vô cùng câu chuyện hấp dẫn và thú vị…
Nhưng việc tìm loài mới có thể khả dĩ chứ truy tìm lại loài cũ thì vô tận khó. Dĩ nhiên là không làm nao núng trong hành trình mong bắt gặp Trà mi LangBiang của thầy trò Lương Văn Dũng và Trương Cao Cường…Họ lần tìm dọc lưu vực thượng nguồn sông Đạ Dâng, nơi gần 90 năm trước người Pháp thu mẫu típ đầu tiên. Không thể, địa hình đã biến cải quá lớn. Rồi một nguồn tin có thể loài này xuất hiện ở thôn R’Tieng, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà. Ngày 12/02/2017, thầy trò tiếp cận. Lần đầu tiên thu được mẫu vật, nhưng chỉ có 2-3 cây và chỉ có nụ nhỏ xíu, không có hoa và quả. Niềm tin mãnh liệt càng khơi dậy. Về lại thành phố Đà Lạt, bằng kinh nghiệm và niềm đam mê, các anh tiếp tục hình dung về hình thái của lá và tiếp tục ấp ủ chuyến đi sau. Ngày 21/01/2019, thầy trò Dũng-Cường lại lần về xã Đạ Long, huyện Đam Rông. Không phụ lòng, Mẹ Thiên nhiên đã phát lộ một quần thể Trà mi có nhiều cây hơn, còn cả nụ, hoa khá to. Ngày 15/4/2019, thầy trò Lương Văn Dũng và Trương Cao Cường tiếp tục trở lại xã Đạ Long trong mưa tầm tả với chiếc xe máy qua lối mòn trơn trượt ở Đưng Trang, thôn cuối cùng của xã Đưng K’Nơh, huyện Lạc Dương. Sự quyết tâm của các nhà thực vật học được đền đáp xứng đáng, họ thu được cả hoa và quả. Niềm vui vỡ òa. Mang mẫu vật về phòng thí nghiệm phân tích hình thái và bước đầu đã xác định được loài Trà mi Langbiang. Nhóm tác giả tiếp tục đối chiếu, so sánh, phân tích và trao đổi thông tin với các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Vật liệu Sinh học thuộc Viện Nghiên cứu Sinh học và Công nghệ Hàn Quốc (IBMRC); Phòng thí nghiệm Trọng điểm về Đa dạng Thực vật và Địa lý Sinh học Đông Á (Viện Thực vật học Côn Minh thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (KIB/CAS). Các nhà khoa học, trong đó giáo sư Shi Xiong Yang – người có nhiều thành tựu nghiên cứu về chi Trà mi này tại Trung Quốc, đã kết luận: đây là loài Trà mi langbiang (Camellia langbianensis). Ngày 15/01/2021, nhóm nghiên cứu chính thức công bố bài báo khoa học về tái phát hiện loài Camellia langbianensis trên tạp chí khoa học chuyên ngành thực vật học của New Zealand Phytotaxa (https://www.biotaxa.org/Phytotaxa/article/view/phytotaxa.480.1.8.).
Quả Camellia langbianensis |
Những giá trị đặc biệt
Qua phân tích sinh học phân tử, các nhà khoa học đã xác định Camellia langbianensis là loài đặc hữu, được latin hóa theo địa danh nơi phân bố là cao nguyên Langbiang. Việc tái phát hiện một loài hoa Trà mi mang tên cao nguyên Langbiang huyền thoại ghi nhận những nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu thiên nhiên và đa dạng sinh học trên cao nguyên này. Một loài thực vật tưởng chừng như tuyệt chủng đã xuất hiện trở lại khẳng định những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang ngày càng gặt hái thêm nhiều thành quả quý. Trà mi Langbiang vừa góp phần cho khoa học, vừa thể hiện mặt cảnh quan bởi hoa đẹp; và là biểu tượng của cao nguyên LanhgBiang.
Vì vậy rất cần bảo vệ nghiêm ngặt và nhân giống để bảo tồn. Theo các nhà thực vật, việc nhân giống bằng hạt là khá triển vọng. Khi nhân được giống sẽ giảm áp lực lên quần thể, vốn đã và đang bị tác động không nhỏ. Đến nay, theo TS. Lương Văn Dũng và cộng sự, địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận được 25 loài hoa Trà mi. Đặc biệt, trong đó một số loài Trà mi hoang dã là đặc hữu, phân bố hẹp, đang bị mất dần sinh cảnh sống do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp; xây dựng nhà máy thủy điện, đường giao thông…Chúng tôi xin chuyển thông tin này đến các nhà quản lý địa phương để kết thúc bài viết này.
Tiến sĩ Lương Văn Dũng và Trà mi Langbiang tại thực địa |
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững