Rừng cộng đồng tồn tại từ lâu đời, nó gắn với lợi ích tập thể của người dân, gắn với tâm linh, tự do tín ngưởng của cộng đồng.
Năm 1986, Việt Nam chuyển hướng quản lý nền kinh tế, từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Mục đích làm giảm bớt vai trò của Chính phủ, tăng trách nhiệm cho chính quyền địa phương và tạo sự chủ động cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp và đổi mới. Ngành lâm nghiệp cũng chuyển đổi từ nền lâm nghiệp dựa vào khai thác gỗ sang phát triển toàn diện, gắn khai thác với tái sinh rừng, từ phương thức quảng canh, độc canh cây rừng sang thâm canh theo hướng lâm – nông kết hợp, từ một nền lâm nghiệp nhà nước quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, lấy quốc doanh làm chủ lực sang lâm nghiệp xã hội, sản xuất hàng hóa dựa trên cơ cấu nhiều thành phần, lấy hộ nông dân làm đơn vị kinh tế tự chủ, coi trọng tự chủ của cá thể, chính điều này đã làm cho phương thức quản lý tài nguyên rừng đa dạng.
Rừng cộng đồng đã tồn tại từ lâu đời, nó gắn với lợi ích cuộc sống của người dân, gắn với tâm linh, tự do tín ngưỡng của cộng đồng. Những năm gần đây, thực hiện chính sách của Nhà nước về quản lý rừng, một số địa phương đã triển khai giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Cộng đồng còn được tham gia nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và trồng rừng. Mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng sống gần rừng cho thấy có hiệu quả, nó phù hợp với tập quán của đông đảo đồng bào các dân tộc.
Tuy nhiên, về góc độ pháp lý thì cộng đồng vẫn chưa được Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng đất và quyền hưởng lợi. Như vậy có nhiều bất cập xảy ra, như vai trò của cộng đồng trong hệ thống tổ chức quản lý rừng ở Việt Nam như thế nào? Có lên tiếp tục giao rừng cho cộng đồng? Các sản phẩm của rừng cộng đồng khi lưu thông và tiêu thụ tính pháp lý ra sao? Những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển rừng cộng đồng như thế nào khi mà luật tục của cộng đồng bị phá vỡ và không phù hợp với tính pháp lý,…
Theo thống kê Việt Nam có khoảng gần 11 triệu hécta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó giao cho các chủ rừng gần 8 triệu hécta, còn lại gần 3 triệu hécta chưa giao. 1203 xã, 146 huyện của 24 tỉnh, thành phố quản lý hơn 2,3 triệu hécta rừng và đất chưa có rừng để quy hoạch trồng rừng, chiếm khoảng 15,5% diện tích đất lâm nghiệp trong toàn quốc. Rừng và đất rừng do cộng đồng quản lý được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và có thể phân thành 3 loại sau:
Rừng và đất rừng do cộng đồng tự công nhận và quản lý theo truyền thống tự nhiên từ nhiều đời nay.
Rừng và đất rừng được chính quyền địa phương giao cho cộng đồng.
Rừng và đất rừng do các tổ chức, cơ quan nhà nước, các nông lâm trường giao cho cộng đồng.
Hiện nay Nhà nước đang thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng ở hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 55 tỷ đồng, tỉnh Sơn La khoảng 60 tỷ đồng. Theo báo cáo của một số địa phương thì ưu điểm và lợi ích của quản lý rừng cộng đồng là góp phần nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng phần nào nhu cầu lâm sản cho cộng đồng và các công trình chung của cộng đồng như gỗ làm nhà rông, nhà cộng đồng để hội họp,… Lâm sản được khai thác từ rừng và sử dụng nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tài nguyên rừng (sử dụng rừng bền vững). Đối với diện tích rừng và đất rừng chính quyền địa phương giao, cộng đồng có thể tận dụng khi rừng chưa khép tán hoặc đất trống chưa trồng rừng để canh tác kết hợp cây nông nghiệp, được các dự án hỗ trợ vốn để sản xuất, được hưởng lợi các sản phẩm từ rừng, do đó tiết kiệm chi phí cho Nhà nước. Nhiều cộng đồng đang quản lý rừng không có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, nhưng rừng vẫn được quản lý tốt.
Thực tế công tác quản lý rừng cộng đồng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là hiện có hàng triệu hécta rừng đang do cộng đồng quản lý, liệu có thể tồn tại được không khi Nhà nước không thừa nhận về mặt pháp lý cộng đồng là chủ rừng? Ai sẽ là người thay thế cộng đồng quản lý diện tích rừng nói trên? Một số địa phương hình thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng theo luật tục truyền thống vốn hiệu quả trước đây thì hiện mất dần hiệu lực bởi phong tục truyền thống bị phá vỡ, vai trò của già làng, trưởng thôn lu mờ, trong đó hình thức quản lý rừng tập trung thông qua các tổ chức nhà nước lại chưa gắn bó chặt chẽ với lợi ích của cộng đồng dẫn đến quản lý rừng kém hiệu quả.
Để tạo khuôn khổ pháp lý cho cộng đồng dân cư làng bản tham gia quản lý rừng, thì cần thừa nhận cộng đồng làng bản là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Một câu hỏi đặt ra là liệu có phải diện tích rừng nào cũng giao cho cộng đồng quản lý không? Nếu rừng nghèo hoặc rừng không đem lại lợi ích cơ bản cho cộng đồng thì giải quyết thế nào? Thực tế hiện nay với sự phát triển của xã hội, con người đòi hỏi nhu cầu cao hơn, dân số gia tăng, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, do đó nhu cầu và áp lực vào rừng lấy lâm sản ngày một nhiều, tính luật tục bị xáo trộn, vị thế già làng không còn nữa, khi mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng thì giải quyết ra sao?
Tại nhiều cuộc hội thảo về rừng cộng đồng một số địa phương đã kiến nghị cần phải sửa đổi các quy định của Nhà nước cũng như có sự nhìn nhận đúng hơn về quản lý rừng cộng đồng để rừng được quản lý tốt hơn, cụ thể là:
về cơ chế chính sách: phải thừa nhận cộng đồng là một chủ thể tham gia quản lý tài nguyên rừng; Đề nghị bổ sung vào luật dân sự, cộng đồng dân cư làng bản là một pháp nhân và cần xác định rõ cộng đồng dân cư là hình thức tổ chức gì? Xác định và làm rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng và đất rừng đối với cộng đồng; Quy định rõ tình trạng rừng giao cho cộng đồng quản lý; Rừng làng, rừng bản đã được cộng đồng tự công nhận và quản lý theo truyền thống từ trước đến nay, hầu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn và kỹ thuật. Chính quyền địa phương mặc nhiên công nhận, do đó cần phải giải quyết vướng mắc này trong việc hợp pháp hóa loại rừng này. Chỉ giao rừng cho cộng đồng quản lý khi ở đâu mà phong tục còn giữ được, già làng, trưởng thôn còn có uy, rừng còn nhiều lâm sản, mang lợi ích thiết thực cho cộng đồng thì quản lý rừng cộng đồng mới có hiệu quả.
Về đầu tư: Hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu cho cộng đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu rừng, đặc biệt là rừng quá nghèo kiệt, rừng non mới phục hồi trên đất được giao trong một thời giai thích hợp, vì thời gian này hầu như không có sản phẩm thu từ rừng.
Về thực hiện: Trong thực tế sau khi giao đất giao rừng cho cộng đồng chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến cơ chế chính sách, tổ chức, kỹ thuật, hưởng lợi từ rừng. Các sản phẩm rừng không chỉ là lâm sản mà còn có giá trị dịch vụ môi trường, văn hóa xã hội do đó việc sử dụng phải cân nhắc hài hòa.
HOÀNG ĐÌNH QUANG (Bài này đã được đăng trên bản tin số 8/2010 của Cục kiểm lâm Viêt Nam)
Tin liên quan
- Đánh giá việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Giai đọan 2006-2010)
- KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VƯỜN QUỐC GIA BIDOUP-NÚI BÀ GIAI ĐOẠN (11/2004-7/2010).
- Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà 5 năm xây dựng và thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng
- Báo cáo kết quả hội thảo về quản lý Vườn Quốc gia và khu bảo tồn tại Nhật Bản
- Bảo vệ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà