Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Sĩ Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng tại buổi làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà vào ngày 22/10, tại xã Đa Nhim (Lạc Dương).
Trên cơ sở chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà đã giao khoán quản lý bảo vệ được hơn 42.000ha trong tổng số trên 70.000ha rừng của Vườn cho 1.245 hộ và 5 tập thể. Thực hiện chăm sóc cho trên 75ha rừng trồng (từ 2 đến 4 năm); hợp tác với Viện Sinh học miền Nam làm ô định vị theo dõi diễn biến sinh thái rừng cho 25ha. Đồng thời lồng ghép các hoạt động bảo tồn vào những chương trình dự án đang thực hiện tại Vườn. Làm việc với Quỹ các Vườn Thực vật Australia lập quy hoạch vườn thực vật để làm cơ sở cho kế hoạch bảo tồn ngoại vi; phối hợp với các tổ chức nghiên cứu trong, ngoài nước thực hiện các nghiên cứu khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học… Cùng với Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học & Công nghệ Việt Nam xây dựng hồ sơ công nhận Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Song song với công tác giao khoán quản lý bảo vệ, phục hồi sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, lực lượng chức năng của Vườn còn thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lý các vụ vi phạm về lấn chiếm đất rừng; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Đặc biệt, nhằm tập trung nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà đã lồng ghép chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đệm vào các chương trình, dự án đang thực hiện tại Vườn như chương trình, dự án FLITCH; VCF; JICA BIDOUP NUI BA; chi trả dịch vụ môi trường rừng…, kết quả tổng ước tính kinh phí đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua các chương trình này là trên 16 tỷ đồng; góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cùng địa phương.
Công tác xây dựng Đảng cũng luôn được cấp ủy và Chi bộ Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà quan tâm, chú trọng. Từ 3 đảng viên ngày đầu, phải sinh hoạt ghép với Chi bộ Chi cục Lâm nghiệp và Ban Quản lý Dự án Lâm nghiệp, đến nay Đảng bộ cơ sở Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà đã được thành lập gồm 4 chi bộ với 36 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là người dân tộc thiểu số K’Ho theo đạo Tin Lành. Hàng tháng, trên cơ sở tập trung, dân chủ các chi bộ đều tổ chức duy trì sinh hoạt đều đặn, và thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát theo hướng dẫn của Đảng ủy khối. Công tác phát triển đảng viên mới cũng được chú trọng, trong năm đã kết nạp thêm được 4 đảng viên, và đang đề nghị kết nạp thêm 3 đảng viên mới. Hiện 10 trạm kiểm lâm và 1 Đội Tuần tra trực thuộc Vườn Quốc gia đã có từ 1 đến 2 đảng viên; tất cả các bộ phận và đơn vị trực thuộc không còn tình trạng “trắng” đảng viên.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy khối, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác cũng luôn được duy trì, chú trọng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của cán bộ, đảng viên, nhân viên Vườn Quốc gia.
Sau khi nghe báo cáo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà cũng như ý kiến của đại diện lãnh đạo tỉnh; các sở, ban, ngành và lãnh đạo huyện Lạc Dương phân tích những mặt ưu, khuyết cùng các giải pháp “đột phá” nhằm xây dựng, phát triển Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà trong thời gian tới. Đồng chí Hoàng Sĩ Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà tập thể cán bộ, công nhân viên Vườn Quốc gia đã đạt được trong công tác quản lý bảo vệ rừng; công tác xây dựng Đảng cũng như việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà cần tiếp tục tập trung, chú trọng đến công tác xây dựng Đảng; quan tâm đến việc phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên là đồng bào dân tộc ít người, việc phát triển đảng viên phải gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách cụ thể thiết thực hơn. Phải duy trì đều đặn sinh hoạt Đảng, đặc biệt chú trọng đến chất lượng nội dung sinh hoạt.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà tiến hành rà soát, đánh giá các hạng mục, dự án đầu tư xây dựng Vườn theo quy hoạch đã được phê duyệt từ 2011 – 2015, để qua đó thực hiện tốt hơn công tác được tỉnh giao. Phải gắn công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng với việc nâng cao đời sống của nhân dân. Tiếp tục xây dựng các dự án hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, thông qua đó thực hiện quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho Vườn Quốc gia…, nhằm đưa Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2014.
Thụy Tran
Theo: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Thành quả đáng ghi nhận trong công tác phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển