Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá có nguồn đa dạng sinh học (ĐDSH) cao và đặc trưng, hệ gen phong phú. Đây là nền tảng góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nó đang chịu những thách thức lớn và nguy cơ suy thoái ngày càng thấy rõ, rất cần công tác bảo tồn có căn cơ.
Đa dạng từ hệ sinh thái đến loài
Tỉnh Lâm Đồng trải trên nhiều kiểu địa hình có các đai độ cao khác nhau, từ 130 m đến trên 2.200 m. Lâm Đồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa; nhiệt độ trung bình năm từ 18-250C. Đặc điểm địa hình bậc thềm đặc trưng cùng các điều kiện tự nhiên khác như thổ nhưỡng, khí hậu khá thuận lợi đã tạo điều kiện phát triển các hệ sinh thái (HST), các loài động vật, thực vật, các loài cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc á nhiệt đới và ôn đới ngay trong vùng nhiệt đới cận xích đạo.
Với HST, có hai HST tự nhiên chính: trên cạn và đất ngập nước. HST trên cạn ở Lâm Đồng bao gồm các HST rừng, HST nông nghiệp và HST đô thị; trong đó HST rừng chiếm diện tích lớn nhất (khoảng 60% diện tích tự nhiên), phân bố trên các đai cao khác nhau với các kiểu thảm thực vật rừng chính: lá rộng thường xanh, hỗn giao lá rộng lá kim, lá kim, lá rộng rụng lá, tre hỗn giao với cây gỗ phân tán, tre/trảng cây bụi và trảng cỏ. Về loài, đã thống kê được 3.490 loài thực vật rừng, 393 loài nấm lớn, 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá (theo “Chương trình bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008-2020”). Trong số loài thực vật, động vật rừng có 220 loài bị đe dọa cấp quốc gia trong Sách đỏ Việt Nam (2007); 98 loài bị đe dọa toàn cầu trong Danh lục đỏ IUCN và 115 loài được bảo vệ theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo “Đánh giá hiện trạng ĐDSH và quản lý rừng vùng cảnh quan Nam Trường Sơn, Việt Nam” (WWF, 2013), ĐDSH thực vật tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ và một số ít công ty lâm nghiệp. Cụ thể, số loài thực vật bậc cao đã phát hiện ở Vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà 1.945 loài; VQG Cát Tiên (khu vực Cát Lộc) 772 loài; Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc 486 loài; Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm 473 loài. Về ĐDSH động vật (tập trung chủ yếu các loài có xương sống trên cạn), Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga cho biết, cao nguyên Đà Lạt có 85 loài thú, 158 loài chim, 70 loài lưỡng cư, 83 loài bò sát và 400 loài bướm. Tài liệu “Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2008-2020” , thông báo địa bàn Lâm Đồng có 86 loài thú, 346 loài chim, 64 loài bò sát, 36 loài lưỡng cư, 130 loài cá và 419 loài bướm.
Giá trị ĐDSH Lâm Đồng còn biểu hiện có nhiều loài phân bố hẹp, tính đặc hữu rất cao. Vì vậy, địa bàn Lâm Đồng lâu nay trở thành khu vực bị săn lùng của không ít đối tượng vì lợi nhuận cá nhân. Ngoài ra, nguyên nhân làm suy thoái các giá trị ĐDSH còn bao gồm: Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ quá mức; săn bắt, buôn bán động vật hoang dã quá mức; mất rừng và manh mún sinh cảnh; Suy thoái chất lượng rừng và môi trường sống của các loài sinh vật. Đó còn là nguyên nhân gián tiếp gây suy giảm rừng và ĐDSH như: gia tăng dân số do di cư tự do và sự đói nghèo của cộng đồng dân cư sống gần rừng, sự yếu kém về năng lực quản lý rừng.
Khoảng 1.329,2 tỷ đồng triển khai dự án
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm nghiên cứu, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp, cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển bền vững các HST tự nhiên, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, duy trì và phát triển dịch vụ HST thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, đến năm 2020, Lâm Đồng hoàn thành thống kê cơ bản cơ sở dữ liệu ĐDSH; phát hiện các nguy cơ gây suy giảm ĐDSH; tăng cường công tác quản lý bảo tồn ĐDSH… Cùng đó, sẽ tập trung nguồn kinh phí để duy trì, phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang và các VQG: Bidoup – Núi Bà, Cát Tiên; thành lập mới và đưa vào hoạt động Khu dự trữ thiên nhiên Đơn Dương, các khu bảo tồn loài/sinh cảnh: Núi Voi, Phát Chi, Madagui; xây dựng và đưa vào hoạt động Bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên; Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên và các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Định hướng còn nhắm tới nâng độ che phủ rừng tối thiểu đạt 55%; hạn chế tác động xâm hại đến rừng; xử lý nghiêm các vụ vi phạm đến tài nguyên rừng; kiểm soát việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật…
Về quy hoạch, tổng diện tích cho 3 hành lang ĐDSH là 250.065 ha; diện tích có rừng 217.634 ha (chiếm 87%), trong đó 88,2% rừng tự nhiên. Quy hoạch bảo vệ và phát triển bền vững rừng lá kim 95.485,4 ha (bằng 21% rừng tự nhiên). Quy hoạch bảo vệ và phát triển HST tự nhiên-HST ngập nước 13.181,1 ha (chiếm 1,34% diện tích tự nhiên). Quy hoạch 9 khu bảo tồn (khu dự trữ sinh quyển, VQG, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài/sinh cảnh, khu rừng phòng hộ cảnh quan môi trường và khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học).
Với những nội dung trên, từ nay đến năm 2020, dự án ưu tiên đầu tư các nhóm lĩnh vực: Nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực quản lý về bảo tồn ĐDSH; Quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn; Xây dựng, phát triển các cơ sở bảo tồn; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các khu bảo tồn… Tổng vốn thực hiện từ 2017-2030 khoảng 1.329,2 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2017-2020 khoảng 510,2 tỷ đồng; các nguồn vốn bao gồm: địa phương, trung ương, xã hội hóa và nước ngoài.
Trao đổi với lãnh đạo Sở TN&MT (cơ quan chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch và chương trình hành động), Phó Giám đốc, ThS Lương Văn Ngự cho biết: Thời gian qua, cùng nỗ lực chung của các cấp, các ngành, công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ĐDSH cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn thách thức lớn. Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên ĐDSH nói riêng là nguồn lực giá trị quan trọng cho phát triển kinh tế, là vấn đề môi sinh cần bảo tồn để duy trì sự sống các HST rừng gắn với đời sống cộng đồng, dân cư. Tài nguyên ĐDSH chỉ trở thành sức mạnh kinh tế khi con người biết quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả. Khi đã có định hướng rõ, vấn đề là hành động quyết liệt, đồng bộ, từ các cấp quản lý, cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương liên quan và cộng đồng dân cư…
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Thành quả đáng ghi nhận trong công tác phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)