HOẠT ÐỘNG GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG

Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà hiện lên với một màu xanh bát ngát, bầu không khí trong lành và dễ chịu. Nơi đây là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình của Việt Nam với kiểu rừng đặc trưng cho vùng cao nguyên, chứa đựng nguồn gen động thực vật vô cùng quí hiếm.

Vườn tự hào là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Tuy nhiên phần lớn dân cư sống vùng đệm của Vườn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn thấp đời sống còn nhiều khó khăn với hơn 60% hộ đói nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào rừng nên nguy cơ tiềm ẩn về khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ rất lớn. Xác định được vấn đề trên, vấn đề tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường của Vườn được xem như là một hoạt động rất quan trọng và cấp thiết. Thực hiện một trong chín chương trình hoạt động Chính phủ giao, thời gian qua công tác giáo dục môi trường đã và đang từng bước đi vào hoạt động, với mục tiêu lớn: nâng cao nhận thức cho cộng đồng từ đó hình thành thái độ hành vi đúng đắn hơn với môi trường thiên nhiên, khuyến khích cộng đồng tham gia tích cực vào công tác bảo tồn của Vườn.
Năm 2006-2007 với sự hỗ trợ của dự án VCF vườn đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục môi trường cho cộng đồng và học sinh, gồm: tổ chức các tuyên truyền về môi trường đến cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh vùng đệm vườn quốc gia với số lượng người tham gia là 1066 người/5 xã huyện Lạc Dương; Tổ chức giảng dạy ngoại khoá, thi tìm hiểu và tham quan Vườn quốc gia cho các em học sinh tại các trường học: trường THCS Lán Tranh- xã Đưng K’Nớ, trường THCS Klong Klanh xã Đa Chais, trường THCS – THPT Đasar xã Đasar, trường THCS Đa Nhim xã Đa Nhim, trường THCS Păng Tiên xã Lát giúp, bước đầu tạo cho các em mối quan tâm đến môi trường, tạo cơ hội khám phá thiên nhiên.
Tuy nhiên hoạt động giáo dục môi trường vẫn còn nhiều khiếm khuyết do cán bộ còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Công tác giáo dục môi trường chưa được biết đến nhiều ở vùng sâu nên cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận động, tuyên truyền, nội dung truyền tải hơi cao so với sự tiếp nhận của cộng đồng vì thế Vườn luôn tìm các phương pháp sao cho hiệu quả nhất. Hiện nay Vườn vẫn tiếp tục các hoạt động giáo dục môi trường vùng đệm, ngoài ra Vườn còn có sự phối hợp chặt chẽ với tình nguyện viên của tổ chức JICA Nhật Bản Saito Atsuko xây dựng nội dung Giáo dục môi trường tham gia Festival hoa Ðà Lạt 2007 với mong muốn công tác giáo dục môi trường được phổ biến rộng rãi và môi trường thiên nhiên của Vườn Quốc gia và thành phố Ðà Lạt ngày càng xanh tươi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo: TỔ DLST&GDMT VƯỜN QUỐC GIA