Kết quả thực hiện Dự án PA tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (VQGBNB) là điểm trình diễn hợp phần xây dựng Đề án tăng nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ một số dịch vụ hệ sinh thái nằm trong Dự án “Khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam” gọi tắt là Dự án PA. Đây là dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) trong 5 năm từ 2011 – 2015 do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp thực hiện. Mục tiêu của hợp phần là thúc đẩy và hoàn thiện chính sách tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo tồn ở VQGBNB thông qua sử dụng hợp lý dịch vụ hệ sinh thái gắn với bảo tồn dạng sinh học và quản lý rừng bền vững. Kết quả thí điểm của đề án sẽ mở ra một hướng đi mới cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tăng nguồn thu, giảm chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại VQGBNB cũng như cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Dự án PA đã xây dựng kế hoạch quản lý và kế hoạch kinh doanh cho Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà giai đoạn 2013-2017 song song với các hoạt động kỹ thuật nhằm xây dựng đề án tăng nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ một số dịch vụ hệ sinh thái. Đồng thời triển khai các hoạt động giáo dục môi trường và quảng bá du lịch sinh thái tại VQGBNB và tiến hành các hoạt động kích cầu, quảng bá về Du lịch sinh thái tại VQG như tổ chức các hoạt động nhân dịp lễ hội hoa Đà Lạt 2013; hội nghị doanh nghiệp du lịch và tiếp thị về du lịch sinh thái; thiết kế và in ấn hàng vạn tờ rơi phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh VQGBNB bằng những giá trị đích thực về đa dạng sinh học mà VQG đang sở hữu. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ như điều tra, khảo sát đa dạng sinh học, xây dựng bộ chỉ số giám sát đánh giá thực hiện đề án, xây dựng hệ thống quan trắc đa dạng sinh học, xây dựng bản đồ phân bố đa dạng sinh học. Dự án cũng đã hỗ trợ Ban quản lý Vườn quốc gia xây dựng quy chế hoạt động của kiểm lâm và các tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Các hoạt động đã được triển khai đồng bộ nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho cán bộ VQGBNB và các tổ chức, hộ gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng của VQG. Bằng những nỗ lực của mình để tiến hành xây dựng những luận cứ khoa học, thực tiễn và các căn cứ pháp lý hiện hành nhằm xây dựng đề án; Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định số 2393/QĐ-UBND về Phê duyệt đề án tăng nguồn thu và sử dụng nguồn thu từ một số dịch vụ hệ sinh thái tại VQGBNB. Đây là cơ sở pháp lý mang tính đột phá chiến lược cho hoạt động bảo tồn của đơn vị, khi triển khai chính sách này vào thực tiễn sẽ tạo ra một tiền lệ mới cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm sử dụng nguồn tài chính thu được từ một số dịch vụ hệ sinh thái để đầu tư cho các hoạt động bảo tồn.

Với các thành quả đạt được của dự án sẽ tạo tiền đề cho sự thành công của chính sách sử dụng nguồn thu từ một số dịch vụ hệ sinh thái nhằm tăng nguồn tài chính cho công tác bảo tồn. Hy vọng trong tương lai không xa, VQGBNB sẽ trở thành nơi đầu tiên thực hiện thành công chính sách này và là điểm nhân rộng mô hình này cho các đơn vị khác.

Trương Quang Cường

Điều phối viên hiện trường dự án PA