Ban thư ký KDTSQ Langbiang (*)
- Giới thiệu
Khu dự trữ sinh quyển là danh hiệu do Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thông qua Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) công nhận và trao tặng cho các khu vực có các giá trị sinh thái độc đáo, nổi bật trên thế giới. Khái niệm KDTSQ đã được phát triển trong khuôn khổ Chương trình MAB của UNESCO từ năm 1976, đến nay, trên thế giới đã có 701 KDTSQ thuộc 124 quốc gia, trong đó có 21 khu liên quốc gia. Riêng ở châu Á đã có 148 KDTSQ thuộc 23 quốc gia. Trung Quốc là quốc gia ở Châu Á có nhiều KDTSQ nhất với 34 khu. Tại Đông Nam Á, hiện có 35 KDTSQ tại 7 quốc gia là Indonesia, Myanma, Thailand, Malaysia, Cambodia, Philipines và Việt Nam [1]. Việt Nam hiện có 09 KDTSQ. Mạng lưới các KDTSQ thế giới được hình thành theo Chương trình MAB đã tạo nên một mạng lưới toàn cầu nơi mà các nước thành viên UNESCO có thể ưu tiên để thực hiện việc áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững và duy trì các nội dung đặc trưng và các mối quan hệ lợi ích đa chiều giữa tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội tốt đẹp của con người[2].
KDTSQ Langbiang (KDTSQ LB), tỉnh Lâm Đồng là KDTSQ đầu tiên ở Tây Nguyên và là KDTSQ thứ 9 của Việt Nam, được UNESCO công nhận ngày 09/6/2015 tại Paris, Cộng hòa Pháp. KDTSQ LB có tổng diện tích 275.439 ha; được chia thành 3 vùng, gồm: vùng lõi có diện tích 34.943 ha, nằm trọn trong Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (VQG BDNB), thực hiện chức năng bảo tồn lâu dài đa dạng loài, các cảnh quan, hệ sinh thái; vùng đệm có diện tích 72.232 ha, nằm bao quanh vùng lõi, ở đây có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến vùng lõi và vùng chuyển tiếp có diện tích 168.264 ha, nằm ở ngoài cùng KDTSQ, tại đây các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên mà khu dự trữ sinh quyển đem lại. Theo đánh giá của các chuyên gia, vùng lõi của KDTSQ LB gồm một hành lang ĐDSH duy trì sự sống cho 14 hệ sinh thái nhiệt đới nguyên sinh phía Đông-Nam, Việt Nam nói riêng và toàn Việt Nam nói chung, đây cũng là môi trường sống cho nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt các loài quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa.
- Đa dạng sinh học tại KDTSQ LB
Theo đánh giá của Viện Sinh thái học Miền Nam (2017), KDTSQ LB với vùng lõi VQG BDNB là một trong những trung tâm bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam. Khu vực này có sự đa dạng cao về loài với nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (2010). Trong khu vực có 07 kiểu sinh cảnh phân bố trong năm dạng địa hình tạo nên sự đa dạng về môi trường sống cho sự các loài sinh vật[3]. Theo đánh giá của tổ chức Birdlife International, cao nguyên Langbiang là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới với 5 vùng chim quan trọng (IBAs): Bidoup, Langbiang, Cổng trời, Tà Nung và Tuyền Lâm. Ngoài ra, Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) xếp khu vực Langbiang (vùng lõi là VQG BDNB) là khu vực ưu tiên số một trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn.
Về thực vật, các báo cáo đã tổng hợp 1.966 loài thực vật có mạch trên cạn của khoảng 820 chi và 179 họ nằm trong 04 ngành thực vật với 08 loài đặc hữu ở KDTSQ LB. Trong đó có 73 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007); 132 có tên trong sách đỏ IUCN (2014). Họ Lan (Orchidaceae) với 271 loài là họ có sự đa dạng loài cao nhất ở KDTSQ; Họ Đậu (Leguminosae) đa dạng thứ hai với 110 loài và các họ Cúc, họ Cà phê và họ Cỏ có sự đa dạng xếp thứ tự tiếp theo với số loài lần lượt là 92, 74 và 69 loài. Điều đặc biệt là trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2019, có ít nhất 30 loài thực vật từ KDTSQ (VQG) đã được mô tả mới cho khoa học. Điều này cho thấy đây là một trong những điểm nóng và hấp dẫn về ĐDSH của quốc gia và nó phản ánh rằng chúng ta chưa thực sự hiểu biết đầy đủ về ĐDSH tại nơi đây.
Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm cây Pơmu hơn 1.300 năm tuổi tại VQG BDNB – vùng lõi KDTSQ LB |
Về thú, các khảo sát mới đây đã ghi nhận 98 loài thú thuộc 29 họ, 10 bộ. Trong đó nhóm thú lớn gồm 7 bộ, 16 họ, 39 loài; nhóm thú nhỏ gồm 5 bộ, 12 họ, 59 loài. Trong nhóm thú lớn, toàn bộ các loài Linh trưởng (Primates) gồm 3 họ, 9 loài đều nằm trong danh lục Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 8 loài thuộc danh lục Sách Đỏ quốc tế IUCN (2009). Các loài thú Ăn thịt (Carnivora) có số loài và số họ chiếm ưu thế lớn trong nhóm thú lớn, bao gồm 6 họ với khoảng 26 loài. Tuy nhiên, hiện nay, tần suất bắt gặ p các loài thú ăn thịt là rất thấp. Các loài Móng guốc chẵn (Artiodactyla) gồm 4 họ với 7 loài, trong đó, đặc biệt nhất là loài Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) mới được ghi nhận lại bằng bẫy ảnh tại VQG BDNB.
Đây là loài Mang lớn nhất được phát hiện cho khoa học vào năm 1994 tại Vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau đó, loài này đã nhiều lần “biến mất” khỏi sự theo dõi của các nhà nghiên cứu. Sự ghi nhận loài này với tần suất lớn đã biến KDTSQ LB trở thành “khu vực quan trọng cuối cùng” để bảo tồn loài, hay theo như đánh giá của TS. Andrew Tilker (Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu) “KDTSQ LB với vùng lõi là VQG BDNB là khu vực quan trọng hàng đầu trong bảo tồn loài mang lớn và các loài thú đã biến mất ở Việt Nam”.[4]
Về chim, bên cạnh được xếp hạng là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới với 5 vùng chim quan trọng[5], cao nguyên Langbiang còn là nơi có số lượng loài chim đặc hữu cao nhất khu vực Đông Nam Á (GS. Frank Rheindt, Trường Đại học Tổng hợp Singapore)[6]. Các kết quả nghiên cứu đã ghi nhận khu hệ chim có tổng cộng có 394 loài chim thuộc 67 họ. Trong đó, có 23 loài chim nằm trong Danh sách các loài bị đe dọa của IUCN (2016) và 20 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam từ bậc Gần bị đe dọa (NT) đến Nguy cấp (EN). Bộ Sẻ là bộ có số lượng họ và loài chiếm ưu thế nhất trong các nhóm chim tại KDTSQ với khoảng 30 họ, 180 loài, chiếm 57% tổng số họ và 67% tổng số loài chim ghi nhận. Các loài chim đặc hữu hẹp gồm có Lách tách ngực nâu (Fulvetta danisi Bidoupensis), Khướu đầu đen má xám (Trochalopteron yersini), Sẻ thông họng vàng (Chloris monguilloti), Mi Langbiang (Crocias langbianis)…là những loài có phân bố rất hẹp, chỉ sinh sống trong các khu rừng ít bị tác động của KDTSQ.
Gà lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis) – loài đặc hữu, quý hiếm tại KDTSQ LB |
Như vậy, có thể khẳng định rằng KDTSQ LB đang giữ một vai trò vô cùng to lớn trong việc lưu trữ nguồn gen – di truyền, cảnh quan – ĐDSH không những cho Lâm Đồng, Tây Nguyên, mà còn cho cả Việt Nam và thế giới.
- Bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học ở KDTSQ Langbiang
Để bảo tồn và phát huy giá trị ĐDSH tại KDTSQ LB, theo các chỉ dẫn của MAB/UNESCO, phải áp dụng một cách tiếp cận bảo tồn và phát triển bền vững mới so với cách tiếp cận tập trung vào mục tiêu bảo tồn trước đây – vốn xuất phát từ khái niệm khu bảo vệ. Trong cách tiếp cận đó, các giá trị của KDTSQ được kết hợp hài hòa với nhau: kết hợp giữa bảo tồn ĐDSH với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc người; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; giữa sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên với nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Xuất phát từ quan điểm đó, với cách tiếp cận SLIQ[7] (Tư duy hệ thống, quy hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng), kế hoạch 5 năm (2018 – 2022) quản lý KDTSQ thế giới Langbiang đã được BQL KDTSQ LB xây dựng và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt theo quyết định số 786/2018/QĐ-UBND. Kế hoạch đã xác định các mục tiêu quản lý là thiết lập cơ chế hợp tác liên ngành nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, đảm bảo phúc lợi của người dân và phát triển kinh tế, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững của chương trinh nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Kế hoạch cũng đã xác định 9 chương trình hoạt động của KDTSQ giai đoạn 2018-2022, trong đó bảo tồn ĐDSH là một chương trình ưu tiên của kế hoạch với các hoạt động cụ thể được xác định gồm: Tăng cường bảo tồn ĐDSH và quản lý các hệ sinh thái rừng tự nhiên; Giảm thiểu tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái rừng và ĐDSH thông qua việc: tăng cường nhận thức của cộng đồng về ĐDSH; tăng cường năng lực cho việc bảo tồn ĐDSH; và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn ĐDSH.
Như vậy, mặc dù là KDTSQ trẻ nhất trong cả nước, nhưng như đánh giá của MAB Việt Nam, KDTSQ LB là nơi đầu tiên đã xác lập được tầm nhìn, mục tiêu và các chương trình hoạt động cho kế hoạch quản lý 05 năm. Đây chính là nền tảng quan trọng, là “kim chỉ nam” để vận hành KDTSQ theo các hướng dẫn MAB/UNESCO. Đối với công tác bảo tồn ĐDSH, căn cứ kế hoạch quản lý 05 năm, dưới sự hỗ trợ của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong thời gian qua, BQL KDTSQ LB đã thực hiện một số giải pháp ban đầu để góp phần bảo tồn ĐDSH như: điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH (tập trung ở vùng lõi), xây dựng và thực hiện các hoạt động giám sát ĐDSH (trên các tuyến và ô giám sát), cập nhật cơ sở dữ liệu ĐDSH vào hệ thống cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia…
Tuy nhiên, như đánh giá của ông Hiro Miyazono – cố vấn cao cấp của JICA, “mặc dù KDTSQ Lang Biang có tính ĐDSH cao nhất khu vực Đông Nam Á nhưng ai cũng nhận thấy là KDTSQ đang đối diện những khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn” và “để thực hiện tốt công tác quản lý KDTSQ thì sự hỗ trợ của các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương là rất quan trọng”. Sắp tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy ĐDSH, KDTSQ LB tiếp tục bám sát các chương trình của kế hoạch quản lý 05 năm và thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt sau:
– Tăng cường vai trò điều phối liên ngành của BQL KDTSQ trong việc giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng của các đơn vị chủ rừng và của các địa phương trên địa bàn KDTSQ;
– Tăng cường thu hút các nguồn lực: nhân lực, trình độ khoa học kỹ thuật, kinh phí từ trong và ngoài nước để hỗ trợ cho công tác bảo tồn ĐDSH. Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện các nguồn lực từ ngân sách dành cho công tác bảo tồn chưa có;
– Xây dựng, thử nghiệm các cơ chế để tạo ra các nguồn lực tài chính bền vững lâu dài cho các hoạt động bảo tồn. Đây là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo duy trì các hoạt động bảo tồn.
– Tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động giám sát ĐDSH nhằm cung cấp cấp cơ sở dữ liệu đầu vào kịp thời cho các kế hoạch quản lý.
– Thực hiện các chương trình/dự án cấp bách để bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, trong đó ưu tiên các loài thú lớn – là nhóm loài cần phải được can thiệp ngay để bảo tồn trước suy giảm nhanh chóng về số lượng trong tự nhiên;
– Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn cho các đơn vị chủ rừng cũng như một số cán bộ quản lý nhà nước ở các Chi cục, Phòng cấp huyện;
– Tăng cường công tác tuyền truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là cho người dân địa phương về giá trị của KDTSQ nói chung và về bảo tồn ĐDSH nói riêng, đi đôi với hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế tại vùng đệm để giảm bớt sự phụ thuộc của cư dân địa phương vào tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.
– Thử nghiệm các mô hình kết hợp bảo tồn ĐDSH với không gian văn hóa để tạo ra các sản phẩm đặc sắc của KDTSQ LB, trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và các sản phẩm sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.
– Ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý tài nguyên rừng, đa dạng sinh học như: thiết bị bay không người lái, bẫy ảnh, ảnh viễn thám, SmartPhone…để hỗ trợ các hoạt động quản lý, giám sát, cảnh báo biến động tài nguyên.
Để thay lời kết, như lời GS. Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch ủy ban MAB Việt Nam tại Hội nghị BQL KDTSQ LB lần thứ 7 “Giá trị, sự nổi tiếng của KDTSQ đem lại nhiều ý nghĩa lớn, trong đó phát triển lĩnh vực du lịch và các sản phẩm gắn với sự nổi tiếng sẽ góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế của địa phương”. KDTSQ LB với vị trí của mình, với sự quan tâm, ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các Sở, Ban, ngành, địa phương và cộng đồng cư dân trong tỉnh và sự hỗ trợ của MAB Việt Nam, của MAB/UNESCO, tin rằng sẽ từng bước biến những giá trị độc đáo về cảnh quan – đa dạng sinh thành những lợi thế trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh kế địa phương theo đúng phương châm của KDTSQ “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”./.
[1] http://www.unesco.org/new/en/natural-sciences/environment/ecological-sciences/biosphere-reserves/
[3] Viện Sinh thái học Miền Nam (2017), Báo cáo “khảo sát cơ sở về đa dạng sinh học cho dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững”.
[4] https://news.mongabay.com/2017/04/rare-barking-deer-photographed-in-vietnam/
[5] Birdlife International.
[6] Bidoup Nui Ba National Park and the Dalat Plateau –
an extraordinary South-East Asia hotspot of endemism
[7] SLIQ viết tắt của Systems Thinking” (S), “Land/seascape and Spatial Planning” (L), “Intersectoral Coordination with Involvement of Stakeholders” (I), and “Quality Economy” (Q).
Nguồn: Tạp chí Khoa học và công nghệ Lâm Đồng số 2 – 2020
Tin liên quan
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà