Chỉ để lại dấu chân…

“Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” thông điệp gửi những người khi bước vào rừng nhằm giữ cho rừng phát triển, không gây ô nhiễm môi trường rừng và rộng ra là bảo vệ môi trường nói chung. 
Rác thải rất nhiều trên tuyến đường xuyên qua Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà
Rác thải rất nhiều trên tuyến đường xuyên qua Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
Những ngày tháng 9, nhiều địa phương và các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022. Tại QL 27C, Vườn Quốc gia (Vườn) Bidoup – Núi Bà và xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương phối hợp tổ chức thu gom rác tại lâm phần Vườn Bidoup – Núi Bà và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang là một trong những hoạt động thiết thực. Lực lượng đông, nhiều thành phần, đi dọc suốt 6 km từ Trạm Kiểm lâm Hòn Giao, giáp tỉnh Khánh Hòa đến Trạm Kiểm lâm Giang Ly địa phận Lâm Đồng. Là vùng giáp ranh 2 tỉnh, địa hình khá bằng phẳng nên khách đi đường thường làm chỗ nghỉ ngơi nhưng cũng trở thành nơi xả rác bừa bãi. Cung đường đẹp bởi uốn lượn trong màu xanh đại ngàn mướt mát đang chịu hình ảnh hết sức phản cảm. Phó Giám đốc Vườn Bidoup – Núi Bà – ông Nguyễn Lương Minh nói với tôi: “Đây là cửa ngõ vào tỉnh Lâm Đồng, vừa là tuyến du lịch Nha Trang – Đà Lạt vừa là vườn quốc gia nên anh em của Vườn luôn bận tâm đến rác thải anh ạ. Có cắm biển, có cả thùng chứa rác nhưng ý thức của một số người đi đường không cao nên dọn không xuể”.
Ra quân thu gom rác hôm đó với một lực lượng trên 50 con người, có đại diện lãnh đạo xã và Vườn. Ông Nguyễn Lương Minh phát động: “Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là vấn đề có tính sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc và của toàn cầu (…). Vì cuộc sống, môi trường, cảnh quan, vì thương hiệu của chúng ta, chúng ta cần tiếp tục nâng cao ý thức, tuyên truyền, hành động bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất như bỏ rác đúng nơi quy định, giảm thiểu rác thải, tăng cường tái chế và tái sử dụng những chất thải theo quy định”. Ông Minh cũng mong tinh thần buổi lễ phát động được duy trì trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ rừng nói riêng.
Rác xả bừa bãi dọc 2 bên QL 27C nhiều đến khó hình dung. Đủ các loại: chai nhựa, cao su, vải vóc,… thứ đất lấp, thứ vương trên cành cây và thứ theo dòng nước chảy xuống lưu vực chất đống! Anh Giáp – kiểm lâm viên Trạm Hòn Giao nói với tôi: “Mới 3 tuần trước, tụi cháu đã thu gom một ít rồi mà còn nhiều như thế này đấy”. Còn Bí thư Đoàn xã Đạ Chais – Cil Ha Niên cho biết: “Hàng tháng, 2 Chi đoàn xã và Vườn phối hợp dọn dọc QL 27C và hàng tuần xã cũng tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” cùng nhà thờ làm sạch trong các thôn”. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương đang là nét văn hóa dân cư trân trọng. Chúng tôi cũng gặp người dân xã Đạ Chais tại hiện trường thu gom rác: hộ nhận khoán Dơng Gur Ha Bi, đoàn viên Kơ Dơng K’Hoan và Kơ Dơng Hải Dương…, ai cũng nhiệt tình trong công việc và mong muốn mọi người cần có ý thức tốt về bảo vệ môi trường, nhất là khách đi trên con đường này.
Với Vườn, Bí thư Chi đoàn – anh Nguyễn Sỹ Quang cũng cho biết, hàng năm, Chi đoàn Vườn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường huy động cụm Đoàn khối thi đua triển khai hoạt động vào ngày Môi trường 5/6. Gồm giao lưu, thu gom rác và trồng cây trên lâm phần Vườn quản lý. “Nhờ vậy các điểm và tour du lịch, rác được kiểm soát sạch, chỉ có tuyến đường 27C này chưa có giải pháp nào hiệu quả”, anh Quang cho biết. “Về lâu dài và bài bản, cần giao cho một cơ quan làm đầu mối và có nguồn ngân sách cụ thể để phối hợp, triển khai thực hiện trách nhiệm của mỗi bên liên quan. Theo đó cần xây dựng các điểm dừng chân cho du khách có hạ tầng cơ sở vật chất để đảm bảo tốt công tác bảo vệ môi trường bền vững. Việc tổ chức thu gom hàng năm như thế này chỉ giải quyết được phần ngọn”, Phó Chủ tịch Công đoàn Vườn – Nguyễn Mạnh Cường đề xuất.
Phó Giám đốc Nguyễn Lương Minh còn kiêm phụ trách Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Vườn Bidoup – Núi Bà cũng cho biết: “Hiện tại Vườn có 4 tuyến du lịch chính và một số tuyến phụ, tuyến nối kết. Trong quá trình đưa khách đi tham quan, hướng dẫn viên vừa hướng dẫn giới thiệu cho du khách về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và cả những tri thức dân gian về rừng…; nhưng đồng thời nếu có rác là nhặt ngay, cũng là một hình thức tuyên truyền. Mặt khác, để hạn chế đặt các thùng đựng rác, Vườn khuyến khích du khách mang theo ba lô hoặc túi để đựng rác của mình sau sử dụng, nghĩa là đem rác đi thì đem rác về bỏ vào nơi theo quy định. Slogan của Vườn quốc gia là bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hóa là bảo vệ tương lai. Mình kết hợp lồng ghép”.
Ông Nguyễn Lương Minh cho biết thêm, Vườn cũng đưa giáo dục môi trường, giáo dục thiên nhiên đối với học sinh trong các hoạt động, nhưng kinh phí hạn hẹp, mỗi năm chỉ được 270 triệu đồng nhưng triển khai rất nhiều phần việc như câu lạc bộ trường học, câu lạc bộ xanh, tham quan, tổ chức các cuộc thi… Chúng tôi cũng nêu đến Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Rất nhiều quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vì vậy nội dung Nghị định cần tuyên truyền sâu rộng đến toàn xã hội; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và chính quyền các cấp cần nghiên cứu kỹ để thực thi. Và, Nghị định 45 cùng thông điệp “Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” rất cần thấm sâu trong mỗi du khách và nghiêm chỉnh thực thi đối với các nhà quản lý trong môi trường du lịch thành phố Đà Lạt!
Nguồn: Báo Lâm Đồng