(LĐ online) – Chiều 22/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã đi kiểm tra thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn 2 xã Đạ Sar và Đạ Nhim (huyện Lạc Dương). Đây là 2 điểm nóng xảy ra nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp của huyện Lạc Dương nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung trong thời gian gần đây.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đông Trần Văn Hiệp phê bình đơn vị sử dụng cây con còn quá non để trồng khôi phục rừng |
Có mặt kiểm tra thực tế tại khu vực rừng vừa được huyện Lạc Dương trồng lại sau giải tỏa trên ngọn đồi nằm cạnh Quốc lộ 27C, Tiểu khu 118 (xã Đa Sar, huyện Lạc Dương), Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã phê bình đơn vị triển khai trồng thông phục hồi lại rừng nhưng chưa đảm bảo về chất lượng cây trồng khi hàng loạt cây thông mới trồng lại vẫn còn quá non. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị cần chú ý đến việc ươm trồng, đầu tư cây giống có sức sinh trưởng tốt hơn, để sớm phủ lại rừng.
Tại Tiểu khu 97 (xã Đa Nhim), sau khi trực tiếp kiểm tra, xem xét hiện trường diện tích hàng loạt cây thông già bị các đối tượng dùng khoan ken gốc ngay sát Quốc lộ 27C Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo huyện Lạc Dương cùng các đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn tất điều tra và khởi tố vụ án; đồng thời, khẩn trương cắt bỏ những cây thông đã chết này để tổ chức trồng thay thế bằng những cây thông từ 3 năm tuổi trở lên, quá trình tổ chức trồng sắp xếp đảm bảo thẩm mỹ và sử dụng xe cơ giới đào hố, tạo mặt bằng thông thoáng, đảm bảo kỹ thuật tốt nhất để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra khu vực rừng tại xã Đa Nhim |
Kiểm tra thực tế hiện trường hàng loạt cây thông bị ken gốc tại Tiểu khu 97 |
Trao đổi với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát Phát triển nông thôn, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo huyện Lạc Dương tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho rằng công tác quản lý bảo vệ rừng của Lạc Dương dọc trục Quốc lộ 27C trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng phá rừng, ken cây với nhiều hình thức, tuy nhiên không có hiện tượng tàn phá hàng loạt với số lượng lớn. Đồng chí chỉ đạo huyện Lạc Dương và các ngành chức năng của tỉnh cần có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Huyện cần chỉ đạo các xã tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, phân công kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở và tổ chức khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm các vụ vi phạm, chú trọng đến việc tuần tra để phát hiện sớm và kịp thời các vụ vi phạm. Đối với các khu vực nhà kính, nhà lưới đã sản xuất ổn định, cần sớm đánh giá thực trạng ranh giới, trồng xen cây lớn ở các khu vực này để tạo sinh khối, chống sạt trượt và bảo vệ rừng.
Sau khi đi thực tế tại một số khu vực rừng, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, đơn vị đang quản lý và bảo vệ diện tích 70 ngàn ha; trong đó, có 96% là rừng với hệ sinh thái rừng vô cùng đa dạng và đặc trưng. Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cho biết, đơn vị hiện đang xây dựng đề án phát triển du lịch rừng bền vững trong 10 năm tới; mỗi năm tiến hành chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 30 tỷ đồng trên diện tích 55.000 ha, với bình quân thu nhập hộ nhận khoán từ 14 đến 20 triệu đồng, chủ yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vườn hiện có 10 trạm kiểm lâm đặt rải rác ở các khu vực trong Vườn Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp trao đổi với lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà và lãnh đạo huyện Lạc Dương, cùng các sở ngành |
Thăm khu vườn ươm của vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đánh giá cao mô hình ươm, đặc biệt là chất lượng cây thông ươm. Đồng chí chỉ đạo đơn vị cần tận dụng những khoảng trống, nâng cao hơn nữa chất lượng cây giống để phối hợp với các đơn vị khác cung cấp giống thông để triển khai tổ chức trồng lại rừng trên dịa bàn một số huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cần đẩy mạnh xã hội hóa du lịch dưới tán rừng, nhưng chỉ nên giới hạn hợp tác với 1, 2 đơn vị có năng lực trong lĩnh vực này để dễ quản lý và đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, song song với phát triển kinh tế, huyện Lạc Dương cần đặc biệt chú trọng đến công tác giữ rừng.
Thăm vườn ươm cây giống tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà |
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp yêu cầu và nhấn mạnh rằng, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, thì nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng lại rừng trên diện tích đã giải toả được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, vai trò của lực lượng cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là cấp xã là vô cùng quan trọng. Tỉnh luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp cũng như sự nỗ lực của các cán bộ ngành kiểm lâm, cán bộ chính quyền và Nhân dân ở các xã thời gian qua đã nỗ lực làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; sẽ biểu dương, khen thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ xử lý nghiêm khắc những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi dung túng, bao che gây thiệt thiệt về rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất hỗ trợ cho huyện Lạc Dương triển khai đầu tư phương tiện cơ giới hiện đại phục vụ trong việc trồng cây rừng để nâng cao chất lượng và đảm bảo cây trồng sinh trưởng tốt, đẩy nhanh tốc độ che phủ rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp trao đổi với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát Phát triển nông thôn, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, huyện Lạc Dương tại hiện trường |
Để phục vụ cho chương trình trồng 50 triệu cây rừng, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quy hoạch hai dự án ươm giống, quy mô 30 triệu cây rừng với mô hình bài bản, hiện đại, đa chủng loại đặt ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà và một dự án ở khu vực các huyện phía Nam.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà