Giải pháp khoa học mới về phòng cháy rừng thông

Lâm Đồng có diện tích rừng thông rất lớn với gần 200.000 ha. Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà, Tiến sĩ Lê Văn Hương là người có 37 năm gắn bó với ngành lâm nghiệp ở Lâm Đồng vừa bảo vệ xuất sắc công trình khoa học đề tài chữa cháy rừng thông có nhiều ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. 
 
TS Lê Văn Hương (ngoài cùng bên trái) trao chứng nhận cho các nhà khoa học các nước tập huấn tại VQG Bidoup - Núi Bà, tháng 11/2020
TS Lê Văn Hương (ngoài cùng bên trái) trao chứng nhận cho các nhà khoa học các nước tập huấn tại VQG Bidoup – Núi Bà, tháng 11/2020
 
Duyên và nợ
 
Tiến sĩ Lê Văn Hương sinh năm 1963, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Anh tham gia ngành Lâm nghiệp Lâm Đồng từ năm 1984. Năm 1990, Lê Văn Hương may mắn được tham dự khóa tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Dự án VE 86028 của Cộng hòa Dân chủ Đức tài trợ. Lăn lộn thực tiễn nhiều năm, anh hiểu, “trong kinh doanh rừng thông vì bất kỳ mục tiêu nào thì phòng cháy chữa cháy cũng quan trọng bậc nhất”. 
 
Khi được tiếp cận với các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế về lĩnh vực bảo vệ tài nguyên rừng, trong đó có phòng cháy chữa cháy rừng, Lê Văn Hương theo đuổi nghiên cứu giải pháp chữa cháy rừng thông gắn với Lâm Đồng. Từng bước, anh khoan sâu vấn đề, từ luận văn tốt nghiệp đại học đến luận án thạc sĩ. Từ các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước như International Forest Fire New, 2007 của Hoa Kỳ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017 của Việt Nam… Và năm 2020, tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng cháy cho rừng thông ba lá (Pinus kesiya) tại VQG Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng”. 
 
Nhiều thông tin quý từ thực tiễn
 
Luận án tiến sĩ của Lê Văn Hương đưa ra rất nhiều số liệu của loài thông và lĩnh vực cháy rừng. Dẫn chứng, từ năm 2001 – 2017, địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 544 vụ cháy rừng xảy ra, gây thiệt hại gần 1.414 ha rừng các loại. VQG Bidoup – Núi Bà (Vườn Di sản ASEAN) có diện tích 70.038 ha, là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang, một trong những thách thức lớn nhất là cháy rừng. Trong đó, có 23.545 ha rừng thông ba lá (21.498 ha rừng tự nhiên và 2.047 ha rừng trồng). Năm 2014, tổng diện tích rừng dễ cháy của VQG này là 30.930 ha. Từ năm 2005 – 2017, VQG Bidoup – Núi Bà đã xảy ra 84 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại lên đến 229,4 ha, chủ yếu rừng thông ba lá. Tác giả nhận định: “Trong một cảnh quan được hình thành từ các yếu tố địa khí hậu đặc trưng như rừng thông ba lá ở VQG Bidoup – Núi Bà, đã nhiều năm rừng không bị cháy, thảm cỏ dày rậm, khối lượng vật liệu cháy có thể trên 20 tấn/ha, nên nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi cháy rừng xảy ra trên diện rộng, những giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan mang ý nghĩa toàn cầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng và khó có khả năng phục hồi”. 
 
Tham khảo trên 100 tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài, tác giả Lê Văn Hương nêu nhiều đặc điểm về rừng thông ba lá trên thế giới và ở Việt Nam. Đặc biệt đi sâu phân tích rừng thông ba lá tại VQG Bidoup – Núi Bà như phân bố, mật độ, cấp tuổi thông, địa hình, nhiệt độ, lượng mưa, các loài thực vật… Tác giả đã thực địa 520 ô nghiên cứu với các phương pháp phân tích, thống kê hiện đại và tư duy logic. 
 
Chữa cháy rừng thông tại Đà Lạt (ảnh diễn tập)
Chữa cháy rừng thông tại Đà Lạt (ảnh diễn tập)
 
Ý nghĩa lớn của đề tài
 
Nghiên cứu khoa học về phòng cháy, chữa cháy rừng trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều kết quả. Tuy nhiên, đề tài của tác giả Lê Văn Hương (do 2 PGS, TS. Bế Minh Châu và Trần Ngọc Hải hướng dẫn) đi sâu vấn đề làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra. Luận án xác định 3 mục tiêu cụ thể: (1) Đánh giá các đặc điểm chủ yếu liên quan đến cháy rừng của rừng thông ba lá ở VQG Bidoup – Núi Bà; (2) Xác định thành phần của vật liệu cháy và mối quan hệ của chúng trong điều kiện môi trường rừng; (3) Đề xuất các giải pháp phòng cháy rừng hiệu quả cho rừng thông ba lá tại VQG Bidoup – Núi Bà. Công trình khoa học dày 135 trang, chưa kể mấy chục trang danh lục, phụ lục chi tiết và công phu…
 
Công trình khoa học của Lê Văn Hương thú vị ở chỗ, anh vận dụng triết học phương Đông, đặc biệt thuyết ngũ hành để phân tích, tìm các hệ quy chiếu, lý giải những phương tác động cả mặt tiêu cực và tích cực trong sự cháy. Thế giới chia vật liệu cháy thành 5 loại nhưng đề tài của Lê Văn Hương chỉ phân chia thành 2 loại: cháy được và không cháy được. Theo đó, đặt ra sự tương khắc tương sinh giữa các vật liệu có ở rừng. Đề tài xác định mối tương quan chuẩn tắc giữa 4 tập biến phụ thuộc (nhiệt độ, ẩm độ không khí, khối lượng vật liệu cháy đã khô, hệ số cháy) và 2 tập biến độc lập (phần trăm cháy hết và thời gian cháy hết). Đây là mấu chốt để nghiên cứu tính được yếu tố thực địa khả năng cháy và phương pháp xử lý. 
 
Kết quả của đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng cháy cho rừng thông ba lá tại VQG Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng” của tác giả Lê Văn Hương được nhiều nhà khoa học đánh giá rất cao. Hội đồng đánh giá luận án gồm 7 GS, PGS, TS đều thông qua 100% thành viên tán thành. Về lý luận, Hội đồng cho rằng: “Luận án đã bổ sung thêm hiểu biết về mối quan hệ giữa nguy cơ cháy rừng thông với các nhân tố ảnh hưởng làm cơ sở xây dựng mô hình dự báo nguy cơ cháy rừng ở địa phương”. Cùng đó, “góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học cho giải pháp đốt chỉ định vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông ba lá ở VQG Bidoup – Núi Bà”. Về thực tiễn, “Luận án đã đề xuất được phương pháp dự báo nguy cơ cháy rừng, xác định được mùa cháy rừng và một số giải pháp kỹ thuật phòng cháy rừng thông ba lá có cơ sở khoa học và thực tiễn cho VQG Bidoup – Núi Bà”. Chủ tịch Hội đồng, GS, TS. Vương Văn Quỳnh kết luận: “Luận án là công trình của riêng nghiên cứu sinh, có nội dung phong phú, phương pháp nghiên cứu thích hợp và kết quả đã đạt được mục tiêu đề ra”.
Nguồn: Báo Lâm Đồng