Một phát hiện gây bất ngờ cho các nhà sinh vật học trong nước và quốc tế mới được công bố trên tạp chí khoa học uy tín hàng đầu về thú Mamalia, Thỏ vằn Trường Sơn – tên khoa học là Nesolagus timminsi được ghi nhận lần đầu tiên ở Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (VQG Bidoup-Núi Bà), tại nơi chỉ cách điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam – Thành phố Đà Lạt – 20 km. Loài thú đặc biệt này được phát hiện vào tháng 9 năm 2020 bởi các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu rừng nhiệt đới thuộc VQG Bidoup-Núi Bà, Viện Sinh thái học Miền nam (SIE), Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), và Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC). Trước đây, Thỏ vằn Trường Sơn – loài thú cổ ở dãy Trường Sơn – được cho chỉ có phân bố ở Bắc và Trung Trường Sơn. Ghi nhận mới này cách hơn 400km về phía Nam của vùng phân bố được biết tới trước đó. Theo Sách đỏ của IUCN, Thỏ vằn Trường Sơn hiện tại đang được xếp ở nhóm Nguy Cấp (Endangered).
Thỏ vằn Trường Sơn (hình 1)
“Phát hiện được một quần thể mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn loài thỏ vằn Trường Sơn đang bị đe dọa toàn cầu này”, TS. Le Van Huong, giám đốc VQG Bidoup- Núi Bà, nói. “Bước tiếp theo chúng tôi phải tiếp tục cùng với các đối tác nghiên cứu thêm xu thế tăng hay giảm về mật độ quần thể và các yếu tố sinh thái ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài. Điều chúng tôi lo lắng là nguy cơ suy giảm quần thể này sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng cục bộ của quần thể duy nhất được biết đến của loài thỏ vằn ở nam Trường Sơn. Chúng tôi cũng rất mong muốn thực hiện các hoạt động cụ thể để bảo vệ một loài đặc hữu như thỏ vằn Trường Sơn, như là một phần của nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học – yếu tố làm cho VQG Bidoup-Núi Bà trở nên đặc biệt.”
Thỏ vằn Trường Sơn là một trong những loài hiếm và đang bị đe dọa mà các nhà khoa học phát hiện được ở VQG Bidoup-Núi Bà. Các đợt khảo sát từ tháng 9-2020 đến tháng 10-2021 cũng đã ghi nhận được các loài như mang lớn, cầy vằn và gấu chó, từ đó góp phần chứng minh VQG Bidoup-Núi Bà là một trong những khu bảo tồn có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của Việt Nam.
Chúng tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy thỏ vằn Trường Sơn trong dữ liệu thu được từ bẫy ảnh,” TS. Andreas Wilting, nhà nghiên cứu từ Leibniz-IZW. “Không ai có thể nghĩ loài này lại xuất hiện cách một nơi quá xa so với vùng phân bố được biết tới. Điều này cho thấy chúng ta vẫn biết rất ít về các khu rừng dọc dãy Trường Sơn”.
Thỏ vằn Trường Sơn (hình 2)
Các nhà khoa học đang lên kế hoạch các khảo sát sâu hơn để đánh giá hiện trạng quần thể của loài và tìm hiểu xem quần thể mới phát hiện ở VQG Bidoup-Nui Bà khác biệt về mặt di truyền như thế nào so với các quần thể ở bắc và trung Trường Sơn. Thạc sĩ Lê Duy, nhà nghiên cứu thuộc Viện sinh thái học miền nam và là một trong những thành viên chính của nhóm khảo sát, nói, “Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng thu thập càng nhiều dữ liệu về quần thể vừa mới phát hiện càng tốt. Các nghiên cứu chuyên sâu về di truyền và khảo sát về hiện trạng quần thể của loài trong thời gian sắp tới sẽ cung cấp thông tin mang tính khoa học và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định và triển khai các hoạt động bảo tồn loài thú đặc hữu này”
Người nghiên cứu chính An Nguyen, vừa là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz với học bổng từ Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), vừa là nhà khoa học bảo tồn liên kết với Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC) đã đưa ra nhận định về phát hiện này ở Việt Nam, “Hiểu biết của nhiều người Việt Nam về động vật hoang dã ở Châu Phi đôi khi có thể còn tốt hơn so với với hiểu biết mà họ có về động vật hoang dã tại chính đất nước mình đang sống. Chúng ta cần thay đổi điều này và cần phải để cho người Việt biết đa dạng sinh học ở Việt Nam đặt biệt như thế nào và tại sao cần phải bảo vệ các loài”.
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà