(LĐ online) – Năm 2020, Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề cho ngày Môi trường thế giới 5/6 là “Hành động vì thiên nhiên”. Đúng ngày hôm nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nhà khoa học Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà (gọi tắt là Vườn) để có những thông tin mới nhất về những phát hiện các loài nói chung và loài lan (Orchidaceae) nói riêng tại Vườn.
Lan Thanh thiên quỳ pubilabia mô tả hình thái |
Trước hết, thông tin chung từ Thạc sĩ Lê Văn Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới của Vườn cho biết: Các nhà khoa học thế giới đã khẳng định giá trị tài nguyên thiên nhiên của VQG Bidoup – Núi Bà là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam; là 1 trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới; là vùng đa dạng thứ hai về cây lá kim của Việt Nam và là khu vực ưu tiên số 1 (Khu vực SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính ở Việt Nam.
Về khu hệ thực vật, hiện nơi đây đã ghi nhận được 2.075 loài có mạch trên tổng số khoảng 12.000 loài thuộc khu hệ thực vật Việt Nam. Trong đó, có nhiều loài đặc hữu hẹp, quý hiếm, gồm 73 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 96 loài thuộc Danh lục đỏ của IUCN. Trong những tháng đầu năm 2020, các nhà khoa học đã ghi nhận được tại Vườn 32 loài mới và ghi nhận mới cho khu hệ thực vật có mạch Bidoup – Núi Bà. Trong đó, có 5 loài lan, 12 loài dương xỉ và 15 loài thực vật có mạch do nhóm tác giả Trường Đai học Kyushu, Nhật Bản, Trường Đại học Đà Lạt và VQG Bidoup – Núi Bà công bố. Về khu hệ động vật, hiện đã ghi nhận được 548 loài động vật có xương sống, thuộc 113 họ, 35 bộ; trong đó, có 97 loài Sách đỏ quốc tế IUCN năm 2008, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục CITES (phụ lục I, II). Hệ động vật bao gồm lớp chim (Aves), lớp thú (Mammalia), lớp bò sát (Reptilia) và lớp ếch, nhái (Amphibia). ThS Sơn cho biết thêm: “Khu hệ động vật tại VQG Bidoup – Núi Bà vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá, đặc biệt là các nhóm thuộc động vật không xương sống như côn trùng, động vật đất.., vì lý do nguồn lực về kinh tế và nhân lực khoa học”.
Lan Khúc thần sagittate mô tả hình thái |
Bidoup – Núi Bà là vương quốc các loài lan. Hiện đã ghi nhận được 317 loài, thuộc 85 chi, trên tổng số khoảng 1.250 loài lan của Việt Nam. Trong đó, có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và những loài đặc hữu của VQG Bidoup – Núi Bà. Những loài đặc hữu và phân bố hẹp các nhà khoa học cho rằng, rất dễ bị tổn thương và tuyệt chủng do mất sinh cảnh và cùng đó là biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Thạc sĩ Trương Quang Cường – Chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế nhiệt đới VQG Bidoup – Núi Bà cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, các nhà khoa học Đài Loan và Việt Nam đã công bố thêm 2 loài mới, 3 ghi nhận mới và tái phát hiện một loài lan đáng chú ý cho cao nguyên này.
Hai loài mới là Lan Thanh thiên quỳ pubilabia (Nervilia pubilabia T.C. Hsu, C.W. Chen & Luu) và Lan Khúc thần sagittate (Panisea sagittata T.C. Hsu, H.C. Hung & Luu). Phân tích và mô tả hình thái cho thấy, Lan Thanh thiên quỳ pubilabia là loài đặc hữu của Việt Nam, thân thảo mọc trên đất, chiều cao đạt đến 12 cm bao gồm hoa. Củ có màu trắng dài từ 8 – 15 mm và rộng từ 3 – 7 mm… Phiến lá thường cách mặt đất một khoảng ngắn hình đa giác, màu xanh lá đồng đều chứa 7 gân chính. Lan Thanh thiên quỳ pubilabia phân bố ở kiểu rừng lá rộng thường xanh, ưa ẩm và chịu bóng, sống nơi độ cao từ 800 – 1000 m. Hoa nở vào tháng 5 và lá xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 12. “Lan Thanh thiên quỳ pubilabia hiện chỉ được ghi nhận tại khu vực cao nguyên Langbiang với ước tính 100 cá thể trưởng thành. Cần phải có thêm nhiều đợt điều tra để làm rõ phạm vi phân bố và đánh giá chính xác hơn quy mô quần thể” – ThS Cường cho biết. Đối với Lan Khúc thần sagittate, cũng là loài đặc hữu của Việt Nam, thân thảo, phụ sinh cao từ 5 -10 cm. Giả hành hình trứng, xếp gần nhau chứa 2 lá hình elip hẹp ở đỉnh. Hoa màu trắng tinh khiết, không mùi, có môi sệ xuống… Lan Khúc thần sagittate phân bố trong các khu rừng ẩm lá rộng thường xanh ở độ cao 1700 – 1900 m. Hoa nở từ tháng 9 đến tháng 11.
Lan Tai dê nana mô tả hình thái |
Ba loài lan ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam tại cao nguyên Langbiang bao gồm: Lan Thủ thư tortilacinia (Cheirostylis tortilacinia C.S. Leou); Lan Gấm đất reticulata (Goodyera reticulata Blume) và Lan Corybas geminigibbus J.J.Sm. Lan Thủ thư tortilacinia trước đây đã được ghi nhận tại đảo Hải Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Loài này được ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam tại kiểu rừng lá rộng nguyên sinh trên đá Silicat ở độ cao khoảng 1.200 m, ra hoa vào tháng 1. Lan Gấm đất reticulata được phát hiện lần đầu tại vùng núi Gede thuộc Java và Quần đảo Borneo, Indonesia. Ở Việt Nam, loài này được tìm thấy dưới rừng lá rộng nguyên sinh, dọc theo con suối nằm ở độ cao khoảng 1.750 m; ra hoa vào tháng 10. Lan Corybas geminigibbus J.J.Sm được phát hiện đầu tiên tại vùng núi Mulu phía tây Kalimantan, Indonesia. Là loài thân thảo rất nhỏ, mọc trên mặt đất và rêu ẩm ướt. Tại Việt Nam, loài này được ghi nhận tại VQG Bidoup – Núi Bà trên tảng đá có rêu ở độ cao 1.500 m, khoảng 20 cá thể trưởng thành và một quần thể khác tại độ cao 1.800 m ở khu vực núi Chư Mư tỉnh Đắk Lắk. Cũng theo ThS Cường, Lan Tai dê nana (Liparis nana Rolfe, 1913) có thể coi là đã bị tuyệt chủng vì ghi nhận cuối cùng về loài này từ năm 1924 (Averyanov, 2013). Trong đợt khảo sát tháng 12/2014, một mẫu vật ra hoa đã được thu thập và suy đoán bởi tác giả đầu tiên là loài này, nhưng việc định loại chưa được xác nhận; tháng 6/2018 khi các cá thể ra hoa cuối cùng đã được quan sát.
ThS Trương Quang Cường đánh giá: “Việc công bố thêm 2 loài lan mới cho khoa học, ghi nhận thêm 3 loài lan cho khu hệ Lan Việt Nam và tái phát hiện lại một loài lan bị coi là tuyệt chủng tại Khu dự trữ sinh quyển Langbiang mà vùng lõi là VQG Bidoup – Núi Bà một lần nữa khẳng định những giá trị đa dạng sinh học tại khu vực này”. Ông Cường cũng cho rằng, việc mở rộng hợp tác nghiên cứu và tăng cường các đợt khảo sát thực địa nhằm đánh giá đầy đủ mức độ quần thể, tình trạng bảo tồn cho các loài thuộc họ lan nói riêng và khu hệ thực vật nói chung là một việc làm rất cần thiết trong công tác bảo tồn. Những thông tin khoa học về VQG Bidoup – Núi Bà sẽ là cơ sở có giá trị để xây dựng chiến lược, lập quy hoạch, kế hoạch bảo tồn phù hợp cho từng loài, nhóm loài.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà