Là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Langbiang, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà với diện tích hơn 70.000 ha, từ lâu đã được biết đến như là một trung tâm Đa dạng sinh học của Việt Nam. Tại đây, thời gian qua, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã không ngừng phát hiện và công bố nhiều loài sinh vật mới hết sức độc đáo và có ý nghĩa lớn cho khoa học.
Trên tạp chí khoa học uy tín dành cho các nhà phân loại sinh vật Zootaxa 3302: 1-24 (2012) với tiêu đề “Two new cryptic species of the Cyrtodactylus irregularis complex (Squamata: Gekkonidae) from southern Vietnam” các nhà khoa học đến từ Liên Bang Nga, Việt Nam và các cộng sự đã công bố 2 loài thằn lằn mới thuộc họ Gekkonidae có tên khoa học là Cyrtodactylus bugiamapensis và Cyrtodactylus bidoupimontis. Loài mới Cyrtodactylus bugiamapensis được ghi nhận và mô tả tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, trong khi đó loài Cyrtodactylus bidoupimontis được phát hiện tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà trong khu vực rừng lá rộng thường xanh và được đặt tên theo tên ngọn núi Bidoup hùng vĩ với độ cao 2.287 mét. Theo mô tả, loài Cyrtodactylus bidoupimontis rất giống với loài Cyrtodactylus irregularis đã phát hiện trược đó và được phân biệt bởi các khác biệt về màu sắc thân, các đốm trên lưng, kích thước chân…
|
|
Loài mới Cyrtodactylus bidoupimontis được phát hiện tại VQG Bidoup – Núi Bà |
Sinh cảnh sống của loài Cyrtodactylus bidoupimontis Nguồn: Tạp chí Zootaxa 3302: 1-24 (2012) |
|
|
Cũng trên tạp chí uy tín Zootaxa 3635 (5): 520-532 (2013), nhà khoa học người Nga LEONID N. ANISYUTKIN và các cộng sự đã mô tả về một chi gián mới Macrostylopyga thuộc họ Blattidae với hai loài mới là Macrostylopyga grandis và Macrostylopyga bidupi. Loài mới Macrostylopyga bidupi được phát hiện và mô tả tại khu vực Klong KLanh thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Báo cáo khoa học có tựa đề “Macrostylopyga gen. nov., a new genus of cockroaches (Dictyoptera: Blattidae),with descriptions of two new species” mô tả chi gián mới Macrostylopyga thuộc về một nhóm phân loại nhiều loài gián có đặc điểm là “tegmina” và cánh bị giảm bớt (reduced).
Bên cạnh đó, trên tạp chí Mycosphere 5 (4): 591–600 (2014), nhóm tác giả Mel’nik VA, Alexandrova AV and Braun U cũng đã công bố 2 loài nấm mới ở Việt Nam được phát hiện tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và Vườn quốc gia Cát Tiên. Hai loài nấm mới có tên khoa học là Craspedodidymum seifertii và Ityorhoptrum biseptatum thuộc nhóm nấm hyphomycetes (nhóm nấm bất toàn không có túi giá và đĩa giá) đều được thu thập từ vỏ của các loài cây chưa được định danh. Theo nhóm tác giả, Loài Craspedodidymum seifertii được lấy mẫu ở khu vực Giang Ly thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà trong khu rừng nhiệt đới gió mùa với ưu thế là các loài thuộc họ Ericaceae, Fagaceae, Lauraceae, Theaceae.
|
Loài nấm mới Craspedodidymum seifertii |
Nguồn: Mycosphere 5 (4): 591–600 (2014) |
Ngoài ra, trong một chuyến khảo sát mới đây, nhóm nghiên cứu đến từ Hiệp hội côn trùng Cộng hoà Séc và Trung tâm Thông tin và Chuyển giao tiến bộ sinh học thuộc Hội Các ngành Sinh học Việt Nam cũng đã thu thập được mẫu côn trùng của 2 dạng loài thuộc giống Aegolipton và giống Fruhstorferia có thể là loài mới cho khoa học. Mẫu vật hiện đang được phân tích tại Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Như vậy, với thêm 3 loài mới chính thức được công bố và 2 loài đang chờ phân tích, trong vòng 10 năm qua, đã có hơn 20 loài mới cho khoa học đã được phát hiện và công bố tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Điều đó càng khẳng định vị thế về một trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và cũng cho thấy chủ trương hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Vườn đã và đang thu được những thành quả tốt đẹp./.
Trung tâm nghiên cứu QT rừng nhiệt đới tổng hợp.
Tin liên quan
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen