(LĐ online) – Sáng 12/6, Ban quản lý dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà phối hợp Văn phòng WWF Lâm Đồng tổ chức cuộc họp nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác công – tư để tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà.
Các đại biểu tham gia chương trình |
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Tại chương trình, đại diện lãnh đạo các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đã cùng tham luận về các hoạt động thúc đẩy hợp tác công – tư trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà.
Ông Phạm Văn Dân – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà phát biểu khai mạc |
Các nội dung tập trung vào các vấn đề, như: Khung pháp lý hợp tác công – tư ở Việt Nam và một số mô hình hợp tác công – tư; Các cơ hội hợp tác công – tư ở VQG Bidoup – Núi Bà; Tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái của VQG Bidoup – Núi Bà đạt tiêu chuẩn OCOP; Một số ý tưởng hợp tác công – tư của tập đoàn Hoà Phát tại các VQG; Kế hoạch hợp tác công – tư trong phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm tại VQG Bidoup – Núi Bà…
TS. Lê Văn Hương – Tư vấn dự án, trình bày tham luận |
Ths. Võ Thị Bích Thùy – Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển sinh kế và khởi nghiệp thuộc Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI) tham luận tại chương trình |
Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những cơ hội hợp tác dựa trên việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi đơn vị, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Đồng thời, VQG Bidoup – Núi Bà cũng đã ký thỏa thuận khung hợp tác với các đối tác.
Theo ông Phạm Văn Dân – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, VQG Bidoup – Núi Bà được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển các hoạt đông tạo nguồn thu, nhất là về Du lịch sinh thái. Dù vậy, hiện nay việc phát triển hoạt động tạo nguồn thu tại VQG Bidoup – Núi Bà vẫn còn hạn chế. Riêng đối với hoạt động du lịch sinh thái hàng năm chỉ mới thu được khoảng 2 tỷ đồng với gần 10.000 du khách.
Ông Tưởng Hữu Lộc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt nêu ý kiến thảo luận |
PGS. TS Huỳnh Quốc Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu |
Một trong những nguyên nhân chính của hạn chế này là thiếu hụt các nguồn đầu tư để phát triển thương hiệu, hạ tầng du lịch và các cơ sở vật chất khác. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu trong hoạt động dịch vụ.
VQG Bidoup – Núi Bà ký thỏa thuận khung hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước |
Chính vì vậy, VQG Bidoup – Núi Bà xác định hợp tác công – tư là một giải pháp quan trọng để thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển VQG trong giai đoạn mới. Đây là chìa khóa để giải quyết những khó khăn về nhân lực, vật lực hiện nay của VQG.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức Hội nghị công chức, viên chức, người lao động năm 2024
- Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Thành quả đáng ghi nhận trong công tác phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai