Nhắc đến các loài dơi muỗi, chúng ta thường hình dung ra những sinh vật bé nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay, hình dạng na ná con chuột với đôi cánh màng mỏng dính hay bay lượn lùng bắt các loài côn trùng vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu như bạn đã từng thấy loài dơi Nếp mũi quạ, bạn sẽ biết dơi muỗi không bé nhỏ tý nào.
Loài Dơi nếp mũi quạ có tên khoa học là Hipposideros armiger (Hodgson, 1835). Về mặt phân loại học, loài dơi muỗi to lớn này thuộc giống Hipposideros, họ Dơi nếp mũi Hipposideridae, bộ Dơi Chiroptera. Khác với đại đa số các loài trong họ Hipposideridae nói riêng và nhóm dơi muỗi nói chung, Dơi nếp mũi quạ có kích thước cơ thể khá lớn với chiều dài cẳng tay khoảng 86- 92mm, chiều dài sải cánh khoảng 0,45m, trọng lượng từ 37g đến 51g. Đây là loài có vùng phân bố rộng, trải dài từ Nepal đến Đài Loan. Ở Việt Nam các nhà khoa học đã ghi nhận loài này ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai…
Tương tự như những người anh em bé nhỏ của mình, Dơi nếp mũi quạ có khả năng bay lượn và định vị bằng sóng siêu âm rất tốt nhờ cấu trúc lá mũi rất phát triển. Cấu trúc lá mũi ở loài này khá phức tạp với các cấu trúc trung gian và bốn nếp mũi phụ hai bên mõm. Các thùy lá mũi theo thứ tự từ trán ra gồm có: gờ trước trán (có hình móng ngựa), lá sau, lá giữa, lá trước, đệm trung gian, lá mũi phụ. Tần số sóng siêu âm mà loài này sử dụng để định vị giao động quanh 78kHz.
Tuy kích thước to lớn hơn đại đa số các loài dơi muỗi khác, nhưng thức ăn chính của Dơi nếp mũi quạ vẫn là các loài côn trùng nhỏ như mối, bướm đêm và một số loại bọ cánh cứng… Ban ngày chúng trú ngụ trong các hang đá thành từng nhóm nhỏ khoảng vài chục cá thể. Đôi khi có thể bắt gặp dơi nếp mũi chia sẻ ngôi nhà mình với một vài loài dơi khác. Khi mặt trời vừa lặn, Dơi nếp mũi quạ bay ra khỏi chỗ trú, nhưng chúng không đi kiếm ăn ngay mà đi tìm các vũng nước để “giải khát”. Sau khi đã thấm miệng, chúng bắt đầu lao vào màn đêm, săn tìm những những loài côn trùng ưa thích. Mùa sinh sản của loài này kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Sau khi giao phối, những bà mẹ dơi thường tách bầy và bay tới một hang khác, tránh xa đám dơi đực đầy bọ chét để “lâm bồn”. Thông thường, mỗi dơi mẹ chỉ sinh một dơi con. Sau khi sinh, dơi mẹ thường chăm sóc dơi con liên tục trong khoảng 3 đến 4 ngày. Sau khi dơi con có thể tự bám vào trần hang, dơi mẹ mới bay ra ngoài kiếm ăn, nhưng cũng chỉ quanh quẩn quanh cái hang chúng để dơi con lại. Sau khoảng 5 tháng, dơi con có thể tự kiếm mồi.
Dơi nếp mũi quạ là loài rất có ích. Chúng là thiên địch của nhiều loài côn trùng có hại cho nông nghiệp. Theo tính toán của các nhà khoa học, một con Dơi nếp mũi quạ mỗi đêm sẽ tiêu thụ một lượng côn trùng bằng 3/4 trọng lượng cơ thể của mình. Một bầy dơi khoảng 50 cá thể mỗi năm có thể tiêu diệt gần 700kg côn trùng. Ngoài ra, phân của loài dơi này chứa rất nhiều khoáng vi lượng, rất tốt để bón cho cây cảnh.
|
|
|
Dơi nếp mũi quạ Hipposideros armiger một gã khổng lồ – Ảnh Vũ Long
|
|
|
|
Gương mặt khá “kỳ dị” của loài dơi nếp mũi quạ, với các cấu trúc lá mũi và nếp mũi – Ảnh Vũ Long |
|
|
|
Sau khi sinh, dơi con thường bám vào người dơi mẹ để bú sữa – Ảnh Vũ Long
|
||
|
|
|
Khi đã có tương đối cứng cáp, dơi mẹ sẽ cho dơi con tự bám vào trần hang, còn mình thì bay đi kiếm mồi – Ảnh Vũ Long
|
Vũ Long – Viện sinh học nhiệt đới phía Nam.
Theo: Sinh vật rừng Việt Nam