NĂM THÂN, TÌM HIỂU CÁC LOÀI LINH TRƯỞNG Ở VIỆT NAM !

Phùng Mỹ Trung – WEB ADMIN

Trong 12 con giáp, loài Khỉ đứng thứ 9 trong số các loài vật tâm linh của người châu Á. Theo quan niệm của người Á đông,  số 9 là một con số của thứ hạng đẹp và nhiều may mắn, hạnh phúc. Năm 2016 (Bính Thân – năm của loài Khỉ) chắc chắn sẽ là một năm may mắn với nhiều người vì năm của loài vật thông minh, lanh lợi.

Các loài Linh trưởng ở Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hệ sinh thái. Chúng không chỉ tạo nên một bức tranh sắc màu cho thiên nhiên hoang dã Việt Nam, mà còn giúp cho qua trình phát tán hệ thực vật trong các khu rừng nơi chúng sống và tồn tại. Linh trưởng Primates là các loài động vật tiến hoá cao nhất trong các loài thú. Sinh vật này đã sinh tồn và tiến hóa bằng sự khéo léo của hệ chi và sự tài tình của bộ não. Trải qua tất cả những trạng thái môi trường sống khắc nghiệt nhất, nên não bộ của chúng chỉ đứng sau con người. Với số lượng cá thể loài trong thiên nhiên của chúng ta khá đa dạng (khoảng 23 loài). Do địa hình đất nước ta trải dài qua nhiều miền khí hậu và các kiểu rừng khác nhau. Nên các loài Linh trưởng có vùng phân bố, môi trường sống rất rộng, từ độ cao từ 100m đến 3.000m so với mực nước biển. Chúng thường sống ở trên cây, núi đá vôi, hầu hết là những quán quân leo trèo, nhảy xa. Một số loài ăn tạp trong khi một số loài suốt đời chỉ ăn lá cây. Tuy nhiên chúng chỉ tồn tại ở các khu rừng còn được bảo vệ tốt nơi các loài động thực vật còn đa dạng loài. Đây là nhóm động vậy có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, do vậy chúng rất cần được mọi người quan tâm và bảo vệ trong môi trường tự nhiên.

Các nhà nghiên cứu đã chia bộ linh trưởng ra làm 3 họ gồm: Họ Khỉ Cercopithecidae có 15 loài. Họ Cu li Loricidae có 2 loài. Họ Vượn có 6 loài. Nhân dịp năm mới 2016 (Bính Thân) Website Sinh vật rừng Việt Nam giới thiệu với độc giả về các loài linh trưởng quí hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

1. Chà vá chân nâu – Pygathrix nemaeus

Nữ hoàng sắc đẹp của họ nhà Khỉ Cercopithecidae, với thân hình thon nhỏ, bộ lông nhiều màu. Đỉnh đầu, trán màu đen. Lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực màu hung đỏ từ rực rỡ đến nhạt. Lưng màu xám nhạt hoặc lốm đốm trắng, lông ở vai màu xám đen. Chân, tay dài. Cánh tay từ khủy đến mu bàn tay trắng xám. Đùi màu đen, ống chân hung đỏ đến nâu đỏ thẫm. Mu bàn chân và ngón màu đen. Đuôi rất dài. Nữ hoàng sắc đẹp hiện đang được bảo vệ trong sách đỏ Việt Nam bậc EN (nguy cấp – Endangered) và Phụ lục 1 trong CITES và Sách đỏ Thế giới (IUCN) (2000)
Loài này phân bố ở Vườn quốc gia Bạch Mã – Huế, Bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. Để giữ được than hình và sac đẹp trời phú, nữ hoàng họ nhà khỉ suốt đời ăn chay trường. Thức ăn của chúng là một số lá cây phân bố trong khu vực sinh sống.

Chà vá chân nâu – Pygathrix nemaeus – Ảnh: Hoàng Minh Đức

2. Chà vá chân xám – Pygathrix cinerea

Không thua kém sắc đẹp với nữ hoàng bởi khuôn mặt rất ấn tượng với nhiều màu lông khác nhau. Đỉnh đầu, trán màu đen. Lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực màu xám nhạt, các sợi lông ở đỉnh màu trắng. Lưng màu xám nhạt hoặc lốm đốm trắng, lông ở vai màu xám đen. Chân, tay dài. Cánh tay từ khủy đến mu bàn tay trắng xám. Đùi màu xám đen, ống chân màu xám trắng. Mu bàn chân và ngón màu đen. Đuôi và cánh tay rất dài, chúng thực sự là những vận động viên thể dục dụng cụ siêu hạng của rừng xanh. Chà vá chân xám sống ở độ cao trên 1000m thuộc các cánh rừng tây nguyên đại ngàn. Do bị con người phá hủy môi trường sống và bị săn bắt nên loài này đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam ở tình trạng CR(rất nguy cấp – Critically Endangered

Chà vá chân xám – Pygathrix cinerea – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

3. Chà vá chân đen – Pygathrix nigripes

Loài lớn nhất trong giống Chà vá ở Việt Nam. Một vài cá thể đực được ghi nhận đến 30kg, nhưng với một đời sống ở trên cây nên thân hình chúng cũng thon nhỏ, săn chắc và chân, tay, đuôi rất dài. Bộ lông dày, nhiều màu và mềm. Lưng màu xám – đen. Đầu trắng xám. Hai bên thái dương có viền lông nâu đỏ. Mặt nhiều lông dài màu trắng xám đến xám, dầy tạo thành đĩa mặt. Da quanh mắt màu vàng cam. Trán và quanh miệng màu xanh lam nhạt. Cặp mặt nâu đầy quyến rũ. Vai màu xám đen, cẳng tay xám trắng, cẳng chân xanh đen đến đen, không có khúc trắng trên cẳng tay. Từ móng đến mu bàn chân đen, vùng bẹn và đuôi trắng đục. Đuôi nhỏ thon, dài hơn thân, màu trắng đục. Gã khổng lồ trong giống Chà vá Pygathrix  sp. Sống ở hầu khắp các cánh rừng còn tốt miền Đông nam bộ như Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) … và là loài đặc hữu của Việt Nam, nên chúng đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN) với mức độ EN (nguy cấp – Endangered), phụ lục 1 trong CITES.

Chà vá chân đen – Pygathrix nigripes – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

4. Vọoc cát bà – Trachypithecus poliocephalus

Gia đình “robinson” Voọc đầu trắng chỉ sống ở đảo Cát Bà đảo thuộc Vườn quốc gia Cát Bà – Hải Phòng là nguồn gen đặc hữu quý hiếm chỉ có ở Việt Nam. Năm 2000 tổ chức IUCN xếp loài này vào nhóm CR (rất nguy cấp – Critically Endangered), phụ lục II CITES. Chúng chỉ còn vài chục cá thể tồn tại trên hòn đảo này. Đây là loài phân bố rất hẹp nên nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Với bộ lông dày, sợi lông hơi thô cứng. Con trưởng thành có đầu, vai màu trắng vàng. Vùng mông màu xám nhạt. Đầu có mào lông với gốc lông màu vàng nhạt, mút lông phớt xám. Đuôi dài, thon, dày lông và màu đen. Con non mới sinh có lông màu vàng nhạt. Voọc đầu trắng là những nhà leo núi cừ khôi nhất trong họ hàng nhà khỉ. Nơi sống của chúng là những vách đá cheo leo dựng đứng, khiến cho những nhà leo núi cư khôi nhất cũng khó vượt qua.

Vọoc cát bà – Trachypithecus poliocephalus – Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp

5. Vọoc mũi hếch – Rhinopithecus avunculus

Chiếc mũi hếch và đôi môi dày mềm mại, sắc màu không thể lẫn vào với các loài khác trong họ hàng nhà khỉ ở Việt Nam. Tạo hóa đã ưu ái cho loài này trở thành một kỳ quan của thiên nhiên. Bộ lông màu nâu đen, lông trên đầu và quanh mặt màu trắng nhạt, không có mào lông trên đỉnh đầu. Vùng bụng, mắt, chi trước và chi sau có màu trắng nhờ, mảng lông trắng này kéo chùm ra phía bên ngoài khuỷu tay. Đuôi dài hơn thân, lông xù. Con non mới đẻ lông màu vàng nhạt. Khi lớn chuyển màu như voọc trưởng thành. Loài đặc hữu chỉ có ở Việt nam nên có giá trị khoa học cao, là đối tượng nghiên cứu khoa học. Hiện nay Vọoc mũi hếch đã được dưa vào sách đỏ Việt Nam ở tình trạng  CR (rất nguy cấp Critically Endangered) đang đứng trước một nguy cơ  bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên cực kỳ lớn trong một tương lai trước mắt. Chúng phân bố ở Tuyên Quang (Chiêm Hoá, Na Hang), Bắc Cạn (Ba Bể), Yên Bái (Chấn Yên), Thái Nguyên.

Vọoc mũi hếch – Rhinopithecus avunculus – Ảnh: Nguyễn Dũng

6. Vọoc mông trắng – Trachypithecus delacouri

Voọc mông trắng là nguồn gen đặc hữu, qúy hiếm sách đỏ Việt Nam và IUCN xếp loài này vào nhóm CR (rất nguy cấp – Critically Endangered), phụ lục II CITES. Các nàng voọc cái được trang điểm bằng các mảng lông vùng mông và đùi trắng như một chiếc quần đùi xinh xắn. Vào mùa giao phối và nuôi con nhỏ, lông từ hông đến đùi có sự thay đổi màu, bình thường màu trắng và chuyển sang màu nâu nhạt rồi nâu thẫm. Lông toàn than dày rậm, thô và màu đen. Đầu có mào lông hình chóp đen. Đám lông trắng trên má rộng, vượt lên trên vành tai. Chiếc đuôi dài, lông dày, bông, sợi lông mọc vuông góc với đuôi và màu đen rất hữu ích cho việc treo mình trên cây trong lúc kiếm ăn. Mặt trụi lông, mắt nâu đen. Voọc non mới sinh có bộ lông màu vàng tơ và bắt đầu chuyển dần sang màu đen sau 4 tháng tuổi. Sau 10 tháng tuổi, toàn bộ cơ thể chuyển sang màu đen rõ, phần hông, đùi màu trắng, chỏm lông đỉnh đầu màu vàng nhạt. Sau 3 năm tuổi màu lông giống con trưởng thành. 
Voọc mông trắng sống chủ yếu ở rừng cây gỗ trên núi đá vôi ở Vườn quốc gia Cúc Phương và vùng hoạt động kiếm ăn của Voọc mông trắng tương đối rộng, cả trên núi đất lẫn núi đá nhưng chúng ngủ trên núi đá. Mùa nóng, Voọc mông trắng ngủ trên vách đá, mùa lạnh ngủ hang.

Vọoc mông trắng – Trachypithecus delacouri – Ảnh: Nguyễn Xuân Nghĩa

7. Vọoc bạc – Trachypithecus villosus

Mặc dù không có sắc màu ấn tượng với thân hình thon nhỏ, lông trên đỉnh đầu có màu tối xám, chót long màu trắng bạc. Thân màu xám tới màu đen với những chóp lông màu xám hay vàng nhẹ, tạo nên như ánh bạc. Mặt trắng nhạt, phía bụng màu xám nhạt. Chân tay dài, đuôi dài, phần dưới đuôi có màu hơi vành nhạt. Nhưng những cá thể con mới sinh của loài vọoc bạc đầy sắc màu da cam nổi bật trong tán rừng già xanh lá.  Sau 3 – 4 tháng con non chuyển thành màu xám. Sinh cảnh sống chính là rừng thường xanh, rừng nguyên sinh, thứ sinh, rừng ngập mặn ven biển, bìa rừng dọc các con sông. Chúng thích sống ở các vùng núi thấp dưới 500m nhưng cũng đã phát hiện thấy chúng ở độ cao gần1.000m ở vùng núi đá vôi Kiên Lương, Kiên Giang. Tuy số lượng còn nhiều nhưng sách đỏ Việt Nam vẫn xếp chúng vào tình trạng VU (sẽ nguy cấp Vulnerable).

Vọoc bạc – Trachypithecus villosus – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

8. Vọoc xám – Trachypithecus barbei

Khuôn mặt cực kỳ ấn tượng bằng những nét trang điểm vội vàng của tạo hóa, khiến cho loài vọoc này trở nên xấu xí hơn các loài khác trong họ nhà khỉ. Bộ lông màu xám tro tới màu nâu đen, trên đầu có mào lông, da bao quanh mắt có màu xanh và trắng. Lông ở vùng lưng thẫm hơn ở vùng bụng. Bên hông có các lông dài, đầu lông có ánh bạc. Đuôi dài hơn thân, lông đuôi rất dài. Chân, tay có màu đen, phần trên cánh tay, chân và đuôi có màu xám bạc. Voọc xám thường sinh sống ở những vùng rừng cây cao trên núi đá vôi, nên khá năng leo núi và trèo cây của chúng cũng rất cừ khôi. Loài này không sống trên rừng hỗn giao tre nứa. Hoạt động vào ban ngày. Có thể gặp chúng kiếm ăn ở vùng đồi cây bụi gần rừng. Thường ngủ trên các vánh núi đá vôi dựng đứng hoặc trên các gốc cây mọc ở vách núi treo leo. Mùa đông ngủ trong hang hoặc trên các tán cây rậm kín gió và sống thành từng nhóm từ 3 – 30 cá thể. Sách đỏ Việt Nam vẫn xếp chúng vào tình trạng VU (sẽ nguy cấp Vulnerable)

Vọoc xám – Trachypithecus barbei – Ảnh: WWF

9. Vọoc hà tĩnh – Trachypithecus hatinhensis

Vùng núi đá vôi thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là ngôi nhà sinh sống của một quần thể lớn nhất còn lại của loài linh trưởng đặc hữu được mang tên loài thuần Việt này. Con trưởng thành có bộ lông dày, sợi lông dài mềm và màu đen. Bụng đen xám, vùng háng và bẹn xám trắng bẩn, đỉnh đầu có mào lông đen. Hai vạch trắng nhỏ đi từ góc mép qua má chạy phía trên vành tai ra hai gáy. Đuôi dài hơn thân, thon đều, rậm lông và màu đen. Con non mới đẻ có bộ lông màu vàng tơ, sau 4 tháng tuổi bắt đầu chuyển dần sang màu đen. Sau 1 năm tuổi, bộ lông có màu giống con trưởng thành.
Sống ở rừng còn tốt, nhiều cây gỗ lớn mọc trên núi đá. Không sống trong các rừng núi đất, ngay cả những vùng rất gần núi đá. Hiện nay chúng đang là loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao vì săn bắn và mất sinh cảnh sống tự nhiên do phá rừng và đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam và IUCN xếp loài này vào nhóm CR (rất nguy cấp – Critically Endangered), phụ lục II CITES để quản lý bảo vệ.

Vọoc hà tĩnh – Trachypithecus hatinhensis – Ảnh: WWF

10. Vượn đen má trắng – Nomascus leucogenys

Năm trong nhóm các loài chì sống trên cây và là những kẻ quán quân về chuyền cành, nhảy xa từ cây này sang cây khác. Loài vượn đen má hung có hân hình thon nhẹ, chân, tay rất dài. Con đực có màu đen toàn thân, hai má lông màu trắng nối nhau bằng vệt trắng dưới cằm. Con cái lông màu vàng xẫm, lồng quanh mặt tủa ngang, đỉnh đầu màu xám hoặc tua đen. Vượn con cả đực và cái đều có lông màu vàng nhạt.
Kiếm ăn trên cây cao, trong các khu rừng thương xanh còn tốt. Thức ăn là quả, hạt, lá, chồi cây .. Đôi khi chúng cũng chẳng ngại tăng cường protein bằng các loài côn trùng, trứng chim, chim non trông tổ, khi đã chán ngấy món chay trường hằng ngay phải chén. Sinh sản của loài này sản vào năm thứ 7 – 8. thời gian có chửa 7 – 8 tháng. Hai năm đẻ một lần, mỗi lần đẻ một con. Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN) đã đánh giá chúng ở mức độ EN(nguy cấp – Endangered)

Vượn đen má trắng – Nomascus leucogenys – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

11. Vượn đen má vàng – Nomascus gabriellae

Vào những buổi sáng sớm đầy sương cuối mùa mưa ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Bù Gia Mập… Bất chợt ta được thưởng thức những âm thanh vang dội, những tiếng hú kéo dài không dứt. Đó chính là tiếng gọi bầy, gọi tình yêu trong mùa sinh sản của loài Vượn đen má vàng. Với  bộ lông dày và mềm. Con đực có màu đen, trên hai má có hai đám lông màu vàng nhạt, thẳng ra phía ngoài. Trên đỉnh đầu có đám lông dựng đứng thành chiếc mào xinh  xắn, chân, tay dài và không có đuôi. Con cái có màu lông màu vàng nhạt, lông quanh mặt thường màu vàng. 
Kiếm ăn trên cây, thức ăn là các loài lá cây. Nhưng chúng cũng không ăn chay vào mùa sinh sản khi lượng protein rất cần cho cơ thể, đặc biệt là con cái. Thời gian sinh sản vào năm thứ 7 – 8,  có bầu 7 – 8 tháng. Hai năm đẻ một lần, mỗi lần đẻ một con. Vượn đen thường sống trong sinh cảnh rừng già trên đỉnh núi cao. Thường sống trong các khu rừng già, rậm. Mặc dù số lượng cá thể còn nhiều và được bảo vệ chặt chẽ ở các Vườn quốc gia. Nhưng chúng vẫn được sách đỏ Việt Nam xếp vào những loài có mức độ EN (nguy cấp – Endangered)

Vượn đen má vàng – Nomascus gabriellae – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

12. Vượn đen tuyền – Nomascus concolor

Không thể đen hơn được vì những con đực thân hình có màu lông quá đen. Đó là nhận xét hài hước của các nhà nghiên cứu Linh trưởng về loài Vượn có thân hình thon mảnh, chân tay dài, không đuôi này. Con đực trưởng thành màu đen tuyền. Một số lông trắng đơn lẻ có thể xuất hiện ở góc miệng. Con cái trưởng thành màu vàng nhạt, vàng, cam, nâu be hoặc trắng đục và có đốm đen ở đỉnh đầu và ở dưới ngực. Vượn đen non có màu vàng nhạt.
Kiếm ăn trên cây cao, thức ăn là lá cây, chồi non, quả cây và côn trùng, trứng chim, chim non. Bắt đầu sinh sản vào năm thứ 7 – 8. thời gian có chửa 7 – 8 tháng. Hai năm đẻ một lần, mỗi lần đẻ một con. Vượn đen thường sống trong sinh cảnh rừng già trên đỉnh núi cao,  nguyên sinh nhất. Không sống trong rừng thưa, rừng tre lứa. Vượn sống thành từng nhóm nhỏ như một gia đình. Đây cũng là loài được sách đỏ Việt Nam xếp vào những loài có mức độ EN(nguy cấp – Endangered)

Vượn đen tuyền – Nomascus concolor – Ảnh: WWF

13. Khỉ mặt đỏ – Macaca arctoides

Khuôn mặt có màu da đỏ rực như được tạo hóa vẽ lên một lớp son rực rỡ. Nhưng màu long trên cơ thể thường là màu nâu sẫm, cũng có biến đổi từ đen sang đỏ. Phần dưới của bụng bao giờ cũng nhạt hơn phía trên. Lưng màu nâu đỏ tới nâu sẫm. Mặt phần lớn có màu đỏ. Lông trên đỉnh đầu thường toả ra các phía xung quanh. Lông ở hai bên má toả ra phía sau. Khỉ mặt đỏ có đuôi to, ngắn, không quá 1/3 dài bàn chân sau. Điểm nổi bật nhất là chiếc mông to quá khổ và chai mông rất dày, không lông do chúng thường ngồi hang giờ trên cây, vách đá ngay cả khi yên giấc.
Thường hoạt động kiếm ăn vào ban ngày. Không chỉ biết leo trèo kiếm ăn trên cây mà chúng còn hay đi trên mặt đất trong rừng và dọc theo các bờ sông và suối. Chúng là những kẻ ồn ào, náo nhiệt nhất trong các khu rừng thường xanh. Tuy nhiên được tổ chức rất chặt chẽ và quân phiệt bởi con đực đầu đàn. Nếu một kẻ nào không tuân lệnh con đầu đàn, chắc chắn sẽ bị một cú cắn đau nhớ đời để biết mình phải sống trong khuôn khổ. Loài này cũng được sách đỏ Việt Nam xếp vào những loài có mức độ VU (sẽ nguy cấp – Vulnerable)

Khỉ mặt đỏ – Macaca arctoides – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

14. Khỉ đuôi lợn – Macaca leonina

Đây là loài lớn nhất trong họ nhà Khỉ Cercopithecidae và cũng là loài Linh trưởng hung dữ của rừng mưa nhiệt đới. Những chiếc lông dài, rậm, màu hung sáng phủ gần kín tai, hai bên má tạo thành đĩa mặt. Ở đỉnh đầu lông màu hung xẫm hoặc xám đen tạo thành “xoáy” toả ra xung quanh gần giống cái mũ. Sau trán có một mảng lông hình tam giác màu nâu đậm. Thân phủ lông dài màu xám. Lông đuôi rất ngắn giống đuôi lợn. Má có túi đựng thức ăn để dành, chai mông lớn. Hoạt động kiếm ăn ban ngày ở thung lũng rừng thưa trên núi đất gần núi đá trên cây cũng như dưới mặt đất. Mùa đông trú ẩn trong các hang đá, mùa hè trú ẩn trong các hốc đá hay cành cây. Cấu trúc đàn gồm nhiều đực và nhiều cái. Sống thành đàn từ 10 – 12 con. Sách đỏ Việt Nam xếp vào những loài có mức độ VU (sẽ nguy cấp – Vulnerable)

Khỉ đuôi lợn – Macaca leonina – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

15. Khỉ vàng – Macaca mulatta

Mặc dù chỉ được đánh giá là loài LR (ít nguy cấp – Lower risk) trong sách đỏ Việt Nam vì số lượng còn nhiều trong tự nhiên. Nhưng khỉ vàng đóng một vai trò hết sức to lớn trong các nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống con người. Loài khỉ có thân màu nâu vàng, con trưởng thành mặt có màu đỏ. Lông trên đỉnh đầu rất ngắn, phía sau thân màu nâu nhạt hơn phía trước được sử dụng trong sản xuất vaccine chống bệnh bại liệt trẻ em và những loại vaccine khác cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Là loài linh trưởng được các nhà nghiên cứu khoa học rất quan tâm vì chúng có bộ gen rất giống với con người. 
Khỉ vàng sống trong điều kiện dao động rất lớn của nhiệt độ môi trường, lượng mưa cũng như độ cao. Từ vùng rất lạnh tới vùng nóng gần 500 C, từ nơi rất khô gần sa mạc tới nơi có lượng mưa hàng năm 10.000mm và từ độ cao từ ngay mặt nước biển tới 3.050m.

Khỉ vàng – Macaca mulatta – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

16. Khỉ đuôi dài – Macaca fascicularis

Quán quân về bơi lặn của rừng ngập mặn hay các bãi bồi của các khu rừng nước lợ. Để tìm kiếm thức ăn (là các loài cua ốc, nghêu sò) ở dưới mực nước sâu. Những con khỉ đuôi dài đầu đàn có thể lặn sâu vài mét nước và ngưng thở trong vòng từ 3 – 5 phút. Với bộ lông có màu từ xám đến nâu đỏ, ít thấm nước, phía sau cơ thể nhạt hơn, lông trên đầu mọc hướng về sau. Khôn mặt có màu hồng, có mào. Con đực lớn thường có hai chỏm lông trắng trên miệng ở hai bên như bộ ria. Con cái có lông quanh miệng thưa hơn. Con non sinh ra có màu đen. Đuôi rất dài và được phủ nhiều lông, chiều dài đuôi thường đạt 3/4 hoặc hơn so với chiều dài cơ thể.
Nhưng khỉ đuôi dài cũng đóng một vai trò hết sức to lớn trong các nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống con người. Chúng được sử dụng trong sản xuất vaccine chống bệnh cho con người vì là loài có bộ gen rất giống với con người. Do số lượng còn nhiều nên chúng được đánh giá ở mức LR (ít nguy cấp – Lower risk) trong sách đỏ Việt Nam.

Khỉ đuôi dài – Macaca fascicularis – Ảnh: Phùng Mỹ Trung

17. Khỉ mốc – Macaca assamensis

Kích thước cơ thể lớn hơn, lông dày và dài hơn. Đuôi dài hơn đuôi khỉ vàng. Bờ sau đít có lông (trụi ở khỉ vàng). Màu lông có thể thay đổi từ màu nâu sẫm tới màu nâu vàng nhạt, nhưng ở vai, gáy, đỉnh đầu và tai thường sáng hơn và vàng hơn phía sau chân và đuôi. Lông xung quanh mặt màu đen, hai má có lông màu xám, phía trong và phía dưới của đùi màu trắng xám. Lông đuôi dài phần dưới đuôi có mầu nhạt hơn phần trên. Hướng của lông ở trên đỉnh đầu rất đặc trưng, mọc rẽ sang phải và sang trái, xoắn ở trên gốc tai. Mào hướng ra phía sau. Có túi má, chai mông lớn, xung quanh có lông. Đuôi thường mập phần gốc, ngắn kém nửa chiều dài thân nhưng dài hơn 10% chiều dài thân và dài hơn bàn chân sau, đuôi không thon, thường thẳng.

Đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ vì loài này khá hiếm và đang có nguy cơ đe dọa cao do môi trường sống và sinh cảnh sống, nơi cư trú của chúng đang bị tàn phá nặng nề. Được đánh giá ở mức VU (sẽ nguy cấp – Vulnerable).

Khỉ mốc – Macaca assamensis – Ảnh: WWF

Nguồn: Sinh vật rừng Việt Nam