Với chủ đề này, năm nay các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5/2016) càng cho thấy tính cấp thiết của đa dạng sinh học (ĐDSH). ĐDSH là nền tảng cho cuộc sống và cho các dịch vụ thiết yếu được cung cấp bởi các hệ sinh thái (HST).
Việt Nam có tính ĐDSH cao trên thế giới
Việt Nam là một trong các quốc gia được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả HST, loài và nguồn gen. Ngày 18/5/2016, tại Hội thảo khoa học giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và tổ chức Hội Động vật học Frankfurt, CHLB Đức tại Việt Nam (FZS), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công cho biết, Việt Nam đã quy hoạch 2,4 triệu ha rừng đặc dụng, trong đó có 176 khu bảo tồn và vườn quốc gia nhằm bảo tồn ĐDSH. Còn theo TS Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn & ĐDSH, tính ĐDSH cao ở Việt Nam bởi nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô… tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm ĐDSH phong phú nhất thế giới…
Gần 9,6 tỷ đồng trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2016
Đó là tổng kinh phí trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2016 của các địa phương, đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1027/QĐ-UBND ngày 19/5/2016, bao gồm: Ngân sách tỉnh (2.835 triệu đồng) và kinh phí từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng (6.746,80 triệu đồng). Theo đó, trong 12 huyện và thành phố, thành phố Đà Lạt có tổng kinh phí cao nhất với 1.288,90 triệu đồng, kế đến là huyện Đức Trọng với 972 triệu đồng.
M.ĐẠO
|
Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn ĐDSH bằng việc xây dựng và ban hành các Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó có Luật ĐDSH (2008); các văn bản hướng dẫn Luật và định hướng công tác bảo tồn ĐDSH như: Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, các HST rừng và sự ĐDSH của nước ta đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân như khai thác không bền vững, nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật… Do đó, nếu không có những hành động kịp thời thì các HST rừng và các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam sẽ có nguy cơ đe dọa suy giảm và dẫn tới tuyệt chủng trong tương lai không xa. Diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng; rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn suy giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại… Những nguyên nhân này đã gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên ĐDSH, tác động tiêu cực đến ổn định sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào thiên nhiên.
Bảo tồn ĐDSH ở Lâm Đồng
Ngày 28/8/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ký Quyết định số 1870/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, dự toán quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư. Mục tiêu là: Nghiên cứu, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp và các cơ chế chính sách nhằm đảm bảo các HST tự nhiên, quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ HST thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy phát triển địa phương một cách bền vững. Theo đó, Dự án nhằm đánh giá hiện trạng bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng; Xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự án nguồn vốn dự toán hơn 913 triệu đồng và đến hết tháng 6/2016 sẽ hoàn thành và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ngày 21/5, Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết: Sự đa dạng về các loài thực vật, động vật hoang dã ở tỉnh Lâm Đồng rất cao, đóng góp tỷ lệ lớn trong danh lục của cả nước. Đó là đa dạng HST (gồm HST trên cạn, HST đất ngập nước). Các HST trên cạn đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm, trong đó có 131 loài được nêu trong Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN) 2007; 45 loài được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN 2012 và 43 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Ở Lâm Đồng cũng đã ghi nhận hiện diện 85 loài thú; 686 loài côn trùng; 301 loài chim; 102 loài bò sát – lưỡng cư; trong đó, rất nhiều loài nêu trong Danh lục đỏ IUCN 2012, SĐVN 2007 và Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Đối với các HST đất ngập nước đã xác định được 111 loài cá thuộc 20 họ trong 8 bộ; trong đó có 5 loài bị đe dọa cấp quốc gia nêu trong SĐVN. Đã thống kê được 257 loài thực vật phiêu sinh; 125 loài động vật phiêu sinh và 63 loài động vật đáy. Lâm Đồng cũng là tỉnh được đánh giá có tính ĐDSH rất cao về mặt phong phú nguồn gen.
Những nguyên nhân làm suy giảm ĐDSH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ thiếu hợp lý; Săn bắt động vật hoang dã và khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản; Phá rừng lấy đất sản xuất; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; Cháy rừng; Khai thác khoáng sản; Ô nhiễm môi trường; Biến đổi khí hậu; Xâm nhập của động thực vật ngoại lai gây hại; Phát triển du lịch thiếu kiểm soát; Gia tăng dân số.
Để bảo tồn ĐDSH ở Lâm Đồng, trước hết là xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH để quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên. Cùng đó, tích cực truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng; Khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, ĐDSH gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; Xây dựng mô hình, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý, phát triển tài nguyên sinh vật; Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các tỉnh; tích cực công tác bảo tồn và ứng dụng các giải pháp khoa học…
MINH ĐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt