Đa dạng sinh học (ĐDSH) là mối quan tâm ngày càng đặc biệt của thế giới. Với tính ĐDSH lớn nhất Đông Nam Á, sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức khoa học, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang (KDTSQ Lang Biang) đã và đang nỗ lực quản trị tài nguyên thiên nhiên bền vững nơi đây.
Đại biểu dự hội nghị về KDTSQ Lang Biang thưởng thức sản phẩm nấm do các hộ dân được Dự án hỗ trợ trồng |
Giám sát đa dạng sinh học
KDTSQ Lang Biang thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, được UNESCO công nhận ngày 9/6/2015. KDTSQ có diện tích 275.439 ha, là một trong 9 KDTSQ ở Việt Nam, là KDTSQ đầu tiên tại Tây Nguyên và là một trong 4 trung tâm ĐDSH quốc gia, nơi bảo tồn đa dạng nguồn gen, sinh cảnh và nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Thông tin từ ông Nomura Takuya – Điều phối viên Dự án Quản lý tài nguyên bền vững (SNRM) – Hợp phần 3, mật độ phủ xanh rừng của KDTSQ Lang Biang có xu hướng giảm ở vùng lõi và vùng đệm. Cụ thể, diện tích không có rừng 344 ha năm 1990 và 3.381 ha năm 2010; diện tích rừng thưa 1.497 ha năm 1990 và 16.634 ha năm 2010. Cùng đó, thảm thực vật ở vùng lõi, vùng đệm của KDTSQ cũng có xu hướng giảm từ 1990-2017; đặc biệt, đất canh tác tăng 3.635 ha trong giai đoạn 1990-2017 (53 ha vùng lõi, 3.582 ha vùng đệm).
Trước tình trạng này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp chặt chẽ với KDTSQ Lang Biang triển khai Dự án SNRM nói trên. Theo đó, tăng cường năng lực cho chủ rừng thông qua áp dụng công nghệ mới để xác định các điểm nóng nơi lấn chiếm có thể xảy ra và ưu tiên cho hoạt động bảo vệ rừng. Tổng cộng có 44,76 ha được xác định là khu vực điểm nóng ở 7 thôn. Trong gần 3 năm (2017-2019), giám sát ĐDSH để quản lý, các hoạt động được triển khai như giao khoán các nhóm hộ dân bảo vệ, xác định ranh giữa lấn chiếm và rừng… Điều tra cơ bản ĐDSH (ghi nhận đến 2017 có 1.966 loài thực vật, 98 loài thú, 386 loài chim, 111 loài bò sát, 83 loài lưỡng cư, 53 loài cá và 74 loài côn trùng). Cùng phát triển hệ thống giám sát ĐDSH, Dự án tổ chức các hoạt động liên quan giám sát như mở các khóa tập huấn kỹ thuật hiện trường trên tuyến, ô định vị; quản lý cơ sở dữ liệu; sử dụng máy bẫy ảnh; xây dựng sổ tay quản trị… Chỉ riêng giám sát định kỳ bằng máy bẫy ảnh, các chuyên gia và nhà quản lý đã thu thập được 40 loài được định danh qua 2 đợt. Dữ liệu ĐDSH của KDTSQ Lang Biang được chia sẻ vào hệ thống ĐDSH quốc gia. Những hoạt động này đều hướng đến mục tiêu giám sát sự khỏe mạnh của các hệ sinh thái rừng quan trọng, cung cấp dữ liệu với độ khoa học cao về thay đổi ĐDSH và thích ứng cho người quản lý nhằm hạn chế tác động tiêu cực. Ngoài Tổ chức JICA, các nhà khoa học khác đến từ Trường Đại học Đà Lạt, Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã và sở thú Leibniz (CHLB Đức), Cơ quan Hợp tác quốc tế GIZ của Đức, Tổ chức Phát triển bền vững Hà Lan (SNV), Viện Sinh thái học miền Nam,… cung cấp nhiều thông tin đã ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu về ĐDSH rất phong phú của KDTSQ Lang Biang.
Phát huy đa dạng sinh học
Song song hoạt động giám sát ĐDSH phải thực hiện liên tục và thường xuyên theo Luật Lâm nghiệp, cần có nhiều hoạt động đồng thời khác, đặc biệt là việc phát huy ĐDSH. Tổ chức JICA cho biết, hiện nguồn lực của đơn vị triển khai (Sở NN&PTNT, Sở TN&MT Lâm Đồng, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà) còn hạn chế. Hệ thống giám sát ĐDSH của SNRM phải được tích hợp với chương trình quản lý rừng bền vững của Vườn Bidoup – Núi Bà. Mặt khác, tăng cường tìm kiếm và hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế, doanh nghiệp, viện nghiên cứu…
Để thực hiện hiệu quả bảo tồn và phát triển, phát triển để bảo tồn, Phó Ban Quản lý (BQL) KDTSQ Lang Biang Lê Văn Hương rất mong được chia sẻ từ ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Phát triển du lịch sinh thái là hiện thực hóa giá trị bền vững của tài nguyên rừng. Đồng quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam cho rằng: Giá trị, sự nổi tiếng của KDTSQ đem lại nhiều ý nghĩa lớn, trong đó phát triển lĩnh vực du lịch và các sản phẩm gắn với sự nổi tiếng sẽ góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế của địa phương. Đánh giá về hoạt động nổi bật của KDTSQ Lang Biang, GS Trí nhận xét, đó là triển khai giáo khoán quản lý, bảo vệ rừng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng 166.995 ha tại 47 đơn vị chủ rừng nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng 3 huyện với 100 tỷ đồng. Hệ quả tích cực của hoạt động này là ngoài tăng thu nhập cho người dân, mỗi người dân đều có trách nhiệm bảo tồn, và không chỉ hôm nay mà trao truyền ý thức đối với các thế hệ mai sau.
Mặc dù KDTSQ Lang Biang có tính ĐDSH cao nhất khu vực Đông Nam Á nhưng ai cũng nhận thấy là KDTSQ luôn đối diện những khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn. Theo ông Hiro Miyazono – Cố vấn trưởng Dự án SNRM Việt Nam: Để mỗi KDTSQ quản lý tốt, quan trọng là sự hợp tác hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ông đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã tích cực phối hợp với JICA rất nhiệt tình và có hiệu quả, vì vậy mong muốn tiếp tục phát huy nhiều sự hợp tác này. Mặt khác, theo ông Hiro, để nâng tầm, không chỉ hợp tác giữa các KDTSQ ở Việt Nam mà cần mở rộng hợp tác các KDTSQ ở các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản. Dự án SNRM Việt Nam sắp hết pha 1, do đó, phía Việt Nam cần nghiên cứu có thể xây dựng pha 2 theo hướng chú trọng sự hợp tác mở rộng nói trên. Theo ông Vũ Xuân Thôn, Giám đốc BQL Dự án Lâm nghiệp Trung ương, thuộc Bộ NN&PTNT (cơ quan quản lý các dự án vốn ODA liên quan đến bảo tồn tài nguyên rừng), trong tháng 12 tới Bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét pha 2.
Ghi nhận những kết quả bảo tồn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng BQL KDTSQ Lang Biang, TS Phạm S thống nhất cao những ý kiến đề xuất từ các chuyên gia và nhà khoa học. Ông đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, KDTSQ Lang Biang và Sở NN&PTNT Lâm Đồng đưa đề án bảo tồn vào chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững của tỉnh và triển khai đầu năm 2020. Cùng đó, các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục xây dựng, tham mưu để tiến hành các hoạt động sắp tới như: hội thảo khoa học quy mô lớn về bảo tồn ĐDSH tại Lâm Đồng; tiến tới xây dựng thành phố Đà Lạt cảnh quan; lồng ghép các chương trình, dự án để tiếp tục pha 2, trong đó KDTSQ ở Lâm Đồng sẽ tiên phong kết nối với KDTSQ ở Nhật Bản…
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)
- Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt