Ðể tiến tới hội nghị khoa học quốc tế quan trọng với chủ đề Các doanh nghiệp tài trợ Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Lang Biang; Ban quản lý (BQL) Khu DTSQ cùng các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước đánh giá, nhìn nhận lại những kết quả đã làm được. Ðồng thời, đề ra những kế hoạch cùng những kiến giải thực hiện, tiếp tục sứ mệnh bảo tồn và phát triển Khu DTSQ.
Mô hình trồng nấm Hương bước đầu hiệu quả tốt, góp phần bảo tồn – phát triển Khu DTSQ Lang Biang. Ảnh: M.Đạo |
May mắn với tỉnh Lâm Đồng là sau khi được công nhận Khu DTSQ thế giới Lang Biang, tài nguyên thiên nhiên ở đây được sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ chức JICA (Nhật Bản) thông qua Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM) để bảo tồn, phát triển. Trong đó, hợp phần 3, giai đoạn 2 thực hiện từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2020. Trưởng Dự án, ông Oda Kensei cho biết về các đầu ra bao gồm: Khung thể chế cần thiết cho quản lý và vận hành được thiết lập; Thỏa thuận quản lý hợp tác (CMA) có các cơ chế chia sẻ lợi ích (BSM) được nâng cấp như là một công cụ bảo tồn các hệ sinh thái rừng tại vùng lõi và vùng đệm; Xúc tiến việc sử dụng các kết quả theo dõi diễn biến rừng và giám sát đa dạng sinh học cho việc quản lý vùng lõi và vùng đệm. Theo đó, những đầu ra mong đợi là giám sát, hội nghị chia sẻ thông tin, xây dựng bản đồ lộ trình, xây dựng CMA cấp xã và BSM mức độ thực địa, marketing sản phẩm nấm địa phương, thực hiện giám sát đa dạng sinh học…Vấn đề quan trọng là cần xem xét các hoạt động bền vững sau khi dự án kết thúc được các nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận sôi nổi.
Theo ông Lê Văn Hương, Phó Thường trực BQL Khu DTSQ Lang Biang, có 9 chương trình, 36 hoạt động trong 5 năm (2018-2022) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 27/4/2018. Năm 2018, tám chương trình hoạt động có tổng kinh phí hơn 255 tỷ đồng; trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là Chương trình bảo tồn tài nguyên thiên nhiên với tỷ lệ 60,93%; Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường 21,44% và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế thân thiện với môi trường 13,29%. Thấp nhất là Chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa với 0,16%… Năm 2019, có 7 chương trình được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 297 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế thân thiện với môi trường (54,27%) và Chương trình bảo tồn tài nguyên thiên nhiên 30,89%; thấp nhất là Chương trình truyền thông và giáo dục môi trường với 0,44% và Chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa (0,62%). Ông Hương cho rằng, các tiêu chí xác định những hoạt động đầu tư trong Khu DTSQ liên quan đến kế hoạch quản lý chưa thống nhất; các hoạt động đầu tư chủ yếu tập trung vào một số chương trình, trong khi những chương trình khác đã được thiết kế trong kế hoạch quản lý chưa được quan tâm. Về các hoạt động đầu tư toàn xã hội trong khu DTSQ rất khó đánh giá hết, trong đó mức độ dân đóng góp là rất lớn. Ngoài đề xuất với Dự án SNRM, ông Lê Văn Hương cũng đề xuất với UBND tỉnh Lâm Đồng một số nội dung như: Hàng năm có văn bản chỉ đạo cho các bên liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; chỉ đạo các sở: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, TN&MT… tham mưu cho UBND tỉnh đưa các hoạt động của Khu DTSQ vào tiêu chí ưu tiên bố trí nguồn lực cho các ngành và địa phương… Cùng đó, sự lồng ghép các hoạt động của kế hoạch quản lý Khu DTSQ vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của các sở, ban, ngành và địa phương là hết sức cần thiết.
Cụ thể hóa một số nội dung từ Diễn đàn Quản lý hợp tác, ông Lê Văn Sơn – Trưởng nhóm công tác đã nêu thực tiễn của vấn đề xây dựng mô hình chăn nuôi bò gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện ô nhiễm môi trường. Theo đó, nhấn mạnh vai trò cụ thể của người dân tham gia, của Sở TN&MT, các đơn vị chuyên môn thuộc UBND huyện Lạc Dương và các UBND xã… Nhóm công tác cho rằng để bảo tồn và quản lý bền vững Khu DTSQ, thời gian tới cần xác định các vấn đề chính và nhu cầu của địa phương; tạo sự đồng thuận của các bên liên quan (đôi bên cùng có lợi); lồng ghép các hoạt động và tối ưu hóa nguồn lực của các bên nhằm đạt được mục tiêu chung bảo tồn và phát triển. Cũng phân tích, đánh giá các hoạt động thử nghiệm quản lý hợp tác và định hướng phát triển, ông Takuya Nomura – Điều phối viên dự án nêu lên vấn đề cải thiện sinh kế và tăng cường quản lý rừng là chìa khóa giải quyết các nguyên nhân sâu xa. Theo đó, hướng tiếp cận gồm: Cải thiện sinh kế thông qua đa dạng hóa lựa chọn sinh kế, hỗ trợ canh tác cà phê có lợi nhuận; Cải thiện chức năng bảo vệ rừng của hợp đồng khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng thỏa thuận quản lý hợp tác ở cấp hiện trường, tăng cường giám sát rừng. Tác giả đã minh họa mô hình trồng nấm Hương (Shiitake) triển khai tại xã Đạ Nhim giữa 4 hộ dân hợp tác với Công ty Nguyên Long năm 2018 có hiệu quả và tăng lên 60 hộ vào năm 2019. Mô hình sẽ nhân rộng tại xã Đạ Chais và xã Đưng K’Nớ thời gian tới qua sự cam kết của UBND huyện Lạc Dương. Ông Takuya Nomura cho biết, tiến tới sẽ đa dạng hóa lựa chọn sinh kế bằng trồng nấm Mèo, cây thuốc, hồng quả,…
Với huyện Lạc Dương, Bí thư Huyện ủy Phạm Triều rất tâm đắc đến các mô hình nâng cao thu nhập cho người dân mà dự án đưa ra, bởi có hiệu quả, phù hợp năng lực và giảm thiểu phá rừng. Theo chúng tôi, dự án chỉ là hỗ trợ về kỹ thuật, không phải đầu tư, do đó xây dựng mô hình có ý nghĩa quan trọng là sẽ nhân rộng trong cộng đồng dân cư về kỹ năng phát triển kinh tế gắn với ý thức bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S với tư cách Trưởng BQL Khu DTSQ thế giới Lang Biang ghi nhận các ý kiến đóng góp xác đáng về mặt khoa học lẫn ý nghĩa thực tiễn. Ông đề nghị BQL tiếp thu và hoàn chỉnh báo cáo để trình UBND tỉnh; hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ về thương hiệu Lang Biang. Ông Phạm S cũng thẳng thắn đề nghị thành viên một số sở, ngành, địa phương liên quan cần có trách nhiệm hơn để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Khu DTSQ thế giới Lang Biang. Từ những giá trị tại Khu DTSQ đã và đang tiếp tục khẳng định, là cơ sở để xác định những nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, qua đó có tác động tương hỗ là phục vụ lại việc bảo tồn và phát triển Khu DTSQ…
MINH ÐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà