Bảo tồn và phát triển Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà bằng nội và ngoại lực

Với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao và quản lý gần 70.000 ha, trong đó rừng đặc dụng hơn 57.500 ha, rừng phòng hộ hơn 11.200 ha, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (VQG) luôn đối diện nhiều thách thức về quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR) nên cần phát huy tối đa về nội lực và ngoại lực mới hoàn thành trọng trách này. 
 
Các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ cùng VQG Bidoup-Núi Bà tổ chức Hội thảo khoa học tại Vườn tháng 1/2019. Ảnh: M.Đ
Các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ cùng VQG Bidoup-Núi Bà tổ chức Hội thảo khoa học tại Vườn tháng 1/2019. Ảnh: M.Đ
Tháng 11/2004, phê duyệt “Chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup-Núi Bà thành Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà”, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đối với VQG là bảo tồn và phát triển một cách bền vững. Để hoàn thành trọng trách này, tỉnh Lâm Đồng và tập thể VQG đồng thời triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đến nội lực là tăng cường công tác QLBVR thông qua đội ngũ kiểm lâm và lực lượng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, song song với ngoại lực bằng việc tích cực kết nối với nhiều tổ chức khoa học trong và ngoài nước để tìm những giải pháp hỗ trợ kỹ thuật. Diện tích lớn, địa hình hiểm trở, nằm trên cả 3 địa bàn (huyện Lạc Dương, Đam Rông và thành phố Đà Lạt), đồng thời giáp các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và Ninh Thuận không chỉ nỗ lực và còn cả lòng đam mê nhiệt tình của tập thể cán bộ, nhân viên đơn vị. 
 
Theo Phó Giám đốc VQG Nguyễn Lương Minh, năm 2018, đơn vị đã giao khoán gần 66.300 ha rừng cho 1.540 hộ dân và 7 tập thể QLBV theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; riêng hộ dân gần 50.161 ha và VQG tự quản gần 12.900 ha. Tổng kinh phí giao khoán 33,662 tỷ đồng. Vấn đề ưu tiên giao khoán đối với 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhưng đồng thời chặt chẽ nghiêm túc và hiệu quả. Vì vậy VQG đã kiên quyết thanh lý 7 hộ nhận khoán vì vi phạm hợp đồng đã ký kết. Thực hiện chế tài nghiêm ngặt thì mới bảo vệ được rừng, mặt khác lực lượng kiểm lâm của VQG phải thực sự nêu gương làm tốt, đơn vị tích cực đầu tư kỹ thuật. 
 
Vấn đề mang tính tiên quyết là con người thực thi, từ trau dồi, rèn luyện nghiệp vụ, ý thức làm việc đến tinh thần đoàn kết đồng lòng với nhiệm vụ chung. Mặt khác, tiếp tục tích cực hiện đại hóa phương tiện và kỹ thuật QLBVR bằng máy dataloger, máy định vị, phần mềm smart, flycam; xây dựng bộ công cụ GIS theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học…
 
Năm 2018, VQG đã triển khai tuần tra 53.159 ngày công; tháo gỡ 613 dây bẫy thú; tuyên truyền 53 đợt với 3.596 người tham dự; giải tỏa gần 77.000 m2 đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; lập biên bản vi phạm hành chính 27 vụ liên quan đến các quy định về bảo vệ tài nguyên rừng…
 
Nói đến ngoại lực, tôi nhớ trả lời phỏng vấn của GS.TS.Brendan M.Buckley, giảng viên Trường Đại học Comlubia (Hoa Kỳ) hôm tháng 1/2019, đó là sự luôn mở rộng cửa đón chào các nhà khoa học của VQG, trong đó đặc biệt là Giám đốc Lê Văn Hương. Ông nói, mỗi lần đến thực hiện nghiên cứu khoa học tại VQG “như là về với người nhà”. Kết quả bảo vệ thành công được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới Lang Biang trước Tổ chức Liên hiệp quốc là một trong những minh chứng nhiệt huyết, tận tâm của các cán bộ quản lý, cán bộ khoa học đối với VQG. Giám đốc Hương cũng cho tôi biết, trong 5 năm, VQG đã có 26 bài báo đăng tải trong các tạp chí khoa học quốc tế. Đây không chỉ là thành quả nghiên cứu khoa học mà thông qua đó đã và đang quảng bá thương hiệu những giá trị tài nguyên sinh thái của VQG và là những đầu mối thu hút giới khoa học thế giới. 
 
Được biết, một số dự án đang và tiếp tục triển khai trên địa bàn VQG như: Dự án Nâng cao năng lực VQG Bidoup-Núi Bà (VCF) từ nguồn vốn của Ngân hàng thế giới (WB); Dự án Thí điểm Phương pháp quản lý rừng đa mục đích tỉnh Lâm Đồng tài trợ từ Quỹ Hỗ trợ ngành lâm nghiệp (TFF); Dự án Đồng quản lý rừng và động vật hoang dã VQG Bidoup-Núi Bà từ nguồn vốn của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã WWF; Dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho VQG Bidoup-Núi Bà”… Năm 2018, VQG tiếp tục chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về KDTSQ Lang Biang như: “Ứng dụng công nghệ địa viễn thám để quản lý tài nguyên thiên nhiên” (đề tài cấp tỉnh); “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học và không gian văn hóa” (đề tài cấp Nhà nước); “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình nhân giống và trồng Magic S” (hồ sơ dự án nông thôn mới); “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và gây trồng Sói rừng làm dược liệu ở Lâm Đồng” (đề tài cấp tỉnh)…
 
VQG cũng đang phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thực vật TS.Cecilia Koo và Viện Sinh thái học miền Nam nghiên cứu khu hệ Dương xỉ tại Khu dự trữ; thực hiện kế hoạch chăm sóc vườn thực vật và sưu tầm cây quý hiếm; khảo sát, sưu tầm, di thực một số loài cây quý hiếm để trồng bảo tồn ngoại vi tại Vườn thực vật; Tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và phối hợp công bố một số kết quả nghiên cứu trên tạp chí trong và ngoài nước; tham gia giám sát đa dạng sinh học trong khuôn khổ dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững – Hợp phần 3 do JICA tài trợ. Ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học với 3 đối tác: Vườn thực vật Singapore, Trung tâm Bảo tồn thực vật Cecilia Koo và Đại học Kuysu Nhật Bản; Triển khai các hoạt động hợp tác với các đối tác theo nội dung Biên bản ghi nhớ đã ký theo những đề tài vừa nêu ở trên. VQG còn phối hợp với Mạng lưới các Vườn thực vật quốc tế (BGCI) thực hiện một số hoạt động trong khuôn khổ chương trình bảo tồn Thông nước tại Việt Nam; phối hợp với nhóm nghiên cứu Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Dự án “Thúc đẩy tiếp cận hợp tác trong quản lý rừng để giảm phát thải carbon”. Đó còn là tham gia làm việc với 18 đoàn khách quốc tế đến nghiên cứu tại VQG v.v…
 
Năm 2019, VQG Bidoup-Núi Bà tiếp tục triển khai những đề tài nêu trên và tập trung nhiều đến các chương trình cụ thể về bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi sinh thái… Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới thuộc VQG Lê Văn Sơn cũng cho biết: “Năm nay mở ra hướng đi mới là nghiên cứu chiều sâu hơn. Năm 2019 có những văn bản mới vừa là thách thức vừa là điều kiện để Trung tâm phấn đấu đạt những hiệu quả tốt hơn nữa góp phần quản lý bảo vệ và phát triển rừng”.
 
 TĨNH XUYÊN
Nguồn: Báo Lâm Đồng