Bidoup-Núi Bà: Vườn Di sản ASEAN

Việt Nam được biết đến như là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú. Trong đó, Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, hội đủ các tiêu chí để được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. 
 
VQG Bidoup-Núi Bà thường xuyên thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến nghiên cứu. Ảnh: M.Đạo
VQG Bidoup-Núi Bà thường xuyên thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến nghiên cứu. Ảnh: M.Đạo
 
Hội đủ các tiêu chí Vườn Di sản
 
VQG Bidoup-Núi Bà (gọi tắt là Vườn) còn nhiều ưu thế khác như: một trong 221 vùng chim đặc hữu quốc tế (EBA) với 3 vùng chim quan trọng (IBA); khu địa lý sinh học của các loài cây hạt trần và cũng là khu vực ưu tiên bảo tồn số một trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học các dãy núi chính Nam Trường Sơn (WWF, 2003) vì đa dạng sinh học khu vực này vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài quí hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và quốc tế. Vườn cũng là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Langbiang. Tổng diện tích vùng lõi 65.143,47 ha và vùng đệm là 33.966 ha. Ghi nhận mới nhất tại Vườn có 1.946 loài thực vật (chiếm gần 1/6 về đa dạng thực vật có mạch của Việt Nam), thuộc 815 chi và 180 họ; 111 loài thú thuộc 28 họ và 12 bộ; 91 loài hệ bò sát; 78 loài hệ lưỡng cư; 22 loài cá nước ngọt thuộc 6 họ, 14 giống… Có nhiều loài thuộc Danh lục loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu được ưu tiên bảo vệ…
 
Thực tế cho thấy VQG Bidoup-Núi Bà đã hội đủ các thuộc tính quan trọng của một Vườn Di sản ASEAN, mà các khu vực khác khó có thể sánh kịp.
 
(1) Trước hết, đó là tính toàn vẹn về sinh thái. Vườn là nơi tập trung phần lớn rừng tự nhiên của tỉnh Lâm Đồng, với độ che phủ của rừng trên 86%; diện tích không bị chia cắt hay phân mảnh bởi tự nhiên hay tác động của con người. (2) Tính đại diện: Bidoup-Núi Bà là một mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới của Việt Nam và cũng là kiểu rừng đặc trưng cho vùng cao nguyên, đã trở thành một địa điểm nghiên cứu khoa học, hợp tác về bảo tồn thiên nhiên và đã trở thành một điểm du lịch sinh thái trên tuyến du lịch di sản miền Trung và Nam Tây Nguyên, gắn với những đặc trưng văn hóa bản địa, được biết đến ở trong và ngoài nước. (3) Tính tự nhiên: Với 91% là rừng tự nhiên, trong đó thảm thực vật chủ yếu là rừng lá rộng thường xanh (61%), đa số diện tích rừng lá rộng chưa bị tác động do hầu hết nằm ở vùng sâu xa, địa hình hiểm trở và hệ thống quản lý bảo vệ hiệu quả. Bidoup-Núi Bà liên kết với 2 VQG liền kề (Chư Yang Sin và Phước Bình), tạo nên vùng rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 300.000 ha ít bị tác động của con người. (4) Tầm quan trọng cho bảo tồn: VQG Bidoup-Núi Bà được đánh giá là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng cho các kiểu rừng đặc trưng của Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam; khu xem chim của quốc tế; khu địa lý sinh học của các loài cây hạt trần;… (6) Tính hợp pháp (pháp lý): Vườn được thành lập theo Quyết định số 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19/11/2004. (7) Có kế hoạch quản lý khu bảo tồn, do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định 784/QĐ-UBND ngày 31/3/2011. (8) Khu bảo tồn có ý nghĩa dân tộc học: Vườn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc bản địa K’Ho, đặc biệt là văn hóa phi vật thể thế giới (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên). (9) Tính xuyên biên giới: Bidoup-Núi Bà nằm ở trung tâm cao nguyên Đà Lạt, chung quanh là các khu rừng đặc dụng hoặc phòng hộ có giá trị về đa dạng sinh học của cao nguyên Đà Lạt, nằm trên địa bàn các tỉnh Đắc Lắc (VQG Chư Yang Sin), Ninh Thuận (VQG Phước Bình), Khánh Hòa (Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà), thành phố Đà Lạt (khu Tuyền Lâm)…
 
Tích cực bảo tồn và phát triển hiệu quả
 
Theo Ban Giám đốc VQG Bidoup-Núi Bà, để thực hiện 9 chương trình hoạt động do Thủ tướng Chính phủ giao, Vườn xác định các trách nhiệm như sau: Trước hết, bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm gắn kết với các VQG và Khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây nguyên và vùng Nam Trung Bộ. Cùng đó, góp phần phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu, nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Nam Tây nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải cực Nam Trung Bộ. Mặt khác, bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt; bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa; phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới; phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh và Tây Nguyên.
 
Theo đó, mục tiêu của VQG Bidoup-Núi Bà đặt ra là: Bảo vệ sự nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, đặc trưng là rừng cây lá kim của vùng Nam Tây Nguyên. Đến năm 2020, diện tích rừng đạt 62.383 ha, nâng độ che phủ rùng từ 94,2% lên 95,8%; bảo tồn và phát triển bền vững VQG, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Đồng thời, giảm áp lực và hạn chế khoảng 60-70% đối với công tác bảo tồn của VQG như: sức ép của cộng đồng dân cư sống ở trong và vùng ven về đất sản xuất, săn bắt động vật rừng, thu hái lâm sản, khai thác các loài cây gỗ quý hiếm trái phép. Đó còn là tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực về quản lý, bảo tồn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của VQG. Tăng cường hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư trong các hoạt động thuê môi trường rừng, các tổ chức quốc tế trong các hoạt động bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, phát triển cộng đồng dân cư, nhằm đa dạng hóa các nguồn tài chính phục vụ công tác bảo tồn và phát triển VQG, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Vườn cũng xác định, cần thường xuyên nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư vào các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Vì vậy, các chương trình hoạt động và nội dung đầu tư của Vườn giai đoạn 2011-2020 bao gồm: quản lý bảo vệ rừng; phòng cháy chữa cháy rừng; phục hồi hệ sinh thái rừng; nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch; tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đệm; xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế. 
 
VQG Bidoup-Núi Bà là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam có ô định vị 25 ha để giám sát diễn thế và động thái rừng. Với kinh nghiệm và nhiệt huyết của đội ngũ nhà khoa học, cán bộ, nhân viên; sự quan tâm của địa phương và các tổ chức trong nước và quốc tế, Vườn sẽ là điểm sáng của khu vực ASEAN như các nước khu vực ASEAN thừa nhận và tôn vinh tại Lào vào ngày 20/10 vừa qua. 
 
Nguồn: Báo Lâm Đồng