Bảo vệ rừng gắn với lợi ích cộng đồng

(LĐ online) – Bảo vệ, quản lý tài nguyên rừng không phải chuyện một sớm, một chiều và của riêng một đơn vị, tổ chức nào. Việc bảo vệ rừng tất yếu phải gắn với đời sống của người dân bản điạ. Tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà việc giữ được gần như nguyên vẹn hiện trạng rừng trên một diện tích lớn có sự đóng góp không nhỏ của chính người dân sống trong vùng đệm và vùng lõi của Vườn.
Ông Kơ Să Thanh với cây xà gạc quen thuộc vừa đi kiểm tra lô về
Ông Kơ Să Thanh với cây xà gạc quen thuộc vừa đi kiểm tra lô về
Đời sống người dân càng khó khăn, áp lực lên rừng càng nặng
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có tổng diện tích quản lý gồm 70.038,75ha. Trong đó rừng đặc dụng chiếm 56.436ha và rừng phòng hộ là 13.602,75ha; nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương với nhiều nguồn gien động, thực vật quý hiếm, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng á nhiệt đới.
Theo các kết quả nghiên cứu của dự án JICA BIDOUP NÚI BÀ, hiện nay, gần 79% người dân của các xã nằm trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu là từ nông nghiệp (chiếm khoảng 87%). Song hầu hết các hộ có diện tích đất nông nghiệp dưới 1ha, kỹ thuật canh tác yếu và một số lý do khác như giống cà phê cũ, lượng phân bón hạn chế, không đủ nước tưới… dẫn đến năng suất thấp. Những năm gần đây, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, Chương trình 30a của Chính phủ đã hỗ trợ cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số sống trong và xung quanh Vườn, tuy nhiên một bộ phận không nhỏ vẫn sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng.
Ông Tôn Thất Minh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới cho rằng: Do đời sống người dân càng khó khăn thì sự phụ thuộc vào rừng càng lớn. Tạo công ăn việc làm cho người bản địa, cải thiện sinh kế cho cộng đồng bằng các biện pháp như: chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh các hoạt động lâm sinh, du lịch… sẽ giúp bà con gắn bó hơn với rừng. Đó là giải pháp hiệu quả nhằm giảm áp lực lên rừng góp phần cho việc quản lý rừng bền vững tại Vườn quốc gia.
Gắn việc bảo vệ rừng với lợi ích của cộng đồng
Chương trình khoán bảo vệ rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng được thực hiện tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà trong những năm vừa qua là một giải pháp hữu hiệu góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương một cách bền vững. Ngoài thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho người dân vùng đệm Vườn quốc gia.
Trong năm 2014, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà sẽ khoán 42.467ha rừng cho 1.245 hộ dân để quản lý bảo vệ. Theo đơn giá bình quân từ 400.000 đến 450.000đ/ha/năm với mức 30ha rừng/hộ thì thu nhập của các hộ dân lên đến hơn 12.000.000 đồng/năm. Với mức hưởng lợi này cộng đồng dân cư đã tích cực cùng với các nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia để bảo vệ rừng.
Ông Kơ Să Thanh (56 tuổi), người dân sống tại xã Đa Nhim (Lạc Dương), vừa đi bảo vệ lô rừng của mình vừa tâm sự: “Ngày xưa đói khổ chỉ biết vào rừng chặt gỗ, tìm cây thuốc. Bây giờ gia đình mình được khoán bảo vệ 30ha rừng ổn định như là của mình rồi, cứ vào tìm các sản phẩm phụ của rừng như nấm, mây… cũng đủ sống”.
Cháu của ông Thanh là anh Cil Phi Criệu Thani (36 tuổi), cũng nhận khoán bảo vệ rừng tận vùng lõi của Vườn bộc bạch: “Có sống lâu với rừng mới biết mỗi loại cây có từng câu chuyện khác nhau. Nếu không quá đói khổ thì bà con không ai nỡ chặt cây rừng làm gì. Bây giờ nhận khoán rồi, mình có tiền nên phải bảo vệ như của mình chứ, đó là danh dự mà”.
Nhận lô bảo vệ tận trong vùng lõi cách xa nhà ở, mỗi tuần, anh Thani và những chàng trai trong thôn lại mang gùi và cái xà gạc quen thuộc đi vào kiểm tra lô (rừng được nhận khoán). Anh Thani nói: “Mỗi lần đi như vậy mình biết rừng chỗ nào khoẻ, chỗ nào yếu, cây nào có chim đẹp đậu trên mình cũng biết. Vào tranh thủ chặt ít cành cây để đó lần sau vào lấy củi, phát cỏ để trỉa bắp, làm hàng rào chống heo rừng, mỗi lần về lại mang theo trên gùi ít cá suối và rau rừng như thế là thích lắm rồi. Đi quen, hiểu rừng nên tới mùa khô mình biết cách đốt trước ở đâu để không xảy ra cháy rừng”.
Giữa vùng lõi của Vườn có hẳn một ngôi làng của bà con dân tộc Cơ Ho Cil mang tên Đưng Iar Jiêng. Nơi đây chủ yếu là những người trung niên, họ sống luôn ở đây để tiện bảo vệ rừng. Ông Kơ Să U (70 tuổi) – Một người già trong làng nói rằng: “Mình sống với rừng quen rồi, nên ở luôn trong này thích hơn lại tiện để bảo vệ lô, để cho con cháu nó ra ngoài xã tiện học hành, mua bán thế là được rồi”.
Ông Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà cho biết: Để quản lý, bảo vệ được tài nguyên rừng đòi hỏi có sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, trong đó vai trò của cộng đồng dân cư sống trong và ven rừng là yếu tố quyết định. Khi cộng đồng tham gia vào tiến trình quản lý, bảo vệ rừng sẽ hình thành nên mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ giữa chủ rừng và cộng đồng. Khi quyền lợi của cộng đồng được đảm bảo và thực thi có hiệu quả theo các chính sách của nhà nước thì quản lý bảo vệ rừng sẽ có kết quả mang tính bền vững.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của việc bảo vệ rừng được ban quản lý Vườn lồng ghép trong các đợt chi trả tiền nhận khoán quản lý bảo vệ rừng cho bà con. Việc này đã góp phần tạo sự đồng thuận, tự nguyện của cộng đồng vào các hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Đây là chìa khóa của sự thành công, ông Hương nhấn mạnh.
Hiện tại, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đã giao cho nhân viên hướng dẫn các tổ nhận khoán, trong quá trình tuần tra ghi chép vào phiếu thu thập thông tin sau đó sử dụng Track logger và phần mềm Smart để quản lý, kiểm tra hiệu quả của công tác bảo vệ rừng. Với các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, sự thực hiện nghiêm túc của các nhân viên kiểm lâm và việc tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, tài nguyên rừng của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, số vụ vi phạm về rừng tại khu vực Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ít hơn nhiều so với các khu vực khác. Từ đầu năm 2014 tới nay tại Vườn chỉ xảy ra 8 vụ vi phạm gồm: 1 vụ lấn chiếm rừng, 2 vụ khai thác rừng và 5 vụ phá rừng trái phép.
Khi gắn rừng với lợi ích của cộng đồng, mỗi người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi của Vườn đều là người bảo vệ đắc lực cho rừng. Những cánh rừng trong tầm quản lý của bà con được gìn giữ nguyên vẹn. Ngược lại, nhờ vào “lộc rừng” và sự hỗ trợ của cơ quan chức năng người dân cũng có cuộc sống ổn định hơn.
Ngọc Ngà

Theo: Báo Lâm Đồng