Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới qua việc phát hiện, khám phá, khai quật và nghiên cứu những di chỉ văn hóa khảo cổ học nổi tiếng rải rác trên khắp các vùng miền của đất nước đã rút ra kết luận có tính thuyết phục rằng: Cách ngày nay khoảng từ 400.000 đến 200.000 năm trên lãnh thổ Việt Nam, suốt từ Bắc xuống Nam đã là nơi sinh tụ và phát triển của người tối cổ. Không còn nghi ngờ gì là chính họ cũng đã là tác giả hoặc đồng tác giả của việc phát minh ra lửa nhân tạo và sáng tạo ra ánh sáng nhân tạo từ lửa. Lửa và ánh sáng nhân tạo hẳn được ra đời giữa những cánh rừng nguyên sinh!
Các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng như người K’Ho, người Mạ, người Chu Ru có tín ngưỡng truyền thống đa thần. Các thần có tên gọi chung là Yàng (được Việt hóa thành Giàng). Cao nhất là Yàng Ndu – đấng tạo hóa của muôn loài. Gần gũi hơn với đời sống là Yàng Bri (thần rừng), Yàng B’Nơm (thần núi), Yàng Đạ (thần nước), Yàng Us (thần lửa)…
Những đêm hội cồng chiêng bên lửa trại là một trong những sự kiện, những nét đẹp văn hóa nổi trội nhất của người dân bản địa được gìn giữ, lưu truyền qua năm tháng và vẫn luôn là một phần trong những hoạt động không thiếu được của đời sống hiện đại. Chính vì thế mà chúng tôi, Đoàn văn nghệ sĩ của Hội VHNT Lâm Đồng rất vui mừng dự đêm lửa trại cồng chiêng trong chính khu rừng của Vườn quốc gia vào tối thứ bảy ngày 23-8-2014. Giữ vai trò chủ đạo là Đội ca múa “cây nhà lá vườn” gồm khoảng 20 chàng trai, cô gái trẻ trung người dân tộc K’Ho ở xã Đạ Nhim nằm trong vùng đệm rộng trên 70 ngàn hecta của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Đội này là “con đẻ”, “con cưng” của Vườn quốc gia. Đội ca múa được lãnh đạo Vườn chăm sóc chu đáo, vì đó cũng là một trong những thành quả của việc triển khai thực hiện ý tưởng bảo vệ, bảo tồn, phát triển rừng bằng văn hóa của chính các chủ nhân Vườn quốc gia.
Có một cảm giác gì đó khó lột tả được đã xâm chiếm cõi lòng khi nghe vang vọng giữa rừng sâu, trong mờ ảo của bóng đêm và sương giăng ngập tràn không gian rừng, tiếng trống liên hồi tưng bừng giục giã khách mời đến với hội cồng chiêng.
Lúc khách và chủ đã yên vị, một cô gái K’Ho của Đội ca múa – người dẫn chương trình đề nghị các vị khách văn nghệ sĩ tiến cử người ra châm lửa, khơi mào cho đống củi hình chóp nhọn bốc cháy. Hoàn toàn bất ngờ vì anh em trong Đoàn nhất trí tiến cử tôi như người cao niên nhất. Sau giây phút lưỡng lự, lúng túng, tôi đã kịp định thần hình dung việc mình phải làm theo đúng tập tục mà tôi đã có một số lần được chứng kiến. Thấy phía sau lưng mình những đôi trai gái dân tộc K’Ho đã dàn hàng chỉnh tề với các cánh tay giơ cao lên trời trong tư thế tế lễ; tôi cũng một tay cầm cao cây đuốc chưa được châm lửa, tay kia đưa cao với bàn tay mở rộng ra phía trước, mặt ngửa lên trời mà khấn to:
– Ơ… ơ… ơ… Giàng ơi… ơ… ơ… xin Giàng cùng về đây cho các con cháu của Giàng đốt lửa để xua bóng đêm cho sáng núi rừng, cho dân làng được hát ca nhảy múa bên ánh lửa, cho đêm cồng chiêng bắt đầu, ơ… ơ… ơ… Ơi Giàng!
Sau lời khẩn cầu thống thiết ấy, tôi châm lửa vào cây đuốc và đưa đuốc vào những khe trống của đống củi khô đã được tẩm ít xăng trước. Có gió rừng thổi, ngọn lửa cháy bùng lên, liếm trên mặt củi và reo vui ngả nghiêng theo gió.
Khi tôi trở lại chỗ ngồi của mình cùng với bạn bè thì cũng là lúc tiếng cồng chiêng vang lên theo nhịp múa vòng quanh đống lửa của Đội ca múa dân tộc xã Đạ Nhim. Ánh lửa làm hồng tươi lên những khuôn mặt trẻ trung, những vóc dáng đầy nhựa sống trong những váy áo và khố may bằng thổ cẩm sắc tộc người K’Ho.
Nhờ ánh sáng của lửa tôi nhận ra Ha Trái – thành viên của Đội múa đang bị hút hồn vào bước đi lom khom theo nhịp cồng được nắm tay của mình gõ mạnh. Đó chính là chàng thanh niên ban sáng đã dẫn chúng tôi đi bộ bốn cây số theo đường mòn khúc khuỷu gập ghềnh trong cánh rừng nguyên sinh để đến tận thác Thiên Thai của dòng suối Krông Kla chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ huyền diệu của nó. Trên đường đi Ha Trái vui vẻ, cởi mở chia sẻ với chúng tôi vốn tri thức bản địa phong phú của mình về các loài cây cỏ, hoa lá bắt gặp trên mỗi bước chân. Cậu ta là một cộng tác viên năng nổ, tích cực trong số các cộng tác viên bản địa người dân tộc của Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Đội ngũ các hướng dẫn viên chuyên nghiệp và các hướng dẫn viên cộng đồng này giúp du khách đến tham quan Vườn quốc gia được trải nghiệm thực tế, khám phá những điều “kỳ bí” của thế giới tự nhiên. Qua đó có thêm những tri thức hiểu biết mới làm giàu hơn vốn sống, đồng thời có ý thức trách nhiệm hơn trong bảo tồn và phát huy các giá trị vật chất và giá trị tinh thần của xã hội.
Vừa theo dõi các tiết mục được trình diễn, tôi vừa miên man nhớ lại những gì thạc sĩ Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà giới thiệu về Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà trong buổi tiếp xúc vào buổi chiều cùng ngày. Một khối lượng thông tin thật đồ sộ với vô vàn những điều mới lạ, thú vị có sức hấp dẫn tác động lớn đối với người nghe, tạo ra những ấn tượng sâu đậm rõ nét khó phai mờ trong trí nhớ. Tôi thật sự bị choáng ngợp trước những thành tựu đa chiều, muôn vẻ mà Vườn quốc gia Bidoup – núi Bà đạt được chỉ mới trong vòng 10 năm đầu tiên sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập.
Với một lực lượng lao động không lớn so với nhiều Vườn quốc gia ở các địa phương khác trong cả nước. Vườn chỉ có120 người, trong đó có 15 thạc sĩ, 41 cử nhân kỹ sư, 48 trung cấp; các anh chị em công tác ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã tự mình cũng như liên kết hợp tác phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai thực hiện 9 Chương trình hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đó là các Chương trình “Bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”, “Phục hồi sinh thái rừng”, “Phòng cháy chữa cháy rừng”, “Nghiên cứu khoa học”, “Phát triển du lịch sinh thái”, “Tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên”, “Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đệm”, “Xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực” và “Hợp tác quốc tế”.
Đã có rất nhiều ý tưởng độc đáo, sáng kiến hay và cách tiếp cận, cách làm mang tính thực tiễn, hiệu quả cao trong thực hiện 9 Chương trình nói trên. Là nhà khoa học, tôi thích thú quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về chương trình nghiên cứu khoa học và chương trình hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Những yêu cầu mong muốn của tôi đều được thạc sĩ Lê Văn Hương – Giám đốc, thạc sĩ Đỗ Văn Ngọc – Phó Giám đốc và thạc sĩ Tôn Thất Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới của Vườn quốc gia đáp ứng hết sức chu đáo và nhiệt tình. Nhờ sự giúp đỡ của các anh ấy tôi có trong tay để đọc, nghiên cứu và tham khảo nhiều tài liệu khoa học quý giá về Lang Biang – Núi Bà, về Bidoup, về tính độc đáo và sự đa dạng sinh học của Vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển có một không hai của chúng ta. Tôi thầm mong và ao ước có dịp được chia sẻ với đồng nghiệp, với bạn đọc ấn tượng, những cảm nhận của tôi về công trình khoa học của anh Hương. “Nghiên cứu thành phần vật liệu cháy của rừng thông ba lá (Pinus kesyia) làm cơ sở đề xuất các biện pháp phòng cháy tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà mà anh đã thực hiện trong hơn 10 năm (2001-2012) và một phần kết quả đã được công bố trên Tạp chí quốc tế IFFN; công trình luận án tiến sĩ sắp được bảo vệ của anh Ngọc “Đặc điểm sinh thái của loài thông hai lá dẹt (Pinus krempfii)” – loài thông cổ đặc hữu ở vùng Nam Tây Nguyên hiện có ở Bidoup – Núi Bà và là loài thông quý hiếm đang được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng các nhà bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta và quốc tế cũng như nhiều công trình khác nữa.
… Lời ca tha thiết dạt dào của bài hát “Nối vòng tay lớn” cùng nhịp chân rộn ràng của vòng người khách và chủ nắm tay nhau đi vòng quanh lửa trại đã kéo tôi về trở lại với những thời khắc cuối cùng của đêm hội cồng chiêng.
Lửa vẫn còn cháy để hắt ánh sáng ấm áp của mình lên thân những cây thông cao tuổi đứng vây quanh sân hội khi bóng dáng những người tham dự tan biến trong màn sương đêm mờ ảo của rừng.
Tôi nhìn ra xung quanh và chợt bắt gặp một khoảng không gian đang tỏa sáng nơi lưng chừng núi. Tọa lạc ở đó là Phòng nuôi cấy mô và “nhà kính” mái phủ nhựa polime của vườn ươm thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới của Giám đốc Tôn Thất Minh. Đó là nơi nhiều chủng loại cây rừng, rau rừng, hoa rừng đặc hữu của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đang được nhân giống và ươm trồng nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, tái tạo, phục hồi và phát triển rừng. Công trình Phòng nuôi cấy mô được tài trợ bởi tiến sĩ Brendan Buckley một nhà khoa học Mỹ đang làm việc ở Đài quan sát địa cầu Lamont-Doherty thuộc Trường Đại học Columbia của Hoa Kỳ và bởi Công ty TNHH cây thuốc Việt (Hà Nội). Tiến sĩ Brendan đã từng được anh Đỗ Văn Ngọc dẫn đường leo lên tận đỉnh Bidoup cao 2287m, đỉnh cao nhất ở cao nguyên Lang Biang để tận mắt chứng kiến sự sinh trưởng của cây pơ mu 1300 năm tuổi (tuổi được xác định theo lõi khoan gỗ của thân cây được chính Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Brendan ở Mỹ thực hiện).
Phòng nuôi cấy mô của Vườn quốc gia chỉ mới ba năm tuổi nhưng với kết quả hoạt động của mình đã trở thành một trong những điểm sáng của Vườn quốc gia. Với sự tụ hội của rất nhiều điểm sáng này, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà thực sự đã trở thành một nguồn sáng mạnh tỏa rạng khắp muôn nơi.
Vào cái đêm thứ bảy ấy trong rừng nguyên sinh của Bidoup, tôi chợt nhớ tới câu kết trong cuốn sách “Từ nguyên tử đến con người” của tác giả Nguyễn Phúc Giác Hải: “Con người là sản phẩm của sự tiến hóa của vũ trụ mà qua nó vũ trụ có thể nhận thức được mình”.
NGUYỄN MỘNG SINH
Tin liên quan
- Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Thành quả đáng ghi nhận trong công tác phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai
- Một số hình ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (19/11/2004-19/11/2024)