Lạc Dương hiện còn hơn 700 ha đất lâm nghiệp mà người dân sản xuất nông nghiệp lâu năm không thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Qua đó, huyện đã tuyên truyền và vận động Nhân dân ký cam kết cắm mốc ranh giới không lấn chiếm đất rừng ở khu vực giáp ranh nhằm hạn chế mất rừng.
Việc cắm mốc ranh giới giữa đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp ổn định đã thật sự mang lại hiệu quả cao trong công tác giữ rừng ở Lạc Dương |
Giá trị đất nông nghiệp tăng nhanh khiến tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng, mở rộng diện tích để lấy đất canh tác nương rẫy vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy, nhận thức của một số người dân còn hạn chế, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài của việc bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng huyện, trong tổng số đất rừng bị lấn chiếm có một phần là những nương rẫy của đồng bào từ những năm trước, nay qua rà soát phân ba loại rừng thì một số diện tích được đưa ra thành đất nông nghiệp, còn lại vẫn là đất lâm nghiệp sản xuất nông nghiệp lâu năm của người dân.
Có một nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp gia tăng trong thời gian gần đây là do nhu cầu, giá trị sử dụng đất và các sản phẩm từ rừng tiếp tục gia tăng, trong khi quỹ đất sản xuất còn hạn chế, đã tiếp tục tạo ra áp lực đối với tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Mặt khác, dự án thực hiện giao đất lâm nghiệp theo hiện trạng sử dụng ổn định lâu dài nên một số người dân cố ý lấn chiếm đất để nhận phần trước, đến lúc tiến hành giao rừng thì coi như “sự đã rồi”.
Trước thực tế đó, huyện Lạc Dương cũng đã có những biện pháp chỉ đạo xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các vụ việc lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Đồng thời, cắm mốc ranh giới và cho người dân kí cam kết không lấn chiếm đất rừng. Cắm mốc phân chia ranh giới giữa đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp ổn định theo nội dung: Đất có rừng bao gồm những diện tích đất rừng còn cây rừng và những diện tích đất trống, diện tích sau giải tỏa lấn chiếm. Đất sản xuất nông nghiệp ổn định là diện tích các hộ dân đã canh tác lâu năm và đã thu hoạch sản phẩm. Qua đó, Phòng Kỹ thuật – Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) – Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đa Nhim phân công cán bộ, hướng dẫn, phối hợp với các trạm QLBVR tổ chức cắm mốc phân chia ranh giới giữa đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp ổn định. Hoàn thành số liệu nội nghiệp trên diện tích đã cắm mốc ranh giới của các trạm, tổng hợp tham mưu báo cáo các ngành chức năng theo quy định; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng trên diện tích đã được cắm mốc ranh giới. Khoanh vẽ lại hiện trạng những diện tích đất nông nghiệp sản xuất ổn định, lên họa đồ để theo dõi và xử lý khi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép. Trong quá trình thực hiện ngoài thực địa, nếu biết được chủ sản xuất nông nghiệp ổn định nào đã ký cam kết không lấn chiếm các diện tích xung quanh rẫy mà không thực hiện sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Hoàng Văn Tiềm, Trạm trưởng Trạm QLBVR Đưng K’Nớ thuộc Ban QLRPH Đa Nhim cho biết, việc cắm mốc và để người dân cam kết không xâm hại đến rừng đã ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm ra ngoài diện tích đang sản xuất. Những diện tích nào bị lấn chiếm Ban QLRPH Đa Nhim tiến hành giải tỏa và trồng lại rừng để người dân biết là đất rừng không thể lấn chiếm. Chính vì làm tốt công tác tuyên truyền nên những năm qua rừng Đưng K’Nớ không có diện tích bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, huyện đang tích cực chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các xã tiếp tục rà soát, thống kê cụ thể các diện tích lấn chiếm.
Thời gian vừa qua, việc phối hợp tuần tra, kiểm tra, truy quét, giải tỏa, trấn áp tội phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý san ủi và khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Thông qua việc ký cam kết giữa người dân và các Ban QLRPH về ranh giới và mốc giới giữa đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp ổn định của dân là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa, xử lý các trường hợp lấn chiếm rừng, tranh chấp quyền sử dụng đất, sử dụng đất rừng. Qua đó, giúp các trạm QLBVR quản lý rừng chặt chẽ hơn ranh giới giữa đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên các diện tích đã cắm mốc ranh giới.
Bên cạnh đó, huyện sẽ quyết liệt xử lý những hành vi xâm hại đến rừng, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức xã, trưởng thôn và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao đất để đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích so với quy hoạch phân ba loại rừng.
“Hiện tại, trên địa bàn huyện Lạc Dương đang kêu gọi Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH và Tổ chức phát triển Hà Lan SNV hỗ trợ huyện trong công tác lập đề án bảo vệ cảnh quan rừng bền vững. Đồng thời xúc tiến các hoạt động thương mại hàng nông sản, cải thiện sinh kế của người dân để nhằm giảm thiểu tác động vào rừng, hạn chế nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng”, ông Minh cho biết thêm.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà