Vai trò và hiệu quả từ chủ trương chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong việc bảo vệ, quản lý và phát triển rừng đã thực sự được khẳng định rất rõ về mặt ý nghĩa. Đã đến lúc cần phát triển nội dung này ở một bước tiến mới, cấp độ cao hơn, cả về chất và cả về lượng.
Tuy tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện chi trả DVMTR mấy năm nay, nhưng từ năm 2016 này, cần sớm thực hiện các nội dung liên quan như xác định cụ thể hơn về các đối tượng sử dụng DVMTR cũng như đối tượng tham gia cung ứng DVMTR, được chi trả tiền DVMTR trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, phải xác định được ranh giới, diện tích lưu vực, công suất, sản lượng của từng đối tượng chi trả DVMTR để từ đó minh định chính xác nguồn thu của từng đơn vị chi trả. Đồng thời, điều tra, phân loại theo từng tổ chức, hộ cá nhân được nhà nước giao đất và cho thuê đất có rừng cung ứng DVMTR…
Hiện trạng tài nguyên rừng của Lâm Đồng (căn cứ thống kê năm 2014 đã được UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT phê duyệt) là đất có rừng hơn 513,528 ngàn ha, trong đó, rừng tự nhiên hơn 454,122 ngàn ha, rừng trồng hơn 59,456 ngàn ha… Theo đó, các đối tượng đã sử dụng và chi trả DVMTR gồm: 31 nhà máy thủy điện thuộc 21 đơn vị chủ quản nằm trên lưu vực sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk; 13 nhà máy sản xuất nước sạch thuộc 8 đơn vị chủ quản nằm trên lưu vực sông Đồng Nai và 16 cơ sở kinh doanh du lịch thuộc 11 đơn vị chủ quản. Theo dự báo, thời gian tới, trên địa bàn Lâm Đồng sẽ có 13 nhà máy thủy điện đang xây dựng và chuẩn bị khởi công có khả năng bổ sung vào đối tượng chi trả DVMTR.
Về đối tượng được chi trả DVMTR gồm 30 đơn vị thuộc chủ rừng nhà nước; 396 doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thuê đất, thuê rừng. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ mới có 30 doanh nghiệp, tổ chức lập hồ sơ để hưởng chi trả DVMTR. Ngoài ra, còn có 4 cộng đồng thôn và 1.691 hộ gia đình được giao đất, giao rừng lập hồ sơ khoán bảo vệ để hưởng chi trả DVMTR. Tổng diện tích khoán quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) hiện nay trên toàn tỉnh là hơn 379,660 ngàn ha; bao gồm cả đất lâm nghiệp và đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng. Cùng đó, tổng diện tích rừng trên toàn tỉnh hiện chưa được khoán QLBVR là hơn 112, 282 ngàn ha. Trong số diện tích này, trên lưu vực sông Đồng Nai có hơn 57,314 ngàn ha gồm 24 nhà máy thủy điện và 1 hệ thống nhà máy nước; trên lưu vực sông Sêrêpốk hơn 28,855 ngàn ha gồm 5 nhà máy thủy điện và lưu vực sông Bàn Thạch hơn 2,844 ngàn ha; sông Cái hơn 18,761 ngàn ha; sông Lũy hơn 4,506 ngàn ha. Với tổng diện tích khoán QLBVR nêu trên, phân theo 12 đơn vị hành chính trong tỉnh Lâm Đồng cho thấy, huyện Di Linh có diện tích lớn nhất là gần 24 ngàn ha; kế đến Lạc Dương gần 20 ngàn ha; Bảo Lâm hơn 15,2 ngàn ha; Đam Rông hơn 12,5 ngàn ha; Đạ Tẻh gần 10,7 ngàn ha; Đạ Hoai hơn 6,4 ngàn ha; Đức Trọng gần 6 ngàn ha; Đơn Dương gần 5,7 ngàn ha; Đà Lạt hơn 4,2 ngàn ha; Lâm Hà hơn 3,7 ngàn ha; Cát Tiên hơn 3,5 ngàn ha và thấp nhất là thành phố Bảo Lộc với 341,14ha.
Tỉnh Lâm Đồng là một trong số ít địa phương đầu tiên thực hiện chính sách chi trả DVMTR và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu cùng nhiều bài học quý để nhân rộng trong cả nước. Để tiếp tục phát huy có hiệu quả hơn về phương án quản trị rừng mang nhiều tính ưu việt này, thời gian tới cần đồng thời thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết là công tác tuyên truyền lợi ích từ việc chi trả DVMTR là quá trình cộng đồng cùng bảo vệ rừng, cùng giữ rừng và phát triển rừng; trong đó, vai trò quan trọng hàng đầu bao gồm: đối tượng tham gia cung ứng DVMTR, đối tượng đã sử dụng và chi trả DVMTR và các ngành, các địa phương liên quan.
Đã đến lúc cần nhận thức đúng về công tác chi trả DVMTR vừa là quyền và vừa là nghĩa vụ. Cùng đó, Quỹ BV&PTR tỉnh với tư cách là đơn vị đầu mối của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã thực hiện tuyên truyền sâu rộng chủ trương chi trả DVMTR. Về các giải pháp đầu tư, đối với diện tích chưa thành rừng hoặc chưa đủ điều kiện cung ứng chi trả DVMTR và diện tích đất trống, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đang sản xuất nông nghiệp thì lồng ghép và tổ chức triển khai các hoạt động phát triển rừng như: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng, áp dụng giải pháp nông lâm kết hợp… Việc lồng ghép còn được triển khai đồng bộ và hiệu quả nhất trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng như “Kế hoạch hành động REDD+”, Bảo tồn đa dạng sinh học; Ứng phó biến đổi khí hậu; các chương trình, dự án về phát triển du lịch sinh thái; các chương trình mục tiêu về cải thiện sinh kế và an sinh của cộng đồng dân cư… Dĩ nhiên, lộ trình, quá trình triển khai thực hiện các giải pháp mang tính cụ thể và tác động đến rừng, đất rừng một cách trực tiếp như này phải tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch BV&PTR của tỉnh giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt.
Vấn đề về sử dụng nguồn vốn phát triển rừng, từ ngân sách nhà nước đến vốn ODA, vốn các doanh nghiệp ngoài nhà nước… cần được tập trung về một mối là Quỹ BV&PTR; theo đó, tổ chức chi trả, đầu tư hợp lý, minh bạch và đặc biệt là có hiệu quả nhất. Để đạt được tính hiệu quả dĩ nhiên giải pháp giám sát, kiểm tra luôn được triển khai đồng bộ; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các tổ chức và địa phương các cấp liên quan. Cũng cần phải hiểu công tác giám sát và kiểm tra không chỉ dừng ở khâu chi trả và thụ thưởng DVMTR mà còn ở các khâu như diễn biến về biến động rừng, đất rừng; công tác QL&BVR, công tác phát triển rừng; công tác thực thi Luật BV& PTR ở tất cả các ngành, các địa phương liên quan.
MINH ĐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho