Con mắt giữ rừng

“Rừng không chỉ cho dân làng mọi thứ, cho con thú có chỗ ở, con chim có cành đậu, con suối không bị cạn nước… mà còn cho con cháu mai sau. Bác Hồ đã dạy “rừng là vàng” mà” – già K’Rế khảng khái nói.

20 năm giữ rừng
Như bao gia đình người Lạch dưới chân núi Langbiang, ngôi nhà nhỏ của già K’Rế ở thị trấn Lạc Dương cũng đơn sơ, giản dị lắm. Đã hơn 75 tuổi, nhưng già vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Chúng tôi hỏi “bí quyết nào giúp già sống khỏe vậy?”, già trả lời ngắn gọn “ngày nào cũng đi bộ vào rừng như tập thể dục nên khỏe thôi”.
Được biết, năm 1995 già K’Rế bắt đầu nhận khoán và bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà. Sau ba năm gắn bó với công việc, năm 1998 già được cử làm công việc chuyên trách, phụ trách tiểu khu 100, 113 và 114 rộng khoảng 3.000ha; quản lý 11 tổ bảo vệ rừng với 30 tổ viên. Đảm nhận công việc trên một diện tích rừng rộng lớn như vậy nên những ngày tháng của già là đi rừng, ngủ rừng. Già kể, “hành trang mang theo mỗi lần lên rừng chỉ mỗi một chiếc gùi nhỏ đã có sẵn bộ quần áo, áo mưa, một ít gạo, nồi cơm và cây xà gạc quen thuộc”.
Già K’Rế nói tiếp: “Năm 2000, một mắt phải của tôi cứ mờ dần. Sợ hỏng mắt không đi rừng được nữa thì buồn lắm. Các anh bên VQG khuyên tôi nên ở nhà và hướng dẫn cho bà con cách giữ rừng là được. Nhưng thật may mắn, con mắt còn lại vẫn không sao, tôi mang kính và vẫn có thể đi rừng. Ngày đầu chưa quen, hơi khó khăn, bây giờ thì quen rồi. Ông trời giữ cho tôi con mắt còn lại là giúp tôi lại được giữ rừng đấy cô ạ”.
Sau gần 20 năm gắn bó với những cánh rừng xa, khi tuổi đã về già, Ban quản lý VQG cho phép già về nghỉ ngơi, song “không đi rừng tôi sẽ buồn lắm”, già xin về quản lý bảo vệ rừng ở gần nhà. Già K’Rế nhận nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ 30 gồm 7 tổ viên, quản lý 209ha thuộc tiểu khu 145B, dưới chân núi Bà.
Băng suối cùng các tổ viên đi kiểm tra rừng
Băng suối cùng các tổ viên đi kiểm tra rừng
Anh Trần Văn Tỉnh – Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Núi Bà, tươi cười nói về người “đồng nghiệp” đặc biệt của mình rằng: “Ông ấy làm cán bộ chuyên trách khu vực Langbiang của VQG hơn 20 năm rồi đấy. Riêng tôi đã làm việc với ông ấy từ năm 2005 kìa, 10 năm qua đã có không biết bao nhiêu lần tôi có dịp cùng ông K’Rế đi rừng, ăn rừng, ngủ rừng. Là người có tâm huyết với nghề, ông ấy là người duy nhất làm chuyên trách bảo vệ rừng được thời gian dài như vậy”. Anh Tỉnh kể: “Đêm hôm mưa gió có việc huy động là ông ấy đi ngay. Có khi bọn phá rừng hoạt động cả vào ban đêm. Bởi vậy, già K’Rế và bà con cùng kiểm lâm đi gác rừng cả đêm là chuyện thường xuyên. Có hôm ông ấy còn bảo “các anh cứ ở trạm tôi đi trước cho rồi có gì tôi báo, tôi biết nhiều đường tắt người ta khó phát hiện hơn”. Có những đêm ông cùng chúng tôi đi đến 12 giờ đêm chưa về”. Khi tôi hỏi ông K’Rế đã lớn tuổi, lại hỏng một mắt thì sao, anh Tỉnh khẳng định ngay “không, ông ấy vẫn rất khỏe và tinh tường lắm. Mùa khô cũng như mùa mưa ông vẫn đi và nằm lại trong rừng dài ngày để kiểm tra khắp lượt”. Gắn bó 20 năm làm công tác bảo vệ rừng nên rừng ở đây chỗ nào cũng có chân ông. Phát hiện thấy lâm tặc, ông và bà con đã chỉ đường tắt cho kiểm lâm đi bắt. Ông và bà con là con mắt của rừng và của cả kiểm lâm. 20 năm qua, mỗi lần mùa khô đến, ông K’Rế cùng bà con mang cả cơm lên rừng canh lửa tận khuya mới về. Vừa về thấy có lửa cháy lại chạy lên ngay, không biết bao đêm ông và bà con thao thức vì rừng.
Làm nhiều thì động chạm nhiều
“Làm việc này nhiều khi cũng khó xử lắm, nhất là khi chính bà con mình lại đi phá rừng. Mỗi khi gặp ai đó phá rừng, mình không bao giờ chửi bới người ta bởi đôi khi họ cũng vì mưu sinh thôi mà. Mình chỉ khuyên anh em đừng nên phá rừng nữa, rừng là tài sản của Nhà nước. Mình giữ rừng, bảo vệ rừng là bảo vệ cho chính mình, chính con cái mình sau này đấy” – già K’Rế nói.
Bà con quanh vùng kể lại, từ năm 1996 đến năm 2000 có không biết bao nhiêu lần, có những nhóm người chặn đường già K’Rế đi rừng về hay đến tận nhà ông rồi thét lớn “tại sao mày dám cấm tao xẻ gỗ”. Vợ con hoảng sợ, hàng xóm đến kín nhà. Già nhẹ nhàng nói, “rừng là của Nhà nước, Nhà nước thuê tôi giữ rừng, đó là nhiệm vụ của tôi. Anh phá rừng là sai rồi”. Bà Cil Prợt – vợ già K’Rế đã bao ngày khóc ròng vì người ta đến nhà chửi bới đòi đánh chồng mình, cũng bao ngày bao đêm bà lo lắng trằn trọc vì ông đi rừng chưa thấy về. “Có lúc sợ quá cũng khuyên ông nghỉ nhưng ông không chịu nên tôi chỉ biết lo bữa cơm miếng nước để ông ấy có sức mà đi rừng”, bà tâm sự.
Được biết, thời gian ông K’Rế làm công tác bảo vệ rừng không biết bao nhiêu lần bị đe dọa. Có người còn bảo với ông, “người bà con với nhau mà không giúp lại đi giúp người ngoài” hay “sau này ông chết thì kiểm lâm khênh ông đi chứ chúng tôi không khênh ông đi”, nhưng ông vẫn nhận thức rõ ràng rằng, bảo vệ rừng là trách nhiệm mà ông phải hoàn thành. Tuy nhiên, đấy chỉ là suy nghĩ của những người phá rừng, còn lại đa số bà con ai cũng yêu quý ông vì ông đang làm việc đúng. Mà đúng như thế thật, ông K’Rế là người rất uy tín ở đây.
Anh Tỉnh cho biết, mỗi khi mùa khô có cháy rừng, chỉ cần già K’Rế lên tiếng huy động thì có khoảng hơn 100 bà con tham gia dập lửa. “Càng làm nhiều thì càng động chạm nhiều nên muốn làm được việc này lâu dài và hiệu quả như vậy là cả một sự nỗ lực rất lớn của ông K’Rế. Có người làm chuyên trách chỉ ba tháng là xin nghỉ vì không chịu nổi áp lực” – anh Tỉnh khẳng định. Nghe nói, đối với hầu hết anh em kiểm lâm ở đây, già K’Rế là cả kho kinh nghiệm đi rừng. Chính già là người dạy cho họ cách tìm địa điểm cắm trại qua đêm; kinh nghiệm tìm rau rừng, trái rừng mùa nào, khu vực nào nhiều nhất; cách bắt cá suối… Già vẫn thường dạy kiểm lâm cách phân biệt đường sá trong rừng.
Năn nỉ mãi già K’Rế cũng mới tiết lộ cho chúng tôi một ít kinh nghiệm giữ rừng của bản thân: “Khi đi vào rừng, phải chú ý lắng nghe, nếu có tiếng máy cưa thì báo cho kiểm lâm ngay. Mình là người của rừng, mình quen nhiều đường tắt, phải chỉ để các anh kiểm lâm biết đường đến khu rừng bị phá nhanh hơn. Các khu vực đi kiểm tra trong ngày phải tuyệt đối bí mật, không được nói với ai. Tôi chỉ nói cho cô biết đôi chút thế thôi chứ rừng nhiều bí ẩn, lâm tặc thì nhiều mưu mô, cuộc đấu tranh giữ rừng còn dài, còn cam go, phải trực tiếp tham gia rồi sẽ có những kinh nghiệm không nói nên lời. Nó như bản năng giữ rừng vậy.” Người đàn ông già có vóc dáng nhỏ bé trước mắt tôi lúc này thật lớn lao; chẳng khác nào người chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ cho màu xanh của rừng.
Lúc nghỉ ngơi tranh thủ trao đổi công việc với tổ viên
Lúc nghỉ ngơi tranh thủ trao đổi công việc với tổ viên
Cha con cùng nhau giữ rừng
Già K’Rế tâm sự, “rừng càng gần lại càng khó quản lý cô ạ. Vì bà con đi làm tiện thể chặt gỗ làm củi, làm nhà. Rừng gần khu vực sản xuất của bà con nên thi thoảng vẫn có tình trạng chặt thông, dời bờ rào lấn chiếm đất rừng thành đất sản xuất”. Bởi vậy, phải vào rừng mỗi ngày và làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con mới mong giữ rừng được.
Tôi may mắn được một lần đi rừng cùng già K’Rế. Già hơi ngần ngại vì “cô không quen không đi nổi đâu”. Tôi quả quyết “cháu còn trẻ mà, cháu đi được”. 30 phút trôi qua tôi bắt đầu thấy cái “trẻ” của mình không đấu nổi với dốc núi. Vậy mà già K’Rế đi trước vẫn sảng khoái nói chuyện với mọi người, thi thoảng ông lại cất lời hát một bài hát bằng tiếng người bản địa. Nghe bà con trong tổ bảo vệ rừng này bảo, đấy là bài hát “Núi Bà của tôi” khi nào đi rừng già K’Rế cũng hát. Tôi đi chậm nhất trong đoàn, già K’Rế đi lùi lại nói chuyện với tôi để xua đi cái mệt. Già nói về những loại rau rừng và cách chế biến chúng, nhất là cách ăn những loại rau đặc biệt trong rừng mà bà con gọi là “rau cấm”. Khi mọi người ngồi nghỉ ngơi, già chỉ đứng và chống cây xà gạc vào sau lưng. Già bảo “đứng thế này khỏe hơn, chứ giờ già rồi, ngồi xuống rồi đứng lên đi tiếp thì mệt lắm”. Trên đường đi vào sâu trong rừng có lúc già quay lại nói với tôi, “vậy là người ta đã vào tận đây rồi. Chúng đã chặt một nhát dao vào cây để đánh dấu”. Vào rừng sâu, có lúc đi qua nhiều lá rụng ẩm ướt, già lại bảo mọi người dừng lại kiểm tra xem ai “thu hoạch” được nhiều vắt nhất. Những người đi rừng kiểm tra vắt cắn và đó trở thành đề tài vui đùa của họ. Còn với tôi, già ôn tồn bảo: “Cô ở ngoài phố lâu lâu mới vào rừng nên vắt nó hỏi thăm. Còn chúng tôi đi rừng quen rồi nên vắt có chào đâu”. Câu nói của già khiến mọi người cười sảng khoái mà quên đi cái mệt giữa rừng sâu.
Đi mấy tiếng đồng hồ trong rừng rồi già bảo với tôi đến đây là hết phạm vi quản lý bảo vệ của tổ mình rồi. Giữa bạt ngàn cây chẳng thấy cột mốc hay ranh giới nào, không hiểu làm sao già biết. Già K’Rế cười và bảo, “mình xem bản đồ đếm xem diện tích mình quản lý bắt đầu từ đâu, qua mấy con suối, mỗi lần đi kiểm tra mình cứ căn cứ vào các con suối là biết ngay. Với lại đi hàng ngày nên rừng giống lòng bàn tay ấy mà”.
Anh Cơ Liên Ha Long, thành viên tổ 30, khoe: “Trước đây rừng là của chung, “cha chung nên chẳng ai khóc” mạnh ai người nấy vào phá rừng, nhưng giờ khác rồi, nhận khoán và bảo vệ rừng rồi phải có trách nhiệm bảo vệ như giữ của nhà mình. Chỉ cần “nghe hơi” lâm tặc vào rừng bất kể ngày, đêm lập tức từ già đến trẻ đều chạy lên để đuổi chúng”.
Còn anh Liêng Hót Khim thì nói, “dân làng nghe lời già K’Rế, khước từ lời mua chuộc của lâm tặc quyết giữ rừng thôi”.
Ông K’Rế có 6 người con; 4 gái, 2 trai. Cậu con trai trưởng của ông K’Rế là anh K’Huy hiện cũng đang là kiểm lâm viên thuộc Trạm kiểm lâm Bidoup thuộc VQG Bidoup Núi Bà. Huy kể, “Hồi nhỏ theo cha vào rừng rồi cha dạy cho cách đi rừng. Cũng nhờ cha mà mình gắn bó và yêu rừng”. Anh em kiểm lâm còn nói đùa “K’Huy từ già K’Rế mà ra, rồi yêu rừng cũng bắt đầu từ già K’Rế đấy”.
Với những đóng góp lớn suốt 20 năm qua trong việc giữ rừng, già K’Rế đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, của huyện, của VQG. Nhưng có lẽ điều ý nghĩa nhất với già là khi không chỉ là “người chỉ huy” của bà con nhận khoán bảo vệ rừng mà già còn được bà con mệnh danh là “con mắt giữ rừng của Langbiang”.
NGỌC NGÀ
Nguồn: Báo Lâm Đồng