“Tôi đến đây không phải để tham quan, không muốn nghe những lời đẹp mà muốn nghe sự thật”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thể hiện thái độ hơi “khác thường” với phong thái nhã nhặn của ông, khi nghe Giám đốc vườn quốc gia Yok Don báo cáo việc giữ rừng, sáng 23/10.
Liên tiếp trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật tuần qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì hai cuộc họp về bảo vệ rừng. Mong được sự thông cảm vì họp vào ngày nghỉ (là đại biểu Quốc hội, ông chỉ được nghỉ họp hai ngày cuối tuần khi kỳ họp thứ hai đang diễn ra – PV) song ông đề nghị mọi người tham dự hết sức nghiêm túc và tranh thủ thời gian để nói thẳng, nói đúng, nói đầy đủ tình hình để cùng thống nhất giải pháp.
Bởi như ông nói, hiện ngành nông nghiệp đang khá căng thẳng khi phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh… Đặc biệt, cuộc chiến giữ rừng đang ngày càng cam go, máu của người giữ rừng vẫn đổ, trong khi rừng vẫn đang bị đe dọa từng ngày.
Mất rừng, do ai?
Sự nóng lòng của Bộ trưởng tại Vườn quốc gia Yok Don có lẽ cũng do một phần tác động từ những thông tin từ Hội nghị bảo vệ rừng khu vực Tây nguyên và Đông nam bộ tại Thành phố Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc) diễn ra trọn ngày hôm trước.
Tại đây, những khó khăn của cuộc chiến giữ rừng khu vực Tây nguyên và Đông nam bộ, nơi có tới 3,72 triệu ha rừng, chiếm 27,8% diện tích rừng của cả nước đã bộc lộ sự gay gắt, không chỉ ở con số suy giảm với tổng diện tích lên đến 158.000 ha trong 5 năm 2006 -2011. Và 9 tháng qua diện tích rừng bị thiệt hại cũng lên đến 1.047ha, chiếm 68,6% so với toàn quốc, với 1.710 vụ phá rừng trái pháp luật được phát hiện. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng thường xuyên, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những ý kiến tại hội nghị cho thấy sự cam go của cuộc chiến giữ rừng không hoàn toàn nằm ở bất cập của chính sách, đội ngũ, hay tài chính eo hẹp… vẫn thường được nêu tại các báo cáo.
Chiếm diễn đàn gần một giờ đồng hồ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Đinh Văn Thiết đặt ra sự nan giải trong bài toán làm sao để dân sống được từ rừng và vấn đề chống di cư tự do. Bởi đồng bào dân tộc tại chỗ, người dân di cư tự do vẫn là đối tượng trực tiếp phá rừng.
Ba câu chuyện “không có trong báo cáo” nhưng rất nóng được Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông Nguyễn Đức Luyện kể là nhà nhà trồng cao su, mọi doanh nghiệp trồng cao su nên tạo ra lộn xộn trong tìm kiếm đất đai.
Nóng thứ hai là chống người thi hành công vụ nhưng chẳng dễ gì thống nhất trong xử lý giữa các cơ quan chức năng.
Ba là khai thác khoáng sản quá phức tạp, tạo nên áp lực và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Mà, một trong các nguyên nhân khiến việc bảo vệ rừng còn đang rất nóng, là “chuyện quản lý nhà nước của chúng ta không chuẩn”. Trên bản đồ có rừng, kiểm tra thực tế có thể không có. Rồi rất nhiều diện tích rừng dân canh tác ít nhất 7 năm, cà phê, điều đã có có thu hoạch, hồ sơ phá rừng không có nên rất khó xử lý. Hàng năm trong quá trình thống kê rừng để báo cáo thường phát hiện những diện tích như vậy.
Các ý kiến sau đó đều ít nhiều băn khoăn với sự thiếu đồng bộ cả về chính sách, tài chính trong bảo vệ rừng. Rõ ràng không thể chỉ nghĩ đến bài toán kinh tế trong việc giữ rừng. Song, lợi ích kinh tế trước mắt chính là nguyên nhân khiến ở nhiều nơi đồng bào tiếp tay cho lâm tặc, một số cán bộ bị vô hiệu hóa.
Phải kiên quyết đấu tranh với lâm tặc như đấu tranh với ma túy, đồng thời điều chỉnh chính sách để người dân hưởng lợi nhiều hơn từ kinh tế rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
“Dập lửa” Yok Don
Trở lại buổi làm việc ở vườn quốc gia Yok Don, trong suốt buổi sáng, gần như không có câu trả lời nào của “chủ nhà” đáp ứng được yêu cầu của vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp.
Nhấn mạnh vai trò của Vườn quốc gia lớn nhất nước (115.545ha), song thời gian qua vẫn là điểm nóng về vi phạm lâm luật và nội bộ chưa thật sự đoàn kết thống nhất, nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng cũng “nóng”: nghe báo cáo tôi thấy chưa trúng, thực hư thế nào, giải quyết ra sao, đồng chí thay mặt cho Bộ ngồi ở đây phải báo cáo trung thực mới xử lý được, tôi không muốn nghe những lời đẹp mà muốn nghe sự thật.
Giám đốc Trương Văn Trrưởng trả lời, điểm nóng nhất là trên tuyến đường sông…
Bộ trưởng yêu cầu, anh phải có bản đồ tác chiến hàng ngày để theo dõi tình hình và có phương án xử lý ngay chứ.
Bản đồ được đưa ra, vị Hạt phó kiểm lâm của vườn được mời lên trình bày, đề cập rất nhiều khó khăn, trong đó có sự tiến thoái lưỡng nan trước hoàn cảnh của dân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiết hỏi vị phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn có mặt ở đó: dân ông phá rừng thì trách nhiệm của huyện thế nào?
Vị lãnh đạo huyện trả lời: Chúng tôi phát hiện nhưng khi đến hỏi thì dân bảo không biết gỗ của ai, lập biên bản thì không lập được vì gỗ vẫn vô chủ.
Gỗ không rõ nguồn gốc thì có lập được để tịch thu chứ,? Bộ trưởng hỏi.
Vâng, tịch thu được. Nhưng cũng có tình huống rất khó. Tháng trước chúng tôi cũng phát hiện vi phạm, nhưng khi lúc lực lượng hỗ trợ đến thì có một nhóm người chạy 10 xe honda để cản trở, trong khi anh em thì ít người.
Thế đám người đó ở đâu, có thể chụp ảnh, quay phim lại rồi đề nghị công an phối hợp điều tra không” Bộ trưởng truy tiếp.
Biết là họ ở Buôn Ma Thuột, nhưng lúc đó gần 10 giờ đêm nên không chụp được ảnh, lãnh đạo huyện trả lời.
Trưởng phòng Nông nghiệp của huyện thông tin thêm: Tiếp tay cho lâm tặc trong nhiều vụ là thanh niên người Kinh chứ không phải đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng nói với lãnh đạo vườn: Anh nói là dân tại chỗ có tham gia phá rừng thì phải có bằng chứng, phải có ông nào ở chỗ nào chứ nói chung chung đổ thừa thế không được.
Mục đích mình phát hiện là ngăn chặn chứ không phải để bắt dân đi tù, nhưng cần biết là ở đâu để vận động, thuyết phục, Bộ trưởng nói.
Cũng làm nhiều rồi, răn đe rất nhiều nhưng dân rất nghèo, tham gia phá rừng còn có cả đàn bà trẻ con nữa, nhiều lúc cũng thương nhưng buộc phải bắt, bắt xong vẫn rớt nước mắt, vị hạt phó giãi bày.
Dân vẫn có nhiều người tâm huyết với rừng, có vị già làng nói với tôi rằng, “con ạ, dân đói nghèo, người ngoài cầm cục tiền vào thì dân làm thuê cho người ta”. Biết là cần vận động dân nhưng nếu chỉ dựa vào lương để vào dân vận động thì khó, vị hạt phó nói thêm.
Lương anh bao nhiêu, thu nhập bình quân của anh em bao nhiêu? Bộ trưởng hỏi.
Thu nhập của tôi 7 triệu, của anh em trung bình dưới 3 triệu, hạt phó đáp.
Được sự khích lệ nói thẳng của bộ trưởng, vị trưởng phòng nông nghiệp huyện nói tiếp: tại sao vườn có đến hơn 10 trạm kiểm lâm mà không bắt được gỗ, gỗ vẫn đổ ra sông thì phải xem lại các anh kiểm lâm.
Phó giám đốc vườn giải thích: Có những lúc xe chở gỗ đi qua thì chỉ có chị nuôi ở trạm.
“Nói thế thì các ông làm việc chả có mưu mẹo gì cả, đấy là tôi nói nhẹ”, Bộ trưởng phiền lòng.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn nêu thêm khó khăn trong xử các vụ vi phạm khu vực ráp gianh giữa vườn và địa phương. Nếu gỗ bên ngoài khu vực của vườn thì trạm kiểm soát của vườn lại không thể xử lý.
Việc của các anh là tham mưu tạo ra hành lang pháp lý cho việc này, các anh chưa làm là thiếu sót. Hơn nữa việc phối hợp có khó khăn gì đâu, 1 cú điện thoại chưa đầy 30 giây. Tôi yêu cầu việc này phải làm ngay, Bộ trưởng sốt ruột.
Và nói tiếp, tháng 6 họp ở tỉnh ông nói yên hết rồi, mà giờ vẫn đang trên đống lửa, đã tắt đâu mà bảo yên, phải dập tắt đống lửa chứ không chỉ là ngọn lửa. Nhưng tôi chưa nhìn thấy phương án dập lửa, vẫn thấy thiếu mưu lược, phải có phương án tổng thể bảo vệ rừng bền vững chứ không thể phát hiện vụ nào làm vụ đó.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển và Nông thôn Hứa Đức Nhị chỉ ra nguyên nhân khiến công tác bảo vệ rừng chuyển biến chậm ở Vườn và cả khu vực là không nhận thấy đầy đủ thiếu sót và có khi thấy rồi cũng kệ, không có biện pháp mạnh để khắc phục.
Thứ trưởng đề nghị, lãnh đạo của vườn phải tập trung lo bảo vệ rừng, quân số của một số phòng ban khác cũng phải huy động cho việc này.
Ông nói với Phó chủ tịch tỉnh, anh xem lại đường dây gỗ quý từ rừng đi thế nào mà nghe nói có một số địa chỉ rõ ràng mình biết mà không làm được gì?
Tôi rất chia sẻ với khó khăn của vườn, diện tích rất lớn, địa bàn giáp biên giới, nhiều anh em chịu thương vong song lương so với mức sống hiện nay là thấp, Bộ trưởng Cao Đức Phát bắt đầu kết luận.
Song tình hình vẫn còn có thể nói là nghiêm trọng, nếu không có giải pháp căn cơ đồng bộ thì sẽ vẫn tiếp diễn. Tới đây tôi sẽ yêu cầu kỷ luật 1 số đồng chí và sẽ khen thưởng những người dũng cảm, xả thân giữ rừng, ông nói.
Ông cũng chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp cử cán bộ vào vườn trực tiếp chỉ đạo các công việc ở vườn để lập lại kỷ cương. Trước mắt cần có phương án bảo vệ rừng bền vững, lập bản đồ tác chiến.
Phải vừa chiến đấu vừa làm, bận nhưng không có nghĩa là “ngâm” cả năm mới ra được, ông yêu cầu.
Thay lời kết
Mang câu chuyện băn khoăn về sự phối hợp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng nói chung và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng nói riêng vào câu chuyện trong ít phút với Bộ trưởng Cao Đức Phát trong phòng chờ chuyến bay trở lại Hà Nội, ông chẳng “than phiền” gì, mà vẫn nhấn mạnh rằng, ngành nông nghiệp phải chủ động.
Lại nhớ, trên diễn đàn Quốc hội, khi một số sai sót trong việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất (không có rừng) để trồng rừng (trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quản lý đất không có rừng và cũng không có trách nhiệm cấp phép) được đưa ra chất vấn, ông cũng kiên trì giải thích mà không nỡ “đổ” trách nhiệm cho cơ quan khác.
Nay, hơn 1 năm sau khi Thủ tướng có kết luận về vấn đề này, Bộ trưởng Phát cho biết, các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng và không phát hiện thêm sai sót. Vì Chính phủ đã có báo cáo riêng gửi đến Quốc hội nên báo cáo tổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng không thể hiện nội dung này.
Quay trở lại cuộc chiến giữ rừng, hỏi ông nghĩ thế nào khi bên hành lang hội nghị bảo vệ rừng, có ý kiến nói rằng, kiểm lâm không sợ lâm tặc mà sợ “bố lâm tặc”, thoáng băn khoăn, ông trả lời, có thể có người tiếp tay cho lâm tặc, song đó không phải là vấn đề chủ đạo trong câu chuyện mất rừng.
Mà, điều khiến ông “đau đầu” là phải tạo được bước đột phá trong công tác cán bộ để họ có thể yên tâm gắn bó với rừng.
Lâm Oanh
Theo:Thời báo Kinh tế Việt Nam
Tin liên quan
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho