Du lịch sinh thái luôn gắn với các Vườn quốc gia trên thế giới. Theo Liên hiệp thế giới bảo tồn thiên nhiên (IUCN) các Vườn quốc gia hay là các công viên quốc gia (National park) được xếp hạng II trong 6 phân hạng của các Khu bảo vệ (Protected area). Chức năng của các Vườn quốc gia cũng được IUCN xác định là bảo vệ hệ sinh thái và giải trí ngoài trời. Như vậy bảo tồn và du lịch sinh thái là hai khái niệm độc lập tương đối nhưng có quan hệ qua lại với nhau và không thể tách rời trong các Vườn quốc gia. Để điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch, Công ước đa dạng sinh học (CBD) cũng đã đề xuất một bản hướng dẫn về “Phát triển du lịch và đa dạng sinh học” trong các khu bảo tồn. Nhiều nước trên thế giới, để phát triển du lịch đã thành lập hệ thống các công viên quốc gia. Thống kê cũng cho thấy, doanh thu xã hội từ du lịch cao hơn rất nhiều chi phí để duy trì và bảo vệ công viên quốc gia. Ở Việt Nam, du lịch ở các Vườn quốc gia chưa phát triển mặc dù Chính phủ đã ban hành các thể chế, chính sách nhằm khai thác những lợi thế của các Vườn quốc gia để phát triển du lịch. Phát triển du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cũng nằm trong bối cảnh chung của các Vườn quốc gia Việt Nam.
Ngay từ những năm mới thành lập, để thực hiện chức năng nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã thực hiện các nghiên cứu để định hướng cho các hoạt động phát triển du lịch và du lịch sinh thái. Báo cáo Nghiên cứu về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt thực hiện trong khuôn khổ dự án Bảo tồn hành lang đa dạng sinh học Lâm Đồng do Ngân hàng châu Á (ADB) tài trợ, 2007. Báo cáo Các phương án chọn lựa cho các cơ chế cung cấp tài chính cho du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học trong kế hoạch tổng thể của du lịch Lâm Đồng do tiến sĩ Paul Rogers của Công ty TNHH Pacific Asia Tourism trong chương trình bảo tồn đa dạng sinh học khu vực châu Á, do WINROCK INTERNATINAL tài trợ, 2008. Báo cáo Đề xuất ý tưởng du lịch cộng đồng của tiến sĩ Nguyễn Đức Hoa Cương, Đại học Hà Nội do Cơ quan Bảo vệ động thực vật hoang dã thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tài trợ, 2011. Báo cáo của Susan Kennedy, MTA, về kế hoạch và thực hiện Hợp phần du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng – dự án Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (dự án JICA BIDOUP NUI BA) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, 2011… Cùng với các nghiên cứu chuyên sâu về du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là các khóa tập huấn về bảo tồn và du lịch tại Đại học MONTANA, Đại học OHIO, Vườn quốc gia Yelowstone, Yoksemine, Mỹ, 2007 của Giám đốc Vườn quốc gia, các khóa đào tạo về du lịch sinh thái của các cán bộ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà tại Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Philippin, Indonesia…
Dựa vào các nghiên cứu và kinh nghiệm thu nhận được. Xét thấy đã đến thời điểm để bắt đầu triển khai hoạt động du lịch sinh thái. Căn cứ vào các quy định hiện hành, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 23-02-2011 V/v “Thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường trực thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng”. Với chức năng tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường trong phạm vi Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Thực hiện các hoạt động giáo dục môi trường cho du khách, cho cộng đồng và các trường học. Tham mưu cho Giám đốc VQG Bidoup – Núi Bà trong việc lập quy hoạch, kế hoạch quản lý và khai thác các tour, tuyến, điểm du lịch. Việc thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (TTDLST&GDMT) vào năm 2011 còn có mục đích xây dựng và thực hiện mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà do dự án JICA BIDOUP NUI BA tài trợ.
Trong khuôn khổ dự án JICA BIDOUP NUI BA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được xây dựng. Theo báo cáo của Susan Kennedy, MTA. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là hình thức hoạt động du lịch do cộng đồng cư dân quản lý điều hành và cũng là hình thức hoạt động du lịch đặt nền tảng trên môi trường thiên nhiên. Hình thức hoạt động du lịch này thường có quy mô nhỏ và được xây dựng tại những vùng nông thôn. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng còn bao hàm mối quan hệ tương tác về văn hóa giữa du khách và cộng đồng dân cư bản địa. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng thường được các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương và chính các cộng đồng cư dân ủng hộ. Một quỹ cộng đồng thường được thành lập bởi những bên liên quan trụ cột của cộng đồng nhằm hỗ trợ những dự án phát triển cộng đồng được xem là cần thiết. Quỹ này được hình thành từ một phần lợi nhuận hoặc thu từ nguồn thu lệ phí, như lệ phí vào cổng tham quan chẳng hạn. Ý tưởng đằng sau du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là bảo vệ những di sản thiên nhiên và văn hóa của các điểm đến du lịch, đồng thời cải thiện phúc lợi kinh tế xã hội của những cộng đồng cư dân.
Một loại các hoạt động xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng đã được dự án JICA BIDOUP NUI BA tài trợ thực hiện: Bản đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, xây dựng biểu phí vào cổng trình UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng sổ tay nhân viên của TTDLST&GDMT. Xây dựng Trung tâm du khách, xây dựng và cải tạo 03 tuyến du lịch, bãi cắm trại, nhà vệ sinh, nhà mái che và quầy bán hàng lưu niệm, cầu treo trên các tuyến… Đặc biệt dự án đã liên tục mở các khóa đào tạo về du lịch sinh thái trong và ngoài nước cho cán bộ của TTDLST&GDMT Vườn quốc gia và cộng đồng. Thành lập và đào tạo tổ diễn giải viên, đội cồng chiêng và nhóm dệt thổ cẩm của xã Đạ Nhim. Đào tạo kỹ năng đón khách, chăm sóc khách hàng, tổ chức các đợt tham quan học tập DLST dựa vào cộng đồng tại một số Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước.
Chính thức cung cấp các dịch vụ cho khách tham quan từ đầu năm 2013, qua một thời gian ngắn tính đến tháng 9 năm 2014, lượng khách đến tham quan Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã đạt mức 10.000 người trong đó có 60% là khách nội địa và 40% là khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt mức trên 700 triệu đồng. Mặc dù với số lượng khiêm tốn nhưng có đến trên 90% du khách đã hài lòng với các dịch vụ mà Vườn quốc gia cung cấp, lượng khách năm 2014 tăng hơn 40% so với năm 2013. Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng của Vườn quốc gia tiếp tục hoạt động với sự tham gia của hơn 40 thành viên là người dân tộc thiểu số và thu nhập của cộng đồng không ngừng gia tăng. Điều quan trọng là trong điều kiện nguồn lực hạn chế, chưa được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được thành lập và vận hành có hiệu quả, làm cơ sở cho một kế hoạch tổng thể về phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.
Nhận được tài trợ từ Quỹ uỷ thác ngành Lâm nghiệp Trust Fund for Forest (TFF) thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thuộc dự án Phát triển Lâm nghiệp để cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên (dự án FLITCH), (2011-2014). Đề án quy hoạch tổng thể du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đến 2020 do Viện Lâm nghiệp Nhiệt đới xây dựng. Ngày 26-12-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2675/QĐ-UBND phê duyệt kết quả quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà giai đoạn (2013-2020). Bản quy hoạch đã tổng hợp tất cả các nghiên cứu có được từ các dự án, chương trình hợp tác quốc tế và các kinh nghiệm qua các khóa đào tạo làm tiền đề cho phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.
Trong đồ án quy hoạch, quan điểm về phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã được xác định:
Phát triển du lịch sinh thái phải đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững theo hướng sử dụng (mà không tiêu thụ) các dịch vụ hệ sinh thái, chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Hiệu quả từ các hoạt động phát triển du lịch sinh thái góp phần đóng góp tích cực cho các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa trong Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và vùng phụ cận.
Phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà phải tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái đích thực, góp phần thỏa mãn nhu cầu của du khách qua đó gia tăng khách du lịch đến với Đà Lạt, Lâm Đồng.
Phát triển du lịch sinh thái phải phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước, trong đó chú ý đến các mô hình mang tính sáng tạo, đột phá góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch sinh thái trong hệ thống các Vườn quốc gia Việt Nam.
Phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà tuân thủ hướng dẫn của Công ước đa dạng sinh học về “Phát triển du lịch và đa dạng sinh học” mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế gọi tắt là Công ước CBD.
Lê Văn Hương – Nguyễn Lương Minh
Tin liên quan
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).