Terra-i là hệ thống giám sát gần thời gian thực, sử dụng ảnh vệ tinh nhằm mục đích phát hiện biến động lớp phủ thực vật, cung cấp những dữ liệu về tình trạng mất rừng cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan. Năm 2017, thông qua chương trình UN-REDD, dự án thí điểm tại Di Linh, Lâm Ðồng và trở thành một trong những địa bàn đầu tiên áp dụng hệ thống này tại khu vực Ðông Nam Á.
Tập huấn ứng dụng sử dụng hệ thống Terra-i tại Di Linh . Ảnh: M.Đ |
Hệ thống Terra-i là gì?
Bộ dữ liệu do Terra-i cung cấp bao gồm các bản đồ bao phủ khu vực nhiệt đới toàn cầu, thể hiện các điểm được cảnh báo mất lớp phủ thực vật với tần suất 16 ngày trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2004 đến nay. Từ năm 2012, dữ liệu Terra-i đã được cung cấp miễn phí tại trang web chính thức www.terra-i.org. Terra-i được phát triển đầu tiên tại châu Mỹ La-tinh, và hiện đang trong quá trình phát triển và mở rộng phạm vi ứng dụng tại châu Á và châu Phi. Hệ thống Terra-i có thể phát hiện những thay đổi sử dụng đất cùng với độ phân giải đủ chi tiết cho quy mô toàn cầu, quốc gia và địa phương. Bao gồm: được cập nhập thường xuyên; áp dụng cho nhiều hệ sinh thái; triển khai trong điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính và phần cứng. Nhờ vậy, cán bộ khu bảo tồn và kiểm lâm có thể sử dụng thông tin để lên kế hoạch cho các hoạt động tại hiện trường và kiểm tra hiện trường ngay khi nhận được thông tin cảnh báo sớm. Thời gian làm việc của kiểm lâm vì thế sẽ hiệu quả hơn và họ có thể lập kế hoạch tốt hơn với các hoạt động tại hiện trường.
Bên cạnh việc cung cấp dữ liệu, nhóm nghiên cứu Terra-i đã sử dụng bộ dữ liệu này phục vụ các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, như xác định các khu vực có nguy cơ mất rừng cao trong tương lai; đánh giá tác động của việc phát triển hệ thống giao thông, xây dựng đường sá và các công trình công cộng; đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động bảo tồn của khu bảo tồn, rừng quốc gia, đưa ra các dự báo về xu hướng và phân tích diễn biến tài nguyên rừng v.v… Tất cả tài liệu và kết quả của các nghiên cứu trên đều được đăng tải và độc giả có thể tham khảo trên trang web chính thức của Terra-i.
Và triển khai tại Di Linh, Lâm Ðồng
Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017 của Bộ NN&PTNT tại Quyết định số 1187/QĐ-BNN-TCLN ngày 3/4/2018, tính đến ngày 31/12/2017, hiện trạng rừng huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cụ thể như sau: tổng diện tích tự nhiên gần 161.464 ha; trong đó diện tích có rừng hơn 82.402 ha (rừng tự nhiên hơn 74.338 ha, rừng trồng đã thành rừng hơn 8.064 ha, rừng trồng chưa thành rừng 722 ha). Chia theo mục đích sử dụng, rừng phòng hộ có hơn 11.712 ha và rừng sản xuất gần 68.719 ha; rừng ngoài 3 loại rừng có hơn 1.184 ha rừng tự nhiên và gần 788 ha rừng trồng. Tỷ lệ độ che phủ rừng tại huyện Di Linh đạt 51%, đứng thứ 8/12 huyện, thành phố.
Rừng huyện Di Linh đang được giám sát theo hệ thống Terra-i. Ảnh: M.Đ |
Điều phối viên Chương trình UN-REDD Lâm Đồng Lê Văn Trung cho biết: “Trên cơ sở kế hoạch phát triển bền vững ngành hàng cà phê giai đoạn 2016-2020 tích hợp REDD+, một trong những hoạt động cụ thể của chương trình UN-REDD giai đoạn II tại Việt Nam đã được phê duyệt là thực hiện giám sát chặt chẽ vùng cà phê giáp ranh với rừng bằng phương pháp quản lí thời gian thực kết hợp với các cam kết pháp lý không lấn, phá rừng và kiểm soát nội bộ từ cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Việc thí điểm sử dụng Terra-i tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một trong những hoạt động được ưu tiên thuộc chương trình này”. Để phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhóm nghiên cứu Terra-i tại Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT) đã phát triển và nâng cấp hệ thống Terra-i lên phiên bản mới nhất là sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel-1/2 và Landsat 8 với độ phân giải không gian cao (10 m), do đó có thể phát hiện những thay đổi sử dụng đất ở những quy mô nhỏ, đặc biệt là tại cấp huyện như Di Linh của tỉnh Lâm Đồng.
Hệ thống Terra-i sẽ cung cấp cảnh báo với tần suất 16 ngày/lần về những khu vực được phát hiện có biến động mất lớp rừng, với diện tích mất rừng nhỏ nhất là 100 m2.
Các khu vực được phát hiện mất rừng sẽ được xếp hạng theo thứ tự ưu tiên cao, trung bình và thấp theo diện tích mất rừng phát hiện. Các cảnh báo này sẽ giúp các đơn vị liên quan tham gia trong công tác quản trị rừng (bao gồm chủ rừng, người dân, cộng đồng và chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm, Sở NN&PTNT…) có được những thông tin cập nhật, giảm chi phí theo dõi nhưng lại đề ra hành động ứng phó kịp thời. Trong điều kiện địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện đường sá khó khăn, khó tiếp cận, cộng với lực lượng trực tiếp tham gia công tác quản trị rừng và ứng phó còn mỏng như ở huyện Di Linh thì Terra-i là công cụ hỗ trợ đắc lực.
TS. Louis Reymondin, đến từ chương trình Terra-i còn khẳng định thêm: Việc triển khai Terra-i ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng còn đem lại ý nghĩa như giám sát chặt chẽ các trang trại/diện tích trồng cà phê; giám sát việc thực hiện các dự án bảo tồn, thủy điện… Và Bản đồ rừng được xây dựng bởi hệ thống Terra-i cho chúng ta biết vị trí nào là rừng ở huyện Di Linh; theo đó, hệ thống sẽ tự động phát hiện những thay đổi ở khu vực được xác định là rừng… “Định dạng và cấu trúc của dữ liệu phải được xác định dựa trên nhu cầu của các bên liên quan. Hệ thống này rất linh hoạt, thông tin phản hồi thường xuyên từ các bên liên quan sẽ giúp cải thiện chất lượng của hệ thống tốt hơn. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành hiệu chỉnh và triển khai thí điểm với hệ thống dữ liệu Terra-i ở Di Linh”, TS Louis Reymondin cho biết.
Ông Lê Văn Trung cho biết thêm, hội thảo giới thiệu về Terra-i và dự án thí điểm tại Di Linh được tất cả các bên hết sức ủng hộ, cam kết áp dụng, cho phép thí điểm… “Các kết quả thí điểm bước đầu của dự án cho thấy tiềm năng nhân rộng để sử dụng Terra-i trên quy mô toàn tỉnh nhờ những ưu điểm của hệ thống phù hợp với điều kiện phương tiện vật chất và nhân lực của địa phương, hỗ trợ tốt cho công tác quản trị rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cho các bên có liên quan, đồng thời dễ sử dụng sau khi được tập huấn chi tiết. Tuy nhiên, cần phải có phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với các cán bộ phụ trách, đặc biệt khi tích hợp Terra-i vào hệ thống giám sát tài nguyên rừng hiện nay; đồng thời, các cán bộ phụ trách cần tăng cường liên hệ và phản hồi với nhóm chuyên gia Terra-i tại CIAT để hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn và cập nhật thông tin (nếu có)”.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà