Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà, địa danh thân thuộc với những người yêu thiên nhiên đa dạng, yêu những gốc thông, gốc tùng, những con chim và những bụi hoa quả kỳ lạ. Những người kiểm lâm đang ngày đêm đồng hành giữ màu xanh của rừng thẳm. Và, có một người phụ nữ, người đã gắn bó cả cuộc đời mình giữ rừng xanh như mái tóc người thương.
Chị Vũ Hạnh Dung |
Anh Tôn Thiện An – Chủ tịch Công đoàn cơ sở VQG Bidoup – Núi Bà bảo, chị Vũ Hạnh Dung là một nhân vật đặc biệt của chúng tôi. Nghề kiểm lâm vốn rất vất vả, anh em toàn gắn bó với rừng núi, với những con đèo thăm thẳm. Đường mòn, dốc đứng, mưa nguồn, những vất vả ấy là chuyện ngày thường. Vì vậy, kiểm lâm viên nữ trực tiếp làm việc tại hiện trường, tại các trạm là rất hiếm. Cả Hạt Kiểm lâm VQG Bidoup – Núi Bà có 50 người, trong đó chỉ có 2 kiểm lâm nữ làm việc trực tiếp tại trạm. Chị Vũ Hạnh Dung là một trong 2 người ấy.
Mang theo lời giới thiệu của anh An, chúng tôi gặp chị Vũ Hạnh Dung ngay giờ đầu làm việc buổi sáng. Tại trạm kiểm lâm Đưng Iar Giêng, chị Dung đang họp bà con, phân công công việc để bà con bắt đầu ngày tuần tra bảo vệ rừng. Người phụ nữ nhỏ nhắn, với mái tóc dài, rất nhanh nhẹn, dứt khoát, điểm danh và phân công công việc từng nhóm, hướng dẫn bà con cụ thể những hoạt động cần làm. Chị bảo, kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ là một chuyện, giữ rừng vẫn phải nhờ vào sức lực của cộng đồng. Trạm có 4 anh chị em, quản lý tới 14.700 ha rừng, làm sao đủ sức? Bởi vậy, rừng giữ được xanh nhờ hàng ngàn hộ nông dân nhận quản lý, bảo vệ rừng. Như trạm Đưng Iar Giêng, có 293 hộ nhận quản lý và ba đơn vị tập thể. Mọi thay đổi của rừng, mọi đốm lửa, từng cây ngã, các hộ dân cũng như các đơn vị nhận quản lý, bảo vệ đều nắm được bởi việc tuần tra, kiểm soát được diễn ra mỗi ngày. Đặc biệt, những ngày mùa khô, sát Tết Âm lịch, tuần tra giữ rừng càng phải tăng cường vì bước vào mùa cao điểm cháy rừng.
Chị Vũ Hạnh Dung vào nghề từ năm 2005. Từ đó đến nay, chị đã gắn bó với công tác kiểm lâm, với rừng, với những buổi sớm mai, những làn sương. Chị đã trải qua những công việc, từ làm tại Hạt kiểm lâm, làm Kiểm lâm trạm xã Lát, trạm Giang Ly, trạm Long Lanh. Và tới năm 2021, chị chuyển đến trạm Đưng Iar Giêng. Dù ở trạm, ở hạt, với vai trò một kiểm lâm viên, chị Dung yêu rừng, gắn bó với rừng. Chị bảo, tính cách chị hướng nội, chị cảm thấy thoải mái khi gần gũi với thiên nhiên, lắng nghe tiếng gió thổi trên ngọn thông, tiếng chim hót ríu rít. Mỗi lần vào rừng, chị thấy cuộc sống trôi qua êm ả, nhẹ nhàng. Bởi vậy, nhiều người nói nghề kiểm lâm vất vả. Nhưng với chị, nghề kiểm lâm cho chị tình yêu, cho chị được gần với rừng, với thiên nhiên. “Mình làm kiểm lâm từ lúc tóc còn xanh, nay đã có sợi ngả màu mà mình vẫn yêu rừng như lúc ban đầu” – người phụ nữ ở tuổi 47 tâm sự thật lòng.
Để làm tốt công việc của người kiểm lâm, chị Vũ Hạnh Dung chia sẻ, phải đoàn kết với anh em và phối hợp chặt chẽ, thân thiết với bà con. Chị bảo, trong công việc luôn phải đảm bảo tính nguyên tắc cũng như tính linh hoạt. Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được phân thành các tổ, chia ca, thường xuyên tuần tra trong rừng vào mỗi buổi sáng. Chị Dung lên kế hoạch tuần tra và giao cho từng tổ quản lý, bảo vệ rừng. Việc giám sát bà con tham gia tuần tra rất chặt chẽ, tuy nhiên, vẫn đảm bảo linh hoạt. Như bà con có việc, có thể linh động đổi sang buổi khác. Những dịp lễ, tết, ngày mùa thu rộ, con ốm mẹ đau, chị đều linh động xếp lịch cho thành viên tổ tuần tra được đổi lịch. Nhưng trong tháng, các thành viên phải có mặt đầy đủ. Sâu sát, nghiêm túc, linh hoạt, chị xây dựng được mối quan hệ giữa trạm kiểm lâm và cư dân rất chặt chẽ. Chị cũng bảo, giờ có vệ tinh theo dõi giám sát, có máy móc hỗ trợ, bà con tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cũng như anh chị em kiểm lâm bớt vất vả nhiều. Nhưng, rừng vẫn cần những đôi mắt dõi theo mỗi ngày, cùng tự nhiên giữ màu xanh thẳm.
Đặc biệt, với tư cách người nữ trạm trưởng, chuyện nghiêm túc nêu gương là điều chị Dung luôn nhắc nhở bản thân mình. Chị bảo, mình là người đứng đầu, cần giữ được thái độ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Hàng ngày, chị từ nhà ở xã Đạ Chais, chạy 27 km để vào trạm Đưng Iar Giêng. Cả đi cả về quãng đường 54 km không hề dễ dàng, nhất là trong mùa mưa lũ. Nhưng chị Dung không bao giờ tới trễ, luôn đảm bảo ca làm việc sẵn sàng vào buổi sáng sớm, đúng giờ quy định. “Công việc của mình cũng không khó khăn gì, cũng đơn giản như công việc của những anh chị em kiểm lâm khác” – chị Dung tâm sự rất thật lòng. Người phụ nữ đã cùng mái tóc xanh của mình gắn bó 20 năm với rừng Bidoup, nay chị vẫn mỗi ngày cùng bà con nông dân tuần tra giữ rừng. Chị bảo, rừng đẹp, đất Lâm Đồng rất đẹp, thanh xuân của mình đã gắn với rừng. Và, tình yêu với rừng trong người nữ cán bộ kiểm lâm luôn bỏng cháy, mong ước của chị mãi là giữ rừng xanh như tóc thời con gái yêu thương.
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà