Hiệu quả công tác QLBVR ở Bảo Thuận

Bảo Thuận là một trong 2 xã của tỉnh được chọn thí điểm mô hình của REDD+ từ năm 2010 và đến nay đã góp phần hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) của huyện Di Linh. Ðó là 10 tháng đầu năm 2018, huyện Di Linh không để xảy ra vụ cháy rừng nào; giảm 52% về vụ vi phạm pháp luật, 59,9% khối lượng lâm sản thiệt hại và 78,3% về diện tích phá rừng so cùng kỳ năm 2017. 
 
Các hộ dân xã Bảo Thuận nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: M.Đ
Các hộ dân xã Bảo Thuận nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: M.Đ
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo UBND huyện Di Linh cho biết, không vui sao được, xã Bảo Thuận vốn là một trong những điểm “nóng” của huyện vì có rừng giáp ranh cũng như các xã Tam Bố, Gia Bắc, Sơn Điền, Đinh Trang Thượng… Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nguyễn Đình Thắng cho biết cụ thể: Huyện luôn chỉ đạo, nhắc nhở và giám sát Ban kiểm lâm xã, nhất là các xã trọng điểm thường xuyên báo cáo định kỳ mỗi tháng 2 lần về huyện tình hình QLBVR để kịp thời chỉ đạo. Cùng đó, Đội 12/TTg huyện tăng cường hoạt động vào các giờ cao điểm trong ngày, kể cả các thời điểm ban đêm và những ngày nghỉ để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trên địa bàn huyện. 
 
Ngày 2/11, có mặt tại xã Bảo Thuận, tôi được biết, Phó Ban Kiểm lâm xã, Phó Công an xã K’Bròi đang dẫn đoàn đi kiểm tra rừng. Anh K’Bròi cho tôi biết chiều muộn mới về đến trụ sở, do đó, tiếp tôi là Phó Chủ tịch xã K’Broh. Theo số liệu K’Bròi cung cấp, xã Bảo Thuận có tổng diện tích tự nhiên hơn 23.141 ha, trong đó, đất lâm nghiệp là 19.517,3 ha (chiếm 84,3%). Địa bàn xã giáp ranh nhiều xã trong huyện như Đinh Lạc, Gia Hiệp, Gung Ré, Gia Bắc, Tam Bố và tỉnh Bình Thuận. Với 11 thôn, Bảo Thuận có 1.481 hộ dân với 7.763 nhân khẩu; trong đó, dân tộc thiểu số 1.355 hộ (6.470 khẩu, chiếm tỷ lệ đến 91,49%). Nền kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tỷ trọng 61%; trong đó, diện tích cà phê 1.764 ha, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt từ 2-2,5 tấn/ha; lúa nước 381 ha, năng suất bình quân 4-4,5 tấn/ha. Vì hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa được cao như mong đợi nên vào thời điểm cuối năm 2017, toàn xã còn 252 hộ nghèo, chiếm 17,02% và 84 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,98%. 
 
Với đặc điểm địa hình, dân số và tình hình phát triển kinh tế nêu trên, công tác QLBVR càng trở nên một nhiệm vụ hết sức được coi trọng. Với xã Bảo Thuận, thuận lợi là từ năm 2010, xã được chọn triển khai thí điểm Chương trình REDD+. Cụ thể ở Bảo Thuận đó là cộng đồng thôn KaLa TơngGu triển khai mô hình giao rừng cho cộng đồng theo Chương trình REDD+ giai đoạn I và II. Từ năm 2011, có 196 hộ của thôn KaLa TơngGu được UBND huyện Di Linh giao rừng thí điểm với diện tích là 500 ha rừng tự nhiên để QLBV. Được sự hỗ trợ của Chương trình UN-REDD, dự án RECOFTC và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhiều kết quả từ mô hình này đã được khẳng định, từ nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm về công tác QLBVR đến quyền lợi, chia sẻ lợi ích… Quan trọng hơn, chính từ mô hình này đã có tính lan tỏa sâu rộng về công tác QLBV&PTR trong toàn xã, từ đội ngũ trong hệ thống chính trị cơ sở đến mỗi người dân. Đó là những kinh nghiệm xây dựng quy ước BV&PTR và tổ chức, triển khai thực hiện; kỹ thuật trồng rừng; làm giàu từ rừng và đo đếm trữ lượng rừng… Vì vậy, tính đồng thuận về BV&PTR của toàn xã Bảo Thuận ngày càng được nâng cao với chiều hướng bền vững. 
 
Những thành quả quan trọng trên đã giúp xã Bảo Thuận làm tốt công tác QLBV&PTR trên địa bàn của mình. 10 tháng đầu năm 2018, toàn xã có 674 hộ nhận giao khoán QLBVR với tổng diện tích 15.977,74 ha. Trong đó, giao khoán thuộc ngân sách tỉnh (theo Nghị định 202) là gần 11.500 ha với 282 hộ và 4 tập thể, mức chi trả 450.000 đồng/ha/năm; nhận giao khoán, dịch vụ môi trường rừng gần 4.000 ha với 171 hộ, mức chi 450.000 đồng/ha/năm. Cùng đó là rừng cộng đồng thôn KaLa TơnGu có 297 ha với 221 hộ, mức chi trả 450.000 đồng/ha/năm.  
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận ông K’Brêl, trong 10 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn xã Bảo Thuận đã xảy ra 7 vụ vi phạm Luật BV&PTR. Trong đó, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép có 4 vụ, tang vật thu được là 1,383 m3 gỗ các loại, thuộc nhóm I đến nhóm VI. Xã đã tạm giữ 5 xe máy, 1 máy cày và chuyển qua Hạt Kiểm lâm huyện xử lý. Bên cạnh đó là 3 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích 1.589 m2; xã đã xử lý cả 3 vụ, phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 3.000.000 đồng. Đây là sự thể hiện quyết liệt, nghiêm túc trong phát hiện và xử lý kịp thời của Ban lâm nghiệp xã cần tiếp tục đúc kết kinh nghiệm và phát huy. Bởi như đã nêu, địa bàn xã Bảo Thuận nói riêng, huyện Di Linh nói chung luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp về tình hình xâm lấn tài nguyên rừng bởi tính chất địa hình và đặc điểm rừng hiện hữu. Vì vậy, đối với huyện, công tác phối hợp tuần tra, truy quét giữa lực lượng kiểm lâm, các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng cần tiếp tục tăng cường tổ chức thường xuyên và liên tục. Cùng đó, với xã Bảo Thuận, toàn hệ thống chính trị của xã, trong đó vai trò của Ban kiểm lâm xã càng được đề cao tính hiệu quả với công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Có vậy thì rừng của huyện Di Linh nói chung và xã Bảo Thuận mới khống chế dứt điểm đối với hiện tượng lén lút khai thác, vận chuyển gỗ của các đối tượng phá rừng trái phép luật và  đạt được mục tiêu đề ra là giảm 20% về số vụ vi phạm trên địa bàn huyện. 
 
MINH ÐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng