Hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Từ việc nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đa Quyn và Tà Năng (Đức Trọng) đã nâng cao thu nhập. Và, bằng cách này, diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Năng không những không bị mất đi mà ngày một tăng thêm.
 Anh Ya Bi chăm sóc rừng trồng của mình được giao. Ảnh: H.Y
Anh Ya Bi chăm sóc rừng trồng của mình được giao. Ảnh: H.Y
Trồng và chăm sóc rừng
Những năm gần đây, nhận thức của người dân Tà Năng và Đa Quyn về việc trồng và bảo vệ rừng đã được nâng lên. Họ ý thức được rằng kinh tế từ rừng sẽ ổn định lâu dài và đem lại hiệu quả cao nếu tích cực bỏ công chăm sóc. Hộ gia đình anh Nguyễn Hùng Anh (thôn Tà Nhiên, xã Tà Năng) đã nhận trồng và chăm sóc hơn 10 ha rừng. Cuộc sống gia đình anh Hùng Anh đã thực sự thay đổi khi có chính sách giao đất cho người dân trồng và chăm sóc rừng. Anh đã cùng các thành viên trong gia đình đồng thời thuê thêm người dân nhận khoán và tham gia trồng rừng.
Sau những tháng ngày nỗ lực lao động, gia đình anh đã có hơn 10 ha rừng thông ba lá xanh tốt. Anh Hùng Anh chia sẻ, gia đình anh nhận trồng rừng vì thấy đất trống đồi trọc còn nhiều. Với 10 ha rừng thông ba lá, năm đầu tiên trồng và chăm sóc gia đình anh Hùng Anh có thu nhập hơn 190 triệu đồng; đồng thời còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 10 lao động địa phương mới mức thu nhập 150 ngàn đồng/1 ngày công.
Anh Ya Bi (thôn Che Ré, xã Đa Quyn) mồ côi cha mẹ, một mình anh phải chăm sóc những đứa em. Từ khi có chủ trương trồng rừng, anh đăng ký ngay. Anh được giao khoán trồng với diện tích 5 ha, từ việc trồng rừng này, anh có nguồn thu nhập đáng kể để có thể cho những đứa em đi học, đồng thời trang trải cuộc sống. Anh Bi cho biết, với ý thức cao trong việc trồng rừng và chăm sóc rừng, anh đã đầu tư phân bón, công sức để cây phát triển, hiện diện tích rừng trồng mới đang được chăm sóc tốt. Nhờ chủ động trong khâu chăm sóc, nên đa phần diện tích rừng trồng mới đều phát triển tốt, tỷ lệ cây trồng sống đạt trên 90%.
Từ việc giao khoán trồng rừng cho người dân, tổng diện tích rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Năng được trồng mới trong 5 năm (2012-2016) là 782,30 ha. Từ những chính sách hỗ trợ về chi phí, tiền công mà những diện tích đất lấn chiếm, đất trống đồi trọc đã được phủ xanh. Nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Năng được nâng lên.
Ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Năng cho biết: “Đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 17.338 ha, gồm 20 tiểu khu thuộc địa bàn xã Tà Năng và xã Đa Quyn, trong đó, rừng sản xuất 8.675 ha, rừng phòng hộ 8.663 ha. Sau khi thực hiện đạt và vượt kế hoạch trồng rừng đề ra, chúng tôi đã chỉ đạo các trưởng thôn tuyên truyền đến nhân dân thông qua các buổi họp thôn, xóm về việc đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ rừng trồng; chú trọng công tác phòng chống cháy rừng, kiên quyết ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn”.
Nhìn chung trong giai đoạn 2012-2016, diện tích rừng trồng mới và chăm sóc hàng năm tại đơn vị rất lớn, một số nguồn thì định mức đầu tư rất thấp nhưng bằng sự nỗ lực đơn vị đã hoàn thành gần 100% kế hoạch được giao cả về chất lượng và diện tích rừng trồng.
Hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng
Tính đến thời điểm này, tổng số hộ tham gia nhận giao khoán, bảo vệ rừng trên địa bàn 2 xã Tà Năng và Đa Quyn khoảng 650 hộ, với trên 10.316,68 ha, thu nhập hàng năm là hơn 5 tỷ đồng. Thôn Klong Bong, xã Tà Năng được Ban Quản rừng Phòng hộ Tà Năng giao khoán bảo vệ 375,1ha rừng và được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Sau khi nhận được giao khoán rừng, thôn đã phối hợp với Ban Quản lý rừng giao nhận về ranh giới rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa, không có sự chồng chéo, trùng lặp. Thôn đã họp toàn thể cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng đến dân cư về chính sách chi trả DVMTR. Người dân trong thôn thống nhất lựa chọn, bình bầu 34 người của 34 hộ tham gia tổ bảo vệ rừng, có quy chế hoạt động rõ ràng.
Những chuyến đi tuần tra rừng hàng ngày đã trở nên quen thuộc với người dân Klong Bong. Nếu những năm trước đây, nhiều người dân tại địa phương xem chuyện đốn hạ vài ba cây gỗ vì nhu cầu sử dụng và lấy đất sản xuất là chuyện thường thì nay đã thay đổi. Bởi lẽ, hàng chục thành viên khi tham gia vào tổ bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ những khu rừng mình quản lý, không để xảy ra tình trạng người dân phá rừng làm rẫy. Từ khi thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đời sống bà con trong thôn đã được cải thiện nên rất phấn khởi, tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đăng Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn cho biết: “Thực tế cho thấy, ở đâu người dân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng thì ở đó rừng được bảo vệ tốt hơn. Thay vì chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép thì người dân sẽ có nguồn thu từ chính sách kể trên. Chính sách cũng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của Đa Quyn và Tà Năng”.
Có thể nói, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, từng bước ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nguồn: Báo Lâm Đồng