Từ “lãnh địa ma” qua miền tiên cảnh:
Ngày 3: Gặp lại “Đà Lạt xưa”
Sau bữa ăn sáng, chúng tôi vượt qua 3 quả đồi dày đặc cây rừng, thì nhận thấy sự thay đổi rất lớn, từ rừng thường xanh á nhiệt đới sang kiểu rừng lá kim chủ yếu là thông 3 lá hỗn giao với rừng á nhiệt đới.
Từ khác biệt này, tầm nhìn và cảm xúc xủa chúng tôi cũng khác. Nếu 2 ngày đầu chúng tôi chỉ một lần duy nhất thấy cảnh vật trãi rộng thì 10 giờ sáng đến cuối ngày thứ 3, chúng tôi thường xuyên thấy những rặng núi cao xen với những đồi núi thấp, những mảng rừng dày đặc cây tạp xen với những mãng rừng thông cổ thụ xen những trảng cỏ tranh như những tấm thảm xanh khổng lồ phủ xuống sườn núi hoặc thung lũng.
3 thực thể chủ đạo này nối tiếp nhau trãi rộng bao la, trùng điệp bốn phía. Không gian như tiên cảnh rộng lớn khiến nhiều người trầm trồ: Nơi đây là Đà Lạt 2. Có người nói: “Chắc cách đây hơn 100 năm, Đà Lạt đẹp đến thế là cùng”.
Một góc “Đà Lạt” ở rừng Phước Bình |
Cũng từ đó, con đường mòn cũng có sự thay đổi nhiều. Vẫn lên – xuống dốc thường xuyên, nhưng nhiều đoạn vắt qua đỉnh núi rất hẹp, hai bên là vực sâu hun hút nên tôi có cảm giác đi trên một con dao khổng lồ. “Đó là những sóng núi kiểu bờm ngựa” anh Vinh giải thích.
Đường liên tục lên xuống những đồi thông có độ dốc lớn đã khiến cho 5 người đau gối nên bước đi khổ nhọc. Sự việc này cũng cảnh báo rằng nếu ai tham gia tour này phải chuẩn bị rèn luyện đôi chân thật dảo dai.
15 giờ. Chúng tôi gặp một tảng đá chỉ bằng chiếc xe hơi 4 chỗ, không có vẻ khác thường, nhưng những người dẫn đường cho rằng đó là tảng đá thần rất linh thiêng.
“Ngày xưa, dân làng sống trong rừng núi Phước Bình, thường đến tảng đá này cầu nguyện cho sức khỏe, mùa màng tốt tươi và săn bắt nhiều thú rừng”, theo một người dẫn đường. Nói rồi anh ta khuyên mọi người nên cầu nguyện, bằng cách ngắt một nhánh hoa hoặc cành cây cắm lên tảng đá rồi đọc thầm những điều ước.
Cầu nguyện xong, chúng tôi xuống triền núi rất dốc và dài “khủng”- khoảng 2km. Cuối dốc là nơi hợp lưu của 2 dòng suối Đạ Mây và Đạ Đen, bên cạnh có khu đất rộng và rất bằng phẳng nên chúng tôi quyết định hạ trại.
“Độ cao ở đây chỉ 541m thôi, nên chúng ta để ý sẽ thấy có sự thay đổi lớn lần nữa do kiểu rừng ở đây là rừng tre xen cây bụi chứ không phải rừng cây lá kim hỗn giao với cây lá rộng á nhiệt đới ở trên đỉnh dốc”, anh Nguyễn Anh Tuấn- Phó Phòng Khoa học kỹ thuật Vườn quốc gia Phước Bình giải thích
Ngày 4: Ngắm hầm xe lửa thời tiền sử và bò tót hung tợn
Ngắm bò tót thoả thích |
6h30. Khi chúng tôi đang uống cà phê trong không gian trong trẻo, khác xa với hai buổi sáng trước dày đặc sương, một người “thổ địa” cho rằng nếu đến rừng Phước Bình mà không đến “hầm xe lửa” thì xem như chưa đến.
Nghe vậy anh Vinh phân công 7 người cõng hàng ở lại để nấu cơm trưa, còn những người còn lại đi đến một nơi gọi là ‘hầm xe lửa”. Sở dĩ có sự “chia rẽ” này vì “hầm xe lửa” không nằm cùng hướng đường về.
Đoàn người người háo hức nối gót trên đường mòn uốn lượn theo bờ tả ngạn dòng Đạ Mây, tiến về phía thượng nguồn. Đi được 1,5km đường mòn giữa rừng tre và cây bụi thì nghe tiếng thác nước đổ vang rừng. Một lát sau chúng tôi tiếp cận “hầm xe lửa” trông giống như một đoạn kênh toàn đá dài khoảng 100m, rộng 5m, sâu khoảng 7m; có 2 dòng nước như 2 dòng thác nhỏ ngăn cách nhau bởi mô đá đổ từ đầu “đoạn kênh” phía thượng nguồn xuống đáy.
Chuyên gia địa mạo Trương Hoàng Phương cho rằng: “Dòng Đạ Mây chảy từ thượng nguồn đến chỗ này gặp địa hình đứt gãy mạnh tạo thành độ dốc lớn. Theo đó dòng nước từ trên cao đổ xuống đúng vào một khe nứt của một tảng đá lớn đã hình thành cách đây 150 triệu năm. Trải qua hàng ngàn năm, nước đã bào mòn vết nứt thành hình hài thế này. Theo ngôn ngữ khoa học, đây là sự xâm thực giật lùi của dòng nước vào khe nứt của tảng đá. Đây là hiện tượng rất kỳ thú của thiên nhiên”.
Rừng Bidoup bí ẩn trong mây |
“Tọa độ chỗ này là N 12 05 916- E 108 44 840, nằm ở độ cao 541m, mọi người ghi nhớ để sau này có thể trở lại chiêm ngưỡng lần nữa”, anh Tuấn thông báo.
Vẻ khác thường của “hầm xe lửa” khiến đoàn người tiêu tốn hơn một giờ để khám phá rồi mới trở lại chỗ nghỉ đêm để ăn trưa rồi lại tiếp tục băng suối, “cắt” qua kiểu rừng tre và cây bụi. Càng đi đường mòn “mòn” hơn, chứng tỏ có người thường xuyên qua lại.
Đi được vài km thì nhìn thấy ngôi nhà đầu tiên. Đi một đoạn nữa thấy một bản làng chỉ có 10 ngôi nhà sàn thô sơ trên lưng chừng đồi hoang dã. Gần đó có 3 phụ nữ thu hoạch lúa theo cách “hái lượm”: dùng tay tuốt từng bông lúa rồi cho vào gùi đeo sau lưng.
15h30, chúng tôi đến làng dân tộc Bố Lang. Tại làng này, chúng tôi thuê hon da để đi thêm 10km đường rất gồ ghề và băng qua con suối và một đoạn đường nhựa nhỏ dẫn đến thôn Bạc Rây 2. Chỉ cần qua một cây cầu treo bắc qua con sông rộng 100m, chúng tôi đã thấy một con bò tót đen thui, to lớn nổi bật trong khoảng 50 con bò nhà đang ung dung gặm cỏ.
“Xung quanh nó hầu hết là bò cái. Không có con bò đực nào dám đứng cách nó 10m. Nó như một ông vua sống giữa nhiều cung tầng mỹ nữ”, anh Chung – nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình khôi hài rồi cho biết thêm: “Đây là con bò tót nặng khoảng gần 1 tấn, đã được nhiều báo chí đăng tải nhiều vào cuối năm ngoái, nhưng thực ra nó xuống đây đã 2 năm rồi. Những ngày đầu mới đến nó húc chết một con bò đực nhà, nhưng rất thích âu yếm bò cái và bê con. Cũng vì ham “cái” nó húc trọng thương 3 người và phá nát hàng chục ha bắp; đôi khi nó vượt qua sông tiến vào làng để tìm bò cái”.
Khi chúng tôi cách nó 20m, nó ngẩng đầu lên, nhìn chằm chằm. “Nó đang cảnh giác”, anh Chung cho biết. Nhưng khi chúng tôi tiến thêm vài bước nữa, con vật lắc đầu liên tục vừa phì hơi nghe rất mạnh.
“Nó đang cảnh báo chúng ta”, anh Chung nhắc nhở. Chúng tôi giương máy ảnh, nó dùng chân trước bới đất văng tung tóe, rồi cúi gằm đầu húc vào đất. “Nó tăng mức giận dữ rồi đó”, anh Chung nói lớn. Chúng tôi đành rút lui….
Vườn quốc gia Phước Bình nằm ở cuối dãy Trường Sơn Nam, phần lớn diện tích thuộc xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; có diện tích 19.814 ha, tọa từ 11058’32’’ đến 12010’00’’ vĩ độ bắc và từ 108041’00’’ đến 108049’05 kinh độ Đông; độ cao trung bình 1.500-1.800m; khí hậu nằm trong vùng chuyển tiếp giữa khô- nóng và á nhiệt đới, biến động rất lớn về nhiệt độ và lượng mưa nên có đến 6 kiểu rừng chính và 8 kiểu rừng phụ; hệ thực vật có 1.225 loài, trong đó 75 loài quí hiếm bị đe dọa tiệt chủng ở cấp quốc gia và toàn cầu; hệ động vật có 327 loài, trong đó có 50 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 29 loài được ghi trong sách đỏ thế giới.
|
Đăng Khoa
Theo: VietNamNet
Tin liên quan
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).