LTS: Năm 2015, Lâm Đồng dẫn đầu cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên và được Chính phủ tặng Cờ thi đua trong phong trào thi đua yêu nước. Nhân Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh diễn ra vào ngày 31/3, Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả những điển hình tiên tiến được tuyên dương.
Sự hiện diện của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang bên cạnh thành phố Đà Lạt tạo nên một điểm nhấn độc đáo về du lịch kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học.
Để trở thành Khu dự trữ sinh quyển cấp thế giới
Đó là một hành trình dài, công phu mà Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới thực hiện được.
Với rất nhiều người yêu Đà Lạt, dãy Lang Biang ở phía bắc là một biểu tượng gắn với thành phố và cả vùng đất cao nguyên tươi đẹp này. Nằm ở phía bắc thành phố, dưới chân núi là cộng đồng thiểu số người Lạch, Lang Biang là tên của 2 đỉnh núi, lấy tên của chàng trai và cô gái từ một câu chuyện tình huyền thoại của cư dân bản địa nơi đây. Nhưng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang rộng hơn rất nhiều.
Bao phủ một vùng đất lớn với tâm điểm là Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang có tổng diện tích lên đến 275.439ha. Nơi đây như các ngành chức năng đánh giá, hiện vẫn còn lưu giữ được những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên hòa quyện với những nét văn hóa đặc sắc của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vốn đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2008.
Hành trình xây dựng thành Khu sinh quyển thế giới được bắt đầu từ 2013, khi Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đặt bút ký vào biên bản hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhằm xây dựng hồ sơ trình quốc tế công nhận. Biên bản ghi nhớ này đã tạo tiền đề để 2 đơn vị cùng tiến hành thu thập số liệu và xây dựng hồ sơ.
Trong quá trình xây dựng hồ sơ, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ cấp tỉnh được thành lập, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm trưởng ban nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình.
Trong thời gian này, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt Nam để thu thập số liệu các chuyên đề phục vụ cho hồ sơ. Sau mỗi giai đoạn xây dựng hồ sơ, Vườn tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước như Đại học Đà Lạt, Viện Sinh thái học miền Nam, Đại học Columbia (Hoa Kỳ), Tổ chức JICA (Nhật Bản), Tổ chức WWF…
Để hoàn tất hồ sơ giai đoạn cuối, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà nhận được sự giúp đỡ không nhỏ của Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB). Ủy ban này đã giúp chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ trước khi được phê duyệt, đệ trình lên MAB châu Á – Thái Bình Dương trong tháng 10/2014. Tiến trình hồ sơ cho đến lúc đó đều thuận lợi.
Tin vui đã đến với Lâm Đồng trong tháng 6/2015. Tại kỳ họp lần thứ 27, Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO đã công nhận Lang Biang chính thức trở thành Khu dự trữ sinh quyển cấp thế giới.
Cần nói rằng đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 tại Việt Nam được UNESCO công nhận nhưng lại là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Cuối năm 2015, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang đã chính thức ra mắt trong lễ khai mạc đầy long trọng của Lễ hội Hoa Đà Lạt lần thứ VI – 2015.
Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp du lịch
Theo ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, sự hiện diện của Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang cận kề thành phố hoa Đà Lạt mang một ý nghĩa vô cùng lớn. Không chỉ có vai trò quan trọng với thành phố hoa Đà Lạt – Lâm Đồng, với khu vực Tây Nguyên và cả với Việt Nam, đây sẽ là một mô hình tốt trong bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với du lịch, góp phần tích cực cho du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng phát triển, “Là một cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững của Lâm Đồng và cả vùng Tây Nguyên theo phương châm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” – ông Hương cho biết.
Với hệ sinh thái và động thực vật đa dạng và phong phú,Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cùng Khu dự trữ sinh quyển đã và đang là một điểm đến độc đáo, một trải nghiệm tuyệt vời cho du khách lẫn cho các nhà nghiên cứu khoa học khi đến thành phố này. Theo ông Hương, sự hiện diện của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang góp phần không nhỏ đưa Đà Lạt thành một trung tâm du lịch, giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam cũng như một trung tâm nghiên cứu quốc tế cho rừng nhiệt đới.
Sự hiện diện của Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Đà Lạt còn mang biểu trưng lớn, thúc đẩy thành phố hướng đến phát triển bền vững thông qua việc sử dụng các giá trị tổng hợp dịch vụ hệ sinh thái, trong đó chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ; thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào sản xuất và xuất khẩu rau, hoa cùng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Trước mắt, Vườn đang tập trung chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong vùng về vai trò và ý nghĩa của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chú ý đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho du lịch. Vườn cũng đang tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh Lâm Đồng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Vườn và Khu dự trữ sinh quyển trong du lịch sinh thái.
“Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận chính là kết quả của việc quan tâm ủng hộ của UBND tỉnh Lâm Đồng, sự tham gia đóng góp tích cực của các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, Khu dự trữ sinh quyển sẽ là cơ sở để gắn liền công tác bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển bền vững kinh tế của địa phương” – ông Hương nhấn mạnh.
GIA KHÁNH
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà