Khu dữ trữ sinh quyển thế giới LangBiang, khu dữ trữ sinh quyễn đầu tiên tại Tây Nguyên – Trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam

TS. Phạm S; Th.S Lê Văn Hương

Tại cuộc họp thường niên lần thứ 27 của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (ICC-MAB/UNESCO) từ ngày 5/6/2015 đến ngày 15/6/2015 ở Paris, Cộng Hòa Pháp, Khu dự trữ sinh quyển(KDTSQ) Langbiang do UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban quốc gia con người và sinh quyển Việt Nam(MAB Việt Nam) đề xuất đã được công nhận là KDTSQ thế giới thứ 9 của Việt Nam. Như vậy cho đến tháng 6 năm 2015, trên thế giới đã có một hệ thống 651 KDTSQ thuộc 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

KDTSQ thế giới Langbiang cũng là KDTSQ đầu tiên tại vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ và giàu có về đa dạng sinh học vào bậc nhất của nước ta hiện nay. KDTSQ thế giới Langbiang có diện tích 275.439 ha, trong đó: vùng lõi  34.943 ha, vùng đệm 72.232 ha và vùng chuyển tiếp 168.264 ha nằm trên địa bàn hành chính của Huyện Lạc Dương, TP Đà Lạt, một phần của các huyện Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà và huyện Đơn Dương.

Tổ chức Con người và sinh quyển thế giới(MAB) xác định một KDTSQ thế giới có 3 phân khu gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp tương đương với ba chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển. Các chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển không tồn tại độc lập trong một KDTSQ mà có quan hệ tác động qua lại trong một vùng cảnh quan rộng lớn hơn đại diện cho một vùng địa lý sinh vật tiêu biểu mang tính toàn cầu.

Vùng lõi của KDTSQ thế giới Langbiang cũng là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia(VQG) Bidoup – Núi Bà thành lập theo Quyết số 1240/QĐ-TTg ngày 19/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Ở vùng lõi của khu DTSQ thế giới Langbiang, các hoạt động đều hướng tới ưu tiên cho bảo tồn đã và đang được thực hiện nhằm bảo tồn nguyên vị ở cấp độ hệ sinh thái, bảo tồn loài và nguồn gen đặc hữu quý hiếm với sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án của VQG Bidoup – Núi Bà.

Vùng đệm của KDTSQ bao gồm các vùng kế cận với vùng lõi, đóng góp vào các hoạt động bảo tồn ở vùng lõi. Diện tích vùng đệm bao gồm phần còn lại của VQG Bidoup – Núi Bà, các khu rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Rừng phòng hộ đầu nguồn Serepok, rừng phòng hộ cảnh quan Lâm Viên…vùng đệm có vai trò hỗ trợ cho bảo tồn ở vùng lõi, đồng thời phát triển các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường. Vùng đệm còn là nơi sinh sống của người K’Ho, cư dân bản địa lâu đời với những nét văn hóa đặc trưng trong đó có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Các bản sắc văn hóa bản địa đang được bảo tồn và phát triển.

Vùng chuyển tiếp của KDTSQ thế giới Langbiang bao gồm diện tích còn lại của VQG Bidoup – Núi Bà, phần diện tích nằm trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận tiếp giáp với vùng đệm của KDTSQ. Vùng này là trung tâm phát triển kinh tế của KDTSQ thế giới Langbiang.  Với định hướng tăng trưởng xanh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh đã chứng minh trong hồ sơ đệ trình UNESCO về các nỗ lực của chính quyền địa phương và Chính phủ Việt Nam thông qua các hoạt động đã và đang thực hiện. Một ví dụ cụ thể minh chứng cho chính sách phát triển bền vững của khu vực này là quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định nêu trên, phạm vi điều chỉnh quy hoạch bao gồm TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với diện tích 335.930 ha bao gồm cả VQG Bidoup – Núi Bà. Đồ án quy hoạch cũng đã nêu rõ tính chất của Tp Đà lạt và vùng phụ cận là Trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục-đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia…Như vậy các hoạt động kinh tế trong phân khu chuyển tiếp của KDTSQ thế giới Langbiang vẫn phát triển bình thường nhưng ngoài mục tiêu kinh tế vẫn tính đến mục tiêu bảo tồn. Trong đó du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tổng hợp hệ sinh thái sẽ mang lạị hiệu quả kinh tế để nâng cao đời sống của người dân. Các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa, đặc biệt là cồng chiên Tây Nguyên, cũng được thúc đẩy và nối kết với các hoạt động du lịch tại vùng đệm, vùng lõi.

Việc xác định Khu vực Langbiang  và vùng phụ cận có phải là một vùng địa lý sinh vật tiêu biểu toàn cầu hay không là rất quan trọng và gần như là điều kiện bắt buộc để Chương trình con người và sinh quyển thế giới thuộc tổ chức UNESCO công nhận là KDTSQ thế giới. Trong quá trình xây dựng hồ sơ chúng tôi đã tham khảo hệ thống phân loại Udvardy (http://www.unep-wcmc.org/udvardys-biogeographical-provinces-1975_745.html)] và đưa ra các luận cứ khoa học để minh chứng cho KDTSQ thế giới Langbiang.

Khu vực này nằm trong khu vực địa lí sinh vật Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương. Khu hệ thực vật rừng của khu vực đề cử mang đặc điểm của cả 4 luồng thực vật di cư của khu hệ thực vật châu Á như: Từ phía Nam lên là luồng thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Malaixia – Indonexia với đặc trưng là sự xuất hiện của cây họ Dầu (Dipterocarpaceae). Từ phía Tây và Tây – Nam sang là luồng thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Ấn Độ – Miến Điện với các họ thực vật đặc trưng: Họ Tử vi (Lythraceae), họ Bàng (Combretaceae), họ Tung (Datiscaceae), họ Gòn (Bombaceae), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)… Những họ này có các loài cây rụng lá trong mùa khô, hình thành các kiểu rừng kín nửa rụng lá. Từ phía Tây Bắc xuống là luồng thực vật á nhiệt đới và ôn đới của khu hệ thực vật Himalaya – Vân Nam – Quý Châu (Trung Quốc) với các họ đặc trưng như: Họ Re (Lauraceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Kim giao (Podocarpaceae), họ Gấm (Gnetaceae), họ Chè (Theraceae), họ Tích tụ (Aceraceae), họ Đỗ quyên (Ericaceae)…Hệ thực vật Bắc Việt Nam – Nam Trung Quốc  xuống với các họ đặc trưng: Họ Đậu (Fabaceae), họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiacea), họ Thị (Ebenaceae), họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Cà phê (Rubiaceae), họ Xoài (Anacardiaceae)…

Cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của VQG Bidoup núi Bà cũng là nguồn tư liệu chính để minh chứng cho khu địa lí sinh vật tiêu biểu của khu DTSQ  Langbiang. Nằm ở trung tâm cao nguyên Langbiang, VQG Bidoup – Núi Bà là khu rừng chứa đựng giá trị cao về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học, với nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng á nhiệt đới với các kiểu rừng: Kiểu phụ rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới; Kiểu phụ rừng rêu; rừng lùn đỉnh núi; Kiểu rừng thưa cây lá kim (Thông 3 lá) hơi khô á nhiệt đới núi thấp; Kiểu rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre với lá rộng; Kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi vừa. Ngoài ra, VQG Bidoup-Núi Bà còn là nơi xuất phát của hai dòng sông lớn của Việt Nam đó là Sông Đồng Nai và Sông Serepok. VQG Bidoup-Núi Bà là một mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới của Việt Nam và cũng là kiểu rừng đặc trưng cho vùng cao nguyên.  VQG Bidoup-Núi Bà có diện tích 70.038 ha, gắn liền với VQG Chư Yang Sin, VQG Phước Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và các khu vực kế cận hình thành nên một vùng cảnh quan rừng nguyên sinh rộng lớn nhất nước ta hiện nay. VQG Bidoup-Núi Bà được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong 4 trung tâm bảo đa dạng sinh học của Việt Nam (Khu vực núi cao Hoàng Liên Sơn, Cao nguyên Langbiang, khu rừng mưa Bắc Trung bộ và Cao nguyên Ngọc Linh). Theo đánh giá của Tổ chức chim quốc tế (BirdLife International), VQG Bidoup-Núi Bà là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Bidoup – Núi Bà cũng được đánh giá là vùng địa lý sinh học của các loài cây hạt trần của Việt Nam. Đến cuối năm 2014, VQG Bidoup Núi Bà đã xây dựng được danh lục thực vật của 1.946 loài thuộc 5 ngành, trong đó xác định được 88 loài cần ưu tiên bảo vệ trong sách đỏ Việt Nam năm 2000. Về đa dạng động vật, các nhà khoa học đã ghi nhận Bidoup- Núi Bà có 70 loài thú, 301 loài chim, 91 loài bò sát, 78 loài lưỡng cư, 22 loài cá, 525 loài côn trùng, 102 loài động vật đất, 65 loài nấm cộng sinh và 102 loài vi nấm đã được thống kê mô tả.

Bằng các luận cứ khoa học và các giá trị cốt lõi đáp ứng được các tiêu chí của một khu dự trữ sinh quyển, khu vực Langbiang và vùng phụ cận của tỉnh Lâm Đồng đã được tổ chức UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.  Việc công nhận khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức, đây là tiền đề quan trọng góp phần cho phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai với phương châm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”.  Do đó trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng cần có giải pháp đồng bộ làm sao để nâng cao nhận thức cộng đồng cư dân bản địa và du khách về giá trị tổng hợp, cùng gắn bó, cùng họp tác chia sẻ lợi ích một cách bền vững mang tính toàn cầu; hướng đến bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đặc biệt đầu tư nghiên cứu khoa học khám phá phát hiện mới có tầm quốc gia, quốc tế; phát triển họp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch để bạn bè quốc tế biết đến hình ảnh Lâm Đồng cũng như Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

  1. Dãy Trường Sơn http://vi.wikipedia.org/wiki/
  2. Đề tài TN3/X12 “Vấn đề quản lý và sử dụng đất đai ở Tây Nguyên” tháng 11/2013
  3. Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, năm 2014;
  4. Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, 2014.
  5. Quyết định 3135QĐ-BNN-TCLN ngày 06/8/2015 về công bố số liệu hiện trạng rừng toàn quốc năm 2014;

 

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp tại trụ sở UNESCO, Paris, Cộng Hoà Pháp