Trong một chuyến đi dã ngoại – thực tế sáng tác về rừng và bảo vệ môi trường rừng, chúng tôi may mắn được tiếp cận và hòa mình vào một tour du lịch rừng tuyệt vời – khám phá rừng Vườn Bidoup – Núi Bà.
…Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là một Vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam; nằm giữa trung tâm cao nguyên Lang Biang, cách thành phố Đà Lạt khoảng 30km và thành phố Nha Trang khoảng 80km theo tỉnh lộ 723 Nha Trang – Đà Lạt. Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đặc biệt chứa đựng những giá trị nguyên sơ, kỳ thú và hấp dẫn cho những du khách muốn trải nghiệm và khám phá những bí ẩn của tự nhiên. Vườn quốc gia này có những quần thể cây gỗ đại thụ, quý hiếm duy nhất có trên thế giới. Những cây cổ thụ có nguồn gốc từ thời tiền sử hàng ngàn năm tuổi, những cánh rừng bạt ngàn được trang điểm bằng màu sắc của đủ loại lan rừng, những âm thanh bất tận của muôn thú ở rừng mưa nhiệt đới và tình cảm gắn bó chân tình của cộng đồng dân tộc bản địa với núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Du lịch cộng đồng gắn với rừng Bidoup – Núi Bà nhằm khám phá và bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng đặc hữu quý hiếm. Góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt nói riêng và Nam Tây Nguyên nói chung. Tạo nhận thức cho mỗi công dân tích cực bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến thức đô thị của thành phố Đà Lạt; bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới. Phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và Tây Nguyên.
Đêm ở Bidoup như dài hơn, mặt trời mới chìm xuống ngang ngọn cây thì màn đêm đã bao trùm núi rừng, đại ngàn được phủ trong sương mù mơ hồ, cảnh vật nên thơ… Khi bình minh ló dạng phía chân trời là rộn vang tiếng chim kêu, vượn hót. Đặc biệt nhất là giọng hót líu lo của sẻ thông họng vàng; là loài chim đặc hữu của Bidoup và chỉ có ở Việt Nam. Một loài chim quý hiếm không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có giá trị thẩm mỹ. Thiên nhiên vô cùng kỳ diệu và thiên nhiên luôn bí ẩn với những quyền lực, sức mạnh được thần thánh hóa. Phong tục của người Lạch, người Cil, Mạ… người dân nơi đây thần thánh hóa cây rừng, như một sự tôn vinh sản vật vô giá của đại ngàn mà thiên nhiên ưu đãi.
Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là một trong 28 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các rừng đặc dụng Việt Nam. Vườn có tài nguyên sinh học đa dạng phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với nhiều thác nước hùng vĩ tạo điều kiện tốt cho du lịch sinh thái. Chủ yếu là rừng nguyên sinh với rất nhiều loài động, thực vật khác nhau như: Thông đỏ, bách xanh, pơ mu… cu li nhỏ, voọc vá chân đen, vượn đen má hung, gấu chó, gấu ngựa, voi, sói lửa… Ngoài ra Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là một trong bốn Trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, là mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia. Nơi đây được đánh giá là một trong 221 khu sinh quyển chim thế giới và còn được xem là vương quốc của các loài lan rừng Việt Nam.
Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà được thành lập là một loại hình du lịch đặc biệt, thích hợp cho sự năng động tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên của người yêu thích rừng và giới trẻ. Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã tổ chức nhiều tour du lịch sinh thái dã ngoại cho học sinh, sinh viên… Các em dựng lều trại sinh hoạt và rèn luyện những kỹ năng. Các em tham quan dã ngoại có tổ chức để tìm hiểu các loại lan rừng, thông hai lá dẹt, pơ mu, nấm và các loài động, thực vật quý hiếm. Các em còn tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc bản địa qua những phong tục tập quán và các hiện vật trưng bày của họ. Thời gian qua Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà chào đón hàng ngàn bước chân du khách về với thiên nhiên. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu khảo sát và bước đầu thực hiện đề án chuyển đổi rừng đặc dụng sang rừng cảnh quan đô thị; phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái – kết hợp nghiên cứu khoa học.
Tuyến du lịch sinh thái thác nước Thiên Thai có nhiều tầng gắn với phong cảnh rừng tự nhiên, thác nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Dòng nước mát lạnh từ đầu nguồn đem lại sự sống cho muôn loài nơi đây và là nguồn nước tưới tiêu quan trọng cho việc phát triển lâm nghiệp của Vườn quốc gia. Chinh phục đỉnh Lang Biang và đỉnh Bidoup nhằm mục đích bảo tồn, lưu giữ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và phát huy di sản văn hóa vật thể (các lâm sản). Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường được xây dựng giữa rừng thông xanh bạt ngàn, có những hướng dẫn viên nhiệt tình và hiểu biết, sẵn sàng giới thiệu với du khách về thế giới động thực vật và những điều kỳ thú của thiên nhiên. Chinh phục Bidoup, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy: Thông hai lá dẹt, thông năm lá, cây pơ mu trên 1.300 năm tuổi được các nhà khoa học Đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là di sản thiên nhiên, có giá trị cao về khoa học. Chu vi của cây pơ mu khoảng 13,5m, cao hơn 40m. Cây pơ mu thuộc họ hoàng đàn (Cupressaceae), xuất hiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nhưng rừng Bidoup – Núi Bà có nhiều cây cổ thụ. Ngoài ra còn có các loài hoa lan và chim rừng, những thân cây và mỏm đá phủ đầy rêu phong theo năm tháng. Đến với du lịch Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy các loài thực vật khá đặc trưng, nhiều màu sắc như: Đỗ quyên Lang Biang trắng, tím, cam… Trong Vườn quốc gia còn có loài Dạ hợp Bidoup (Magnolia bidoupensis Q.N.Vu) mọc hỗn giao với một số loài cây khác trên núi Hòn Giao do tiến sĩ Vũ Quang Nam tìm ra. Loài Đa tử trà Hương (Polyspora huonggiana) do nhà nghiên cứu Lâm nghiệp Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà phát hiện… Đây là nơi khởi thủy đầu nguồn của các con sông chảy qua khu vực Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ. Đó là sông Đồng Nai khởi nguồn từ Đạ Đờng; sông K’rông Nô, K’rông Ana, Sê rê pốk…
Các tuyến đường mới được xây dựng để đến với Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Vườn quốc gia và các xã lân cận đã có điện lưới quốc gia và hệ thống nước sạch cũng đã được đưa về theo chương trình nước sạch nông thôn của Chính phủ. Các dân tộc sinh sống ở khu vực Vườn quốc gia còn giữ được nhiều nét hoang sơ nguyên thủy. Nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho góp phần nâng cao thu nhập gia đình và bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Các lễ hội, các làn điệu ca hát truyền thống như hát yal yau, tâm pơt… đi cùng các nhạc cụ dân gian tiêu biểu như đàn đá, cồng chiêng, trống, khèn bầu, đàn môi dưới ánh lửa bập bùng và ché rượu cần tạo nên nét đẹp văn hóa của đồng bào K’Ho.
Đến với khu nghỉ dưỡng Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, du khách như cảm nhận được một thiên đường nghỉ dưỡng, vì đây là một không gian thật sự yên tĩnh và trong lành, được nghỉ ngơi trong không gian xanh của rừng núi và đồi thông tuyệt đẹp.
KIM CHUNG
Tin liên quan
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho