Năm 2017, vi phạm Luật BV&PTR rừng giảm

(LĐ online) – Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cũng như lãnh đạo các sở, ngành liên quan tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra ngày 10/1 do Ban Chỉ đạo Kế hoạch BV&PTR tỉnh tổ chức. Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết: So với cùng kỳ năm 2016, năm 2017 có số vụ vi phạm giảm 436 vụ (30%); diện tích thiệt hại do phá rừng giảm hơn 35,5 ha (28%), lâm sản thiệt hại giảm gần 1.357,5 m3 (26%); cháy rừng giảm cả về số vụ và diện tích rừng bị cháy (giảm 26 vụ, tương đương 76% và hơn 92,7ha, tương đương 78%). 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh đến 5 mục tiêu, 6 điểm mới trong công tác QLBV&PTR năm 2018
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh đến 5 mục tiêu, 6 điểm mới trong công tác QLBV&PTR năm 2018
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại và hạn chế như: tình hình vi phạm pháp luật về QLBVR còn diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát;  có những vụ vi phạm nổi cộm gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng diễn ra tại các địa bàn như Đạ Tẻh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Di Linh, Đà Lạt… Việc vi phạm xảy ra tại các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao nhưng chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời… (UBND tỉnh đã có quyết thu hồi toàn bộ 13 dự án; thu hồi một phần 02 dự án và đang tiếp tục xem xét, xử lý thu hồi các dự án khác). Bên cạnh đó, một số cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng chưa thật quyết liệt hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác QLLBVR; chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước…
 
Kết luận Hội nghị, ông Phạm S đặc biệt ghi nhận những thành tích công tác QLBV&PTR đã đạt được trong năm 2017, đồng thời nhấn mạnh đến 5 mục tiêu cơ bản của năm 2018. Đó là: Đảm bảo đạt độ che phủ rừng với tỷ lệ 54%; giảm cả 03 tiêu chí, trong đó giảm 20% số vụ vi phạm, 30% diện tích thiệt hại do phá rừng so với năm 2017; không để lợi dụng chính sách giao (thuê) rừng dẫn đến vi phạm; không để xảy ra điểm nóng vi phạm cũng như không để chậm xử lý hồ sơ vi phạm Luật BV&PTR như những năm trước. Cùng đó, những nhiệm vụ cụ thể kèm theo những giải pháp quan trọng được Phó Chủ tịch Phạm S nêu lên. UBND tỉnh giao cho các Sở: NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương cùng ngành Công an, UBND các huyện, thành phố… cần phát huy chức năng quản lý nhà nước cũng như nghiệp vụ của mình để kiên quyết đạt được những mục tiêu QLBVPTR đã đề ra trong năm 2018. 
 
MINH ĐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng