Nâng cấp “Quản lý hợp tác” tại Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang

Khu Dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới Lang Biang từ ngày được công nhận, theo đó ra mắt Ban thư ký tuy chưa dài về thời gian, nhưng đã và đang vận hành theo lộ trình khoa học và tích cực. Để quản lý rừng một cách bền vững, đúng tầm với tài sản thiên nhiên đặc biệt quý giá này, mô hình “Quản lý hợp tác cải tiến” (CM) được tiếp tục nâng cấp.

Sản phẩm của cộng đồng địa phương - quá trình cùng chia sẻ lợi ích tại KDTSQ Lang Biang. Ảnh: M.Đạo
Sản phẩm của cộng đồng địa phương – quá trình cùng chia sẻ lợi ích tại KDTSQ Lang Biang.
Ảnh: M.Đạo
Thuận lợi ban đầu trước khi được công nhận KDTSQ thế giới là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (gọi tắt là Vườn) được hỗ trợ rất tích cực của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là tổ chức JICA của Nhật Bản. Một số kết quả hoạt động dự án JICA như: Rà soát mô hình CM; Điều tra kinh tế, xã hội tại 7 thôn; Tập huấn cho nông dân về cải thiện canh tác cà phê theo hướng mua bán trực tiếp với công ty và nâng cao chất lượng hạt; Định hướng cơ bản để nâng cấp du lịch sinh thái ở Vườn; Phương pháp theo dõi diễn tiến rừng; Điều tra đa dạng sinh học cơ bản…
Trên những thành quả này, KDTSQ Lang Biang tiếp tục triển khai Dự án Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM), Hợp phần 3: Đa dạng sinh học.
Theo các chuyên gia, “Quản lý hợp tác” là “Hình thức quản lý trong hai hay nhiều bên liên quan cùng hợp tác chia sẻ quyền ra quyết định, lợi ích và trách nhiệm hướng tới việc quản lý rừng một cách bền vững”.
Ông Kensei Oda – Trưởng nhóm chuyên gia Hợp phần 3, mô hình CM cho biết, ở Hợp phần 1, đã thỏa thuận giữa thôn, UBND xã và Ban quản lý (BQL) Vườn về cơ chế chia sẻ lợi ích như tăng sản lượng, thu nhập từ du lịch sinh thái, tạo vốn ưu đãi đối với các hộ gia đình. Triển khai đồng bộ các cơ chế này sẽ giải quyết được vấn đề về động cơ mất rừng chính, đó là mở rộng đất canh tác của các hộ trong vùng đệm.
Chuyên gia Oda cho rằng, mô hình CM đã triển khai ở giai đoạn 1 có những điểm mạnh và điểm yếu. Điểm mạnh là: Cộng đồng trong thôn tham gia; hỗ trợ phát triển sinh kế; có sự tham gia đông đảo của người dân trong thôn và qua đó nảy sinh những sáng kiến được thể chế hóa. Còn điểm yếu là: Chi phí giao dịch cao, nhất là việc hỗ trợ sinh kế; nguồn lực của Vườn còn hạn chế để duy trì mô hình; Tính bền vững thấp; Khó nhân rộng và cộng đồng cũng chưa thực sự tuân thủ quy định của thỏa thuận CM.
Ðể thực hiện mô hình CM nâng cấp, TS Phan Triều Giang đưa ra 4 nguyên tắc về mặt cơ chế:
– Có sự tham gia của cộng đồng từ kế hoạch đến giám sát;
– Quản lý thích ứng;
– Phối hợp với các bên liên quan;
– Chia sẻ lợi nhuận.
Thực tế cho thấy, các mối đe dọa hiện tại cũng như tiềm ẩn đối với KDTSQ Lang Biang có nguyên nhân trực tiếp hàng đầu là lấn chiếm rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Gốc của hành vi vi phạm này là sử dụng diện tích lấn chiếm để canh tác, trong đó yếu tố tác động do những hộ nghèo có ít đất, hoặc do đối tượng (nhất là bên ngoài) đầu cơ đất. Vì vậy, ông Kensei Oda đề xuất các phương thức là: Cung cấp nguồn thu nhập ổn định từ bảo vệ rừng (BVR); Cải thiện các chức năng điều tiết thông qua tăng cường giám sát rừng. Đó còn là hỗ trợ cải thiện sinh kế địa phương bằng việc phát triển sản xuất và thị trường, tăng cơ hội tạo ra thu nhập. Và cuối cùng là tăng cường chức năng của BQL KDTSQ Lang Biang. Vì vậy, mục tiêu chính của việc nâng cấp mô hình CM là “thiết lập một hệ thống quản lý rừng bền vững, hiệu suất, hiệu quả và minh bạch bằng cách hợp tác với các cộng đồng địa phương sống trong và xung quanh vùng lõi và vùng đệm của KDTSQ Lang Biang”, ông Oda nhấn mạnh.
Theo đó, các bên liên quan với vai trò, chức năng của mỗi bên phải được cụ thể, minh bạch hóa đối với từng vùng rừng (vùng đệm và vùng lõi). Các bên bao gồm: BQL Vườn; BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim; Cộng đồng thôn; UBND xã và huyện; Các công ty, người thu mua; Cán bộ khuyến nông…
Đến từ Dự án JICA, điều phối viên Takuya Nomura cho biết thử nghiệm cơ chế CM cải tiến và định hướng từ năm 2017-2020 bằng những phần việc cụ thể như triển khai, giám sát và đánh giá. Theo đó, năm 2017 sẽ triển khai tại 7 thôn: Bon Đưng 1, Bonnơr B (thị trấn Lạc Dương), Đa Blah, Đa Tro, Đa Ra Hoa (xã Đa Nhim) và Đưng K’si, Klong Klanh (xã Đa Chais). Trên cơ sở này, sẽ phát triển rộng ra tại các thôn khác liên quan lâm phần của KDTSQ Lang Biang.
Từ những nội dung trên, các chuyên gia và nhà quản lý đã đặt mục tiêu của diễn đàn CM thời gian tới. Đây là một phần của diễn đàn KDTSQ nhằm bảo đảm các cơ hội thảo luận những vấn đề của các bên liên quan để tìm ra giải pháp chung với sự đồng thuận. Nguyên tắc của diễn đàn là chia sẻ thông tin, tuân thủ quy định pháp luật, cơ chế phản hồi thông tin minh bạch, tự nguyện và công khai. Diễn đàn được điều hành bởi Ban thư ký BQL KDTSQ Lang Biang dưới sự ủy nhiệm của BQL. Các bên liên quan là: UBND huyện, xã – trưởng thôn và người dân-ban tư vấn-các công ty tư nhân – thành viên nhóm kỹ thuật (Ban chỉ đạo Vườn, BQL rừng Đa Nhim, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Sở TN&MT, Sở VH-TT&DL…). Hy vọng với những kết quả đúc kết được từ Hợp phần trước, cùng trách nhiệm cao, sự nhiệt huyết của mỗi người tham gia, mô hình CM nâng cấp lần này sẽ mang lại những kết quả tốt hơn trong công tác BVR tại KDTSQ Lang Biang.

Nguồn: Báo Lâm Đồng