Nhân giống cây rừng lá kim quý hiếm

Nhiều năm tuyển chọn, gây trồng thử nghiệm thông 5 lá, bạch tùng bản địa và thông caribê nhập nội… đã mở hướng nâng cao giá trị trồng rừng kinh tế, tạo ra môi trường sinh thái đa dạng tại Lâm Đồng.

Rừng thông caribê trồng 10 năm tuổi ở Lâm Đồng. Ảnh: Văn Việt
Rừng thông caribê trồng 10 năm tuổi ở Lâm Đồng. Ảnh: Văn Việt
Xác định sinh thái của từng loài cây lá kim
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tại các lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Lạc Dương cho thấy: thông 5 lá thường phân bổ tự nhiên trên các khu rừng nguyên sinh, có độ cao từ 1.400 – 1.800 m. Qua thu thập từ 40 ô tiêu chuẩn tạm thời với kết quả mật độ bình quân chung hơn 20 cây/ha, mật độ cây con tái sinh tự nhiên rất thấp. Qua điều tra cũng xác định các quần thể thông 5 lá ở đây, chủ yếu tập trung những cá thể trung niên và già, trong khi thiếu vắng trầm trọng thế hệ cá thể kế cận, nếu chưa muốn nói đang ở tình trạng nguy cấp, cần những biện pháp tái sinh để bảo tồn.
Bên cạnh đó, số liệu thu thập về cây bạch tùng ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã thể hiện sinh trưởng trên tầng đất dày 100 cm, nguồn gốc từ phiến thạch sét hoặc đá macma axit. Trong 14 ô tiêu chuẩn tạm thời, mật độ bình quân của cây bạch tùng đạt cao nhất đến 44 cây/ha, đa số cá thể tập trung ở trạng thái thành thục và quá thành thục với chiều cao vút ngọn và đường kính ngang ngực trung bình lần lượt là 21,5 m và 33,8 cm.
Bạch tùng là loài cây ưa bóng trong giai đoạn còn non, mật độ tái sinh trong tự nhiên khá cao – gần 320 cây/ha. Tuy nhiên, đánh giá ở quần thể chung trong tự nhiên thì cây bạch tùng vẫn nằm trong tình trạng tương tự như cây thông 5 lá – nhiều cây già và cây trung niên, ít cây ở giai đoạn trưởng thành kế cận.
Riêng loài cây thông caribê, các mô hình trồng thực nghiệm tại vùng Lang Hanh, Đức Trọng (thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng), đã xác định tuổi cây hơn 30 năm, đạt tăng trưởng bình quân hàng năm 0,6 m chiều cao, 0,9 cm đường kính và sản lượng gần 9,3 m³ gỗ/ha. Những chỉ số này đối với cây thông caribê trồng khảo nghiệm ở Măng Lin, Đà Lạt đạt tăng trưởng lần lượt hàng năm là 1m, 1,8 cm và 24 m³ gỗ/ha. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra rất cần nghiên cứu một cách hệ thống về tiềm năng trồng rừng sản xuất loài thông caribê trên các vùng sinh thái ở Lâm Đồng.
Bảo tồn nguồn giống quý
Trong Đề tài “Tuyển chọn một số loài cây thông caribê, thông 5 lá và bạch tùng để bổ sung tập đoàn cây trồng rừng kinh tế tại Lâm Đồng”, thạc sĩ Lê Cảnh Nam cùng các cán bộ khoa học của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã nhân giống hữu tính thành công bằng cách tuyển chọn hạt giống thông 5 lá và bạch tùng (thu hái từ cây mẹ phát triển vượt trội trong tự nhiên) ươm trong bầu đất feralit vàng đỏ phối trộn với các thành phần giá thể khác, đạt tỷ lệ nẩy mầm hơn 80%. Và nhân giống vô tính với kỹ thuật giâm hom (cắt hom từ cành cây mẹ sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh) để kích thích ra rễ bằng thuốc NAA (Naphthyl Acetic Acid) dạng bột với các nồng độ khác nhau đã tạo ra rễ mới đạt tỷ lệ từ 70 – 90% (cây bạch tùng), 70 – 100% (cây thông 5 lá) và hơn 75% (cây thông caribê).
Nhân giống trồng mới cây thông caribê đang sinh trưởng khá tốt ở Lâm Đồng. Ảnh: Văn Việt
Nhân giống trồng mới cây thông caribê đang sinh trưởng khá tốt ở Lâm Đồng. Ảnh: Văn Việt
Sau 2 năm xuống giống trồng 3 cây con lá kim thử nghiệm trên 3 vùng sinh thái khác nhau ở Lâm Đồng (độ cao dưới 500 m, dưới 1.100 m và trên 1.100 m), thạc sĩ Nam cho biết: Trên các địa hình đất trống, thông caribê là loài cây phù hợp cho trồng rừng sản xuất với tỷ lệ cây sống đạt tỷ lệ hơn 85%, tốc độ sinh trưởng khá nhanh so với cây thông ba lá. Như vậy, thông caribê là loài cây khá phù hợp cho trồng rừng kinh tế và cần được nhân rộng tại Lâm Đồng. Cây thông 5 lá, bước đầu cho thấy là loài cây triển vọng cho trồng rừng thuần loài tại vùng sinh thái Lâm Đồng với độ cao hơn 1.100 m… Và bạch tùng là loài cây rất phù hợp cho việc trồng làm giàu rừng trên đối tượng rừng nghèo ở Lâm Đồng, thể hiện qua tỷ lệ trồng cây con sống và sinh trưởng tốt với hơn 80%…
Đến nay, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã xây dựng các quy trình kỹ thuật nhân giống và gây trồng 3 loài cây thông 5 lá, thông caribê và bạch tùng nêu trên. Đồng thời đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao cho đông đảo cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý của các đơn vị lâm nghiệp trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Và kiến nghị các cơ quan chuyên trách trên lĩnh vực lâm nghiệp Lâm Đồng có kế hoạch phát triển những cánh rừng sản xuất từ 3 loài cây lá kim này, nhằm thiết thực bảo tồn nguồn giống cây quý hiếm, góp phần làm giàu tài nguyên rừng trên địa bàn.
Nguồn: Báo Lâm Đồng