Nhu cầu nguồn nhân lực cho công tác quản lý ở Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà

Nguồn nhân lực luôn là yếu tố quyết định đem đến sự thành công của một tổ chức. Trong hệ thống các Vườn quốc gia/ Khu bảo tồn ở Việt Nam, nguồn nhân lực được tuyển dụng để thực hiện các chương trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Vì vậy chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để một Vườn quốc gia/Khu bảo tồn thực hiện được các mục tiêu quản lý trong từng giai đoạn phát triển tương ứng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà thành lập theo quyết định số 1240/QĐ-TTg Ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có chức năng và nhiệm vụ: (1) Bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt; (2) Bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa, nơi cội nguồn của thành phố Đà Lạt; (3) Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới; (4) Phát triển du lịch sinh thái và (5) Góp phần củng cố an ninh – quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên. Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có diện tích 70.038 héc ta nằm ở trung tâm cao nguyên Langbiang, tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (khu vực SA3) trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn, (WWF 2004)  Giá trị đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà mang tính toàn cầu và không thể thay thế. Ngoài ra việc sử dụng hiệu quả các dịch vụ tổng hợp hệ sinh thái và du lịch là cơ hội lớn trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã xây dựng đề án vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho 9 chương trình hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: (1) Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; (2) Chương trình phòng chống cháy rừng; (3) Chương trình phục hồi sinh thái rừng; (4) Chương trình nghiên cứu khoa học; (5) Chương trình tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; (6) Chương trình hợp tác quốc tế; (7) Chương trình phát triển du lịch sinh thái; (8) Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn vùng đệm; (9) Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật. Hiện nay, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã triển khai thực hiện đồng bộ 9 chương trình hoạt động nêu trên đồng thời đã đề xuất và thực hiện thành công 8 dự án ODA và có quan hệ với 21 tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn. Từ khi thành lập đến nay, nguồn nhân lực của Vườn quốc gia không ngừng được đào tạo và đào tạo lại. Hiện tại, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà có 115 cán bộ công chức, viên chức được chia thành: Khối văn phòng 37 người bao gồm Phòng tổ chức hành chính, phòng kỹ thuật, phòng kế hoạch và phòng tài vụ; Hạt kiểm lâm 70 công chức; Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường 4 viên chức và Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới 4 viên chức. Toàn đơn vị có 01 tiến sỹ lâm nghiệp, 14 thạc sỹ, 60 kỹ sư, 35 cán bộ Cao đẳng và Trung cấp, 05 lao động được đào tạo nghề. Phân theo các nhóm ngành nghề: Lâm nghiệp chiếm gần 90%, các nhóm ngành nghề khác gồm kinh tế, tài chính, kế toán, du lịch, môi trường, ngoại ngữ, luật… chiếm hơn 10%. Qua quá trình tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại, chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị được đánh giá là tốt nhất trong hệ thống các Vườn quốc gia Việt Nam tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu quản lý của Vườn quốc gia.

Để hội nhập và phát triển, việc cải tiến các chương trình đào tạo trong các trường đại học Lâm nghiệp và đào tạo lại cho các cán bộ của các Vườn quốc gia/khu bảo tồn ở Việt Nam trong đó có Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là rất cần thiết.  Các nội dung cần được chú trọng bao gồm: Kỹ năng làm việc nhóm; đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học; Chức năng và dịch vụ hệ sinh thái; biến đổi khí hậu; lập quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia, Khu bảo tồn; xây dựng ý tưởng và đề xuất các dự án ODA liên quan đến Lâm nghiệp và môi trường; diễn giải đa dạng sinh học và diễn giải môi trường; du lịch và du lich sinh thái…

Một Vườn quốc gia hay là một khu bảo tồn thông thường không có kinh phí để đào tạo hoặc đào tạo lại cán bộ khoa học và cán bộ quản lý. Nguồn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực của các Tỉnh là rất hạn chế và chưa đáp ứng được nội dung đào tạo cán bộ khoa học và cán bộ quản lý các Vườn quốc gia và khu bảo tồn. Một chương trình đào tạo cấp quốc gia về cán bộ quản lý và cán bộ khoa học cho các Vườn quốc gia và các khu bảo tồn là thật sự cần thiết. Một dự án hỗ trợ kỹ thuật hoặc các chương trình hợp tác quốc tế cũng có thể đáp ứng được một phần nhu cầu của mục tiêu đào tạo cán bộ phục vụ công tác bảo tồn. Các vườn quốc gia và khu bảo tồn cũng có thể đóng góp một phần kinh phí để cử cán bộ đi đào tạo nếu có chương trình và nội dung đào tạo phù hợp. Việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ khoa học bảo tồn cũng có thể liên kết thực hiện theo vùng, miền hoặc các hệ sinh thái quan trọng./.

Th.s Lê Văn Hương, GĐ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà