TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI “BÚA LIỀM VÀNG”
Ở đâu cũng rừng, đi đâu cũng rừng (bài 2)
Cập nhật lúc 09:52, Thứ Hai, 30/10/2017 (GMT+7)
Đồng bộ triển khai các giải pháp
TIN LIÊN QUAN
Ở đâu cũng rừng, đi đâu cũng rừng
Hành lang pháp lý đã có, vấn đề là sự lĩnh hội và vận dụng triển khai thực hiện trong thực tiễn vốn luôn sinh động và biến động. Những kết quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng cho thấy sự năng động và quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện sự lãnh đạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Tôi còn nhớ, đầu tháng 7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo thường kỳ tháng 6 của Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện cho 5 địa phương ở Tây Nguyên phải trả lời dứt điểm câu hỏi: “Tây Nguyên có kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên hay không?”. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt khẳng định: “Với các giải pháp đã triển khai, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tin tưởng là rừng Tây Nguyên sẽ vẫn giữ được diện tích như yêu cầu của Chính phủ”. Đồng chí Đoàn Văn Việt cũng cho biết, Lâm Đồng đã chỉ đạo các Chủ tịch UBND cấp xã một tuần phải đi kiểm tra rừng một lần, còn Chủ tịch UBND huyện một tháng phải đi kiểm tra rừng 2 lần. Lãnh đạo tỉnh phải đi xử lý ngay các điểm nóng… Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng cho tôi biết: “Dù đi bằng thuyền hay đi bộ, mỗi lần cán bộ ở huyện thăm rừng, chúng tôi đều yêu cầu phải ghi chép đầy đủ vào “Sổ nhật ký” để làm căn cứ giám sát, kiểm tra và chỉ đạo sát thực”. Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm cao của Lâm Đồng trong việc thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và không mở rộng diện tích cây công nghiệp ở địa phương.
Càng tìm hiểu kỹ càng nhận thấy những giải pháp, những phương pháp mà tỉnh Lâm Đồng triển khai mấy năm gần đây đã tác động mạnh và tạo những chuyển biến. Trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng (BVR) phải thực sự đạt được hiệu quả cao nhất trong từng điều kiện cụ thể. Bởi, nhiệm vụ BVR phải là của cả hệ thống chính trị, là công việc thường xuyên của toàn dân.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên (thứ 3 bên trái qua) cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương kiểm tra rừng. Ảnh: M.Đạo
Năm 2015, Lâm Đồng tổ chức 378 cuộc tuyên truyền với 13.056 lượt người tham gia, ký 3.471 cam kết BVR; năm 2016, tổ chức 398 cuộc với 15.474 lượt tham gia, 2.143 cam kết. 9 tháng đầu năm 2017, các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, Quỹ BV&PTR, Chương trình UN-REDD và Ban Lâm nghiệp xã đã tổ chức 357 cuộc với 15.620 lượt người tham gia, ký 713 cam kết BVR,…
Nhằm thường xuyên hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng, ở Lâm Đồng, các Ban Chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR từ tỉnh đến cấp huyện xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, truy quét để BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Năm 2014, toàn tỉnh phát hiện 1.841 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về BV&PTR, giảm 245 vụ, bằng 11,7% so năm 2013; năm 2015, xử lý 1.877 vụ, mức độ thiệt hại 1.409 ha rừng; năm 2016 còn 1.471 vụ, giảm 406 vụ, tương đương 21,6% và diện tích rừng bị phá giảm 472.744 m2, bằng 27,4%.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, phát hiện lập biên bản 807 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 69,6767 ha, lâm sản thiệt hại 3.030,516 m3 (so cùng kỳ năm 2016, số vụ vi phạm tiếp tục giảm, với 332 vụ, bằng 29%; diện tích rừng bị thiệt hại giảm 31,5441 ha (31%) và lâm sản thiệt hại giảm 576,755 m3 (16%). Đã xử lý vi phạm 731 vụ, trong đó 700 vụ xử lý hành chính và 34 vụ xử lý hình sự, thu nộp ngân sách 7,247 tỷ đồng). Trong lúc đó, tính toàn khu vực Tây Nguyên, 9 tháng đầu năm 2017 chỉ giảm 10% số vụ vi phạm và đáng buồn hơn là diện tích rừng bị thiệt hại 444 ha, tăng 23 ha (5%), chiếm tới 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước.
Lâm Đồng có trên 200.000 ha rừng thông tự nhiên và rừng thông trồng là đối tượng có nguy cơ cháy rất cao. Vì vậy, địa phương, chủ rừng và ngành kiểm lâm xác định đây là đối tượng ưu tiên thực hiện PCCCR vào mùa khô hàng năm. Không chỉ dừng lại xây dựng các phương án cụ thể, sáng tạo và triển khai chuẩn bị sớm mà phải thường xuyên kiểm tra, tuần tra và hợp đồng chặt chẽ đến từng cá nhân, tổ cộng đồng vào những tháng cao điểm…
Mùa khô năm 2014-2015, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 80,84 ha, giảm 20 vụ (tương đương 37,7%) và giảm diện tích cháy 51,85 ha (39,7%) so với mùa khô năm 2013-2014; mùa khô năm 2016-2017, chỉ để xảy ra cháy rừng 8 vụ, trong đó 3 vụ thuộc rừng thông trồng với 18,29 ha và 5 vụ là thảm cỏ, cây bụi dưới tán với 7,15 ha.
Như đã nêu ở bài trước, để tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng, trong đó có nguyên nhân lớn từ việc quản lý của các đơn vị chủ rừng và các doanh nghiệp thuê rừng và đất rừng để đầu tư phát triển kinh tế. Ở Lâm Đồng, những năm gần đây, tỉnh mạnh tay hơn trong xử lý những chủ đầu tư dự án để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất nhưng không phát hiện kịp thời để ngăn chặn, báo cáo hoặc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức ngăn chặn. Hoặc những dự án triển khai chậm tiến độ, chủ đầu tư không tổ chức và bố trí lực lượng QLBVR trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn; việc ký hợp đồng thuê rừng và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước còn để nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần… Đây là vấn đề dễ đụng chạm đến lợi ích một bộ phận, nhưng nếu lãnh đạo các ngành chức năng, đặc biệt lãnh đạo tỉnh không kiên quyết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng thì rất khó giữ rừng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Võ Danh Tuyên hôm 24/10 cho tôi biết, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hồi 180 dự án với 26.210 ha, trong đó 146 dự án thu hồi toàn bộ (23.619 ha) và 34 dự án thu hồi một phần (2.591 ha). Hiện toàn tỉnh còn 396 dự án thuộc 329 doanh nghiệp đang đầu tư triển khai, tổng diện tích là 57.151 ha, và vẫn thường xuyên trong tầm kiểm soát về mặt quản lý nhà nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S khẳng định với tôi: “Hiện nay chúng tôi làm rất quyết liệt, dự án không triển khai hay không làm tốt là ra quyết định thu hồi, thu hồi tới đâu là giao cho địa phương tới đó để quản lý kịp thời”.
Tài nguyên rừng là của cộng đồng, cùng tham gia bảo vệ, phát triển và cùng hưởng lợi. Xác định rõ nguyên lý biện chứng này, tỉnh Lâm Đồng tích cực phát huy sức mạnh của cộng đồng trong khoán BVR.
Đồng chí Phạm S cho biết, hiện tại, toàn tỉnh đã khoán BVR 395.709 ha; trong đó khoán bằng nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng 358.122 ha với 16.674 hộ gia đình (gồm 12.878 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 3.887 hộ người Kinh) và 34 đơn vị tập thể; khoán bằng vốn ngân sách tỉnh 37.587 ha gồm 1.751 hộ gia đình và 956 tổ với 15.383 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Diện tích thiết kế giao khoán QLBVR mới là 56.952 ha. Trong công tác giao khoán này, ngành chức năng có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kiểm định và đề xuất khen thưởng kịp thời cũng như xử lý kiên quyết nếu để rừng bị phá, bị lấn chiếm. Rất nhiều điển hình tập thể, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác QLBVR như cộng đồng thôn Chơrông Tampo và Tổ trưởng K’Long ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng; anh Nưng Sang Thiên – Tổ trưởng Tổ nhận khoán số 44 thôn Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương; anh Cill Ha Duy- tổ trưởng Tổ nhận khoán xã Định An, huyện Đức Trọng… Đây là những điển hình quý để nhân rộng phong trào rộng khắp khi nhà quản lý biết kích hoạt tạo nên sức lan tỏa.
Hiện thực trên là lượng hóa sinh động chủ trương, chính sách của Nhà nước về vấn đề làm thế nào để người dân sống trong rừng, sống gần rừng được hưởng lợi mà ông Phạm S từng chia sẻ. Chỉ có khi họ trở thành chủ nhân cùng Nhà nước tham gia BVR tích cực thì nguyên lý “đẩy thuyền” mới trở thành chân lý. Ngược lại, nếu địa phương không sáng tạo, linh hoạt trong giải quyết sự vụ, không khéo léo trong quá trình dân vận thì tính chất “lật thuyền” dễ bị lợi dụng bùng phát. Trong tình hình an ninh trật tự còn những diễn biến rất phức tạp bởi thế lực thù địch tuyên truyền, lôi kéo những người dân hiểu biết ít về pháp luật thì việc “an dân” không đơn giản chút nào. Tôi và Phó Chủ tịch Phạm S đã nhiều lần vào các điểm nóng xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở các huyện Đam Rông, Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm,… Hôm nay ngồi lại, ông vẫn chưa hết vui mừng nhắc đến thành tích xử lý vụ mấy chục hộ đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên ở xã Đạ Long, huyện Đam Rông kéo về làng cũ phá rừng, lấn chiếm đất rừng Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà tại Tiểu khu 26 và 27 xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương: “Anh thấy đấy, vụ việc kéo dài suốt từ năm 2013, căng thẳng thế mà tỉnh đã giải quyết được dứt điểm”.
Vâng, bắt đầu từ ngày 18/3/2013, có 109 người dân của 95 hộ tổ chức bất ngờ di dân tự do vào vùng lõi Vườn Quốc gia và lập làng định cư. Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Thông báo số 1044 chỉ đạo “kiên quyết vận động không để dân trở về buôn làng cũ, xây dựng nhà ở, các công trình khác trên đất lấn chiếm”. UBND tỉnh triển khai tinh thần này bằng Văn bản “Hỏa tốc” số 120 chỉ đạo các ngành, các địa phương liên quan thực thi. Ngoài Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S còn có lãnh đạo nhiều ban, ngành, địa phương liên quan, từ Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phạm Kim Khang đến Bí thư, Chủ tịch huyện Đam Rông, huyện Lạc Dương và cả các vị già làng, chức sắc tôn giáo,… nỗ lực vào cuộc. Rất nhiều lần đoàn có mặt tại hiện trường tuyên truyền, giải thích, động viên, kêu gọi và đưa ra những giải pháp nhằm ổn định cuộc sống cho bà con. Một số người dân như các anh Liêng Hót Ha Ôn, Kơ Dơng Ha Ben, Kră Jăp Ha Húy, Mơ bon Ha Roong… đã thông, số khác thì cầm chừng. Đặc biệt, một số bất hợp tác, họ phớt lờ mọi lời giải thích tận tình, kể cả Mục sư Kơn Sơ Ha Vơp hay Chủ tịch xã Lơ Mu Ha Póh… và cương quyết bám trụ, thậm chí kích động. Đích thân đồng chí Đoàn Văn Việt là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng rốt ráo tổ chức cuộc họp giữa các sở, ban, ngành và huyện ngay tại Vườn, cùng lắng nghe nhau nêu những khó khăn và các giải pháp đề xuất rồi ông chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Sau một thời gian nữa, cuộc giành giữ 26,62 ha để phủ lại màu xanh cho Vườn Quốc gia đến hồi kết thành công trọn vẹn.
Nhiều bài học quý từ thực tiễn giải quyết vụ việc tại Tiểu khu 26, 27 được đúc kết, đó là: sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời giữa các ban, ngành, các địa phương; tính hiệu quả trong tuyên truyền, vận động; sự đáp ứng nhu cầu chính đáng về đất sản xuất và hỗ trợ, lồng ghép các chương trình nhằm cải thiện sinh kế cho dân; phương pháp giải tỏa, cách thức trồng lại rừng sau giải tỏa. Và cao nhất là tính đồng thuận giữa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước với người dân đã được vận dụng tiếp tục triển khai ở những vụ tương tự. Đó là vụ việc một số người dân truy sát cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban để chiếm lại đất tại Tiểu khu 243; vụ người dân thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà chống người thi hành công vụ và vụ 41 hộ tổ chức kéo về lại đất cũ dựng chòi, phá rừng tại Tiểu khu 62 huyện Lạc Dương. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều (người ký Văn bản phúc đáp không chấp nhận “Đơn xin tạm trú” của bà con Hang Hớt) tự hào nói với tôi khi đi qua cánh rừng xanh mướt: “Huyện không cương quyết thì khó giữ được màu xanh của khu rừng đẹp như thế này anh ạ”. Về phía tỉnh, sáng 17/10/2017, Phó Giám đốc Sở Võ Danh Tuyên vui mừng báo cho tôi đang cùng Phó Chủ tịch Phạm S trực tiếp cùng lãnh đạo các ngành, địa phương và cả già làng thị sát lần cuối để giải quyết phần quan trọng còn lại của bài toán ổn định cuộc sống cho bà con ở Hang Hớt. Đó là sau khi đầu tư hệ thống giao thông, tỉnh đã tìm được khoảng 25 ha đất sản xuất cho bà con. Một cái kết đồng thuận cao giữa ý Đảng – lòng dân.
Ghi chép: MINH ĐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà
- Thúc đẩy hợp tác công – tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Bidoup – Núi Bà