TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI “BÚA LIỀM VÀNG”
Ở đâu cũng rừng, đi đâu cũng rừng
Cập nhật lúc 09:24, Thứ Sáu, 27/10/2017 (GMT+7)
Ngày 14/10/2017, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về Quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR), khu vực Tây Nguyên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mấy lần nêu lên bởi là một trong những trọng điểm. Giải lao, lãnh đạo một ngành đầu cầu Lâm Đồng nói với tôi: “Lại rừng, lại rừng…!”. Tôi mượn ý này khai triển nội dung tuyến bài viết về QLBV&PTR của tỉnh Lâm Đồng như là mệnh lệnh thường trực; hiệu quả của công tác này ở Lâm Đồng đang đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Bài 1: Thống nhất, kịp thời giữa cấp ủy và chính quyền
Cũng như các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Lâm Ðồng còn rất nhiều khó khăn trong công tác QLBV&PTR, nhưng Lâm Ðồng là địa phương ngày càng chuyển biến tích cực nhất. So cùng kỳ năm 2016, 9 tháng đầu năm 2017, Tây Nguyên chỉ giảm 10% số vụ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại 444 ha (tăng 23 ha, bằng 5%), chiếm tới 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại cả nước; nhưng ở Lâm Ðồng, số vụ vi phạm giảm 332 vụ (bằng 29%), diện tích rừng bị thiệt hại giảm tới 31%…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt (thứ 2 từ trái qua)
kiểm tra và chỉ đạo nhiệm vụ QLBV&PTR tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà
Lâm Đồng là tỉnh cực nam Tây Nguyên, diện tích rừng lớn, địa hình rất phức tạp và giáp ranh 7 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông và Đắk Lắk. Trong đó, các điểm phức tạp nhất về phá rừng (chủ yếu người ngoài tỉnh) thuộc 8 huyện của tỉnh, gồm 200 km giáp tỉnh Bình Thuận, 75 km giáp tỉnh Ninh Thuận và khoảng 60 km giáp tỉnh Đắk Nông. Tính chất phức tạp còn ở chỗ, do nhận thức về pháp luật chưa đầy đủ, một số đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cương quyết kéo về làng cũ hoặc tụ tập hàng trăm người chiếm đất rừng. Đặc biệt nữa, hiện nay, rất đông số dân từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào lấn chiếm đất rừng và phá rừng. Đó còn là lợi nhuận cao từ sản xuất nông nghiệp và lâm sản do xâm hại tài nguyên rừng nên hành vi của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, manh động, nhiều vụ việc diễn biến phức tạp và hung bạo chống đối người thi hành công vụ. Ở mặt khác, sự buông lỏng trong quản lý của một số chủ rừng và sự thiếu trách nhiệm của một số nhà đầu tư dự án thuê đất và thuê rừng… Với tổng diện tích rừng nói chung, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… nêu trên, lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng còn rất mỏng, hiện đang thiếu đến 178 định biên chiếu theo 2 Nghị định của Chính phủ (số 119/NĐ-CP ngày 16/6/2006 và 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010).
Ngày 14/10/2017, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, phía đầu cầu Lâm Đồng, đích thân đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến chủ trì và với sự tham dự của rất đông lãnh đạo, từ UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh… Tôi chia sẻ niềm vui với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến về thành tích QLBV&PTR của tỉnh Lâm Đồng đã và đang tiếp tục đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đề xuất được bàn về vai trò lãnh đạo của Đảng ở lĩnh vực này đối với cả hệ thống chính trị. Bí thư đồng ý và gợi ý nắm nội dung Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và làm việc trực tiếp với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, người được UBND tỉnh phân công phụ trách lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường…
Tiến sĩ sinh học Phạm S là Trưởng Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR của tỉnh, là người khá gần gũi với tôi vì đã mấy năm nay cùng ông tham gia rất nhiều đợt đi kiểm tra, xử lý và điều hành công tác QLBV&PTR trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, theo lời hẹn, ngày 17/10/2017, sau một ngày làm việc rất bận rộn về công tác QLBV&PTR, đã gần 17 giờ nhưng ông Phạm S vẫn vui vẻ tiếp tôi tại phòng làm việc. Tôi đặt ngay câu hỏi với ông:
– Theo ông, Lâm Đồng đạt được những thành tích BV&PTR như thời gian qua, mặt thuận lợi nhất là gì?
Ông chia sẻ, đó là sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan; đặc biệt về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và nâng cao được hiệu quả công tác QLBV&PTR. Nhiều chính sách mới được ban hành tạo điều kiện thuận lợi. Ông S cũng nhấn mạnh đến tính hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn Trung ương trong triển khai trồng và chăm sóc rừng đã thu hút nhân dân tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tham gia sản xuất nghề rừng, tăng cường vai trò của người dân để cùng các đơn vị chủ rừng QLBVR được chặt chẽ hơn, góp phần xã hội hóa nghề rừng, nâng mức thu nhập của các hộ dân sống gần rừng, từ đó giảm áp lực tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên rừng,…
Mặc dù định hướng là vậy, nhưng vấn đề là tiếp nhận chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để triển khai, hiện thực hóa đạt được hiệu quả cao nhất vẫn còn là chặng đường không gần. Ở Lâm Đồng, nổi bật lên rất rõ về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, đặc biệt là Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Tôi nhớ ngày 25/8/2016, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 12 năm thực thi Luật BV&PTR của Lâm Đồng do ông Phạm S chủ trì, ông cho biết thực hiện các văn bản của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành đến 86 văn bản liên quan đến công tác QLBV&PTR. Rõ ràng, đây là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt.
Trong khoảng 3 năm nay, Tỉnh ủy Lâm Đồng càng đặc biệt quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn về công tác QLBV&PTR trên địa bàn, vừa bằng văn bản vừa bằng hành động thực tiễn. Nhằm nắm bắt tình hình để chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời và chính xác, các đồng chí là Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên phân công kiểm tra, giám sát tận vùng sâu, vùng xa và kịp thời có mặt tại những điểm nóng. Bản thân ông Phạm S mỗi tháng trung bình đi về các cơ sở vùng sâu, vùng xa 3-4 lần. Cá nhân tôi từng trực tiếp tham gia các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác QLBV&PTR tại nhiều hiện trường của rất nhiều lãnh đạo, từ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và bây giờ là Bí thư Nguyễn Xuân Tiến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt; các Ủy viên Thường vụ Phạm Kim Khang, Hà Phước Toản, Nguyễn Văn Yên,… và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S… Về mặt văn bản, trước hết phải nhắc đến Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong QL, BV&PTR, quản lý lâm sản (gọi tắt Chỉ thị). Sau 6 năm rưỡi, văn bản này thay thế Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 30/9/2008 trước đó, và có trước cả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QL, BV&PTR. So với Chỉ thị 41, Chỉ thị 30 đã đạt được tư tưởng chỉ đạo ở tầm bao quát, toàn diện và sát thực nhất. Văn bản chính trị này thực sự như một luồng gió mới, có sức lan tỏa mạnh đến tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở… Tất cả tổ chức, đơn vị liên quan đều lấy Chỉ thị này làm thước đo về mức độ hiệu quả trong triển khai thực hiện theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể và theo từng mốc thời gian.
Một văn bản khác, sau khi có Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, ngày 9/8/2016, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã ký ban hành Văn bản số 4613/UBND-LN yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm rất nhiều nội dung cụ thể. Văn bản nhấn mạnh: Xác định công tác QLBVR, trồng rừng, khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng “là nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và của toàn thể hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để QLBVR, khôi phục rừng, ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới”.
Ông Phạm S cho tôi biết: “Trong 9 tháng đầu năm 2017, Tỉnh ủy tiếp tục có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách mới liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp”. Đó là Văn bản số 1290-CV/TU ngày 24/1 của Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư (Lâm Đồng là một trong những địa phương ban hành sớm nhất và bắt đầu từ chính cấp ủy); Văn bản số 1388-CV-TU ngày 8/3 về tăng cường công tác QLBVR; Kế hoạch số 25/KH-TU ngày 31/3 về thực hiện Chỉ thị 13… Có thể hiểu như cách ví von của dân gian là “tiền hô hậu ủng”, thể hiện tính nhất quán cao nhất, đó là UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chỉ thị, nhiều văn bản quan trọng rất kịp thời. Ông Phạm S nêu lên với tôi một số ví dụ: Văn bản số 4613 ngày 9/8/2016 và Kế hoạch hành động số 6122 ngày 6/10/2016 chỉ đạo “thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; đóng cửa rừng tự nhiên, không thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác”; Văn bản số 2168 ngày 14/4/2017, số 2608 ngày 30/5/2017. Tỉnh Lâm Đồng cũng đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 13,…
(CÒN NỮA)
Ghi chép: MINH ÐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà