Phát hiện một loài xén tóc mới thuộc giống Dinoprionus ở Việt Nam

Tháng 12 năm 2015, Hai nhà nghiên cứu về côn trùng học Alain Drumont (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoàng gia, Vương Quốc Bỉ) và Đỗ Mạnh Cương (cộng tác viên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đã công bố loài xén tóc mới cho khoa học. Loài mới có tên khoa học là Dinoprionus cooperi và được đăng trên trên tạp chí khoa học chuyên ngành: Les Cahiers Magellanes.

Loài mới được vinh danh tiến sỹ Bob Cooper một đồng nghiệp đã cộng tác, nghiên cứu với tác giả thứ 2 của bài báo, Ths. Đỗ Mạnh Cương, trong 5 năm (2004 – 2010) về khu hệ muỗi truyền bệnh sốt rét ở miền Trung Việt Nam. Dr. Bob Cooper có chức vụ Trung tá quân đội của Viện Sốt rét Lục quân Australia và là một nhà nghiên cứu côn trùng y học, chuyên nghiên cứu về giống muỗi Anopheles. Từ năm 2004 đến 2015 ông đã cộng tác cùng Ths Đỗ Mạnh Cương phân tích gene nhằm tìm kiếm các chỉ thị sinh học phân tử chia tách loài đồng hình trong giống muỗi Anopheles thu thập được từ miền Trung Việt Nam.

Giống Dinoprionus là một giống đặc biệt với duy nhất 1 loài đã được Bates công bố năm 1875 với tên khoa học Dinoprionus cephalotes. Bates đã mô tả loài này dựa trên tiêu bản cá thể đực thu được ở Ấn Độ. Gần đây loài này cũng được tìm thấy ở Nam Trung Hoa (tỉnh Vân Nam). Loài Dinoprionus cooperilà loài thứ 2 của giống này được phát hiện và mô tả. Mẫu chuẩn của loài xén tóc mới thu được từ Quảng Nam. Tuy nhiên loài này cũng được tìm thấy ở Quảng Ngãi, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai – Việt Nam.  Các mẫu nghiên cứu thu được từ Lào, Myanmar cũng được các tác giả xác định cũng thuộc về loài Dinoprionus cooperi.

Công bố và phát hiện mới đã cho thấy Dinoprionus spp. có phân bố khá rộng, hầu khắp khu vực Đông Dương. Trong công bố này, cá thể cái của loàiDinoprionus cephalotes cũng được 2 tác giả cũng mô tả lần đầu. Đây là một công bố rất quan trọng về giống Dinoprionus, nhằm đánh dấu khoảng thời gian 140 năm, kể từ khi giống này được mô tả lần đầu vào năm 1875.



Xén tóc cooper Dinoprionus cooperi – Ảnh: Đỗ Mạnh Cương

Nguồn: Sinh vật rừng Việt Nam