Quản lý, bảo vệ rừng giao thời

Ngày 12/12, số liệu từ Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, lũy kế 11 tháng năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh có 963 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). So cùng kỳ đã giảm 30% vụ, giảm 31% diện tích thiệt hại do phá rừng và giảm 21% lâm sản thiệt hại. Những kết quả này rất đáng phấn khởi và khích lệ, tuy nhiên những ngày cuối năm 2017 – đầu năm 2018 bắt đầu vào mùa khô và là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng càng nặng nề hơn bao giờ hết. 
 
Vụ mất rừng ở huyện Bảo Lâm luôn luôn là bài học nhắc nhở về công tác QLBVR. Ảnh: M.Đ
Vụ mất rừng ở huyện Bảo Lâm luôn luôn là bài học nhắc nhở về công tác QLBVR. Ảnh: M.Đ
Trong tháng 11/2017, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng các lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 88 vụ vi phạm Luật BV&PTR, diện tích thiệt hại do phá rừng 126.981 m2; lâm sản thiệt hại 467,111 m3. Trong đó, vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 26 vụ với 78,210 m3; vi phạm quy định về phát triển rừng 17 vụ; vi phạm quy định về quản lý lâm sản 45 vụ. Cần lưu ý là, so sánh với tháng 10/2017, số vụ vi phạm đã tăng thêm 20 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng đã tăng 111.571 m2
 
Mặc dù so cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 16 vụ (15%), diện tích thiệt hại do phá rừng giảm 28.496 m2 (18%) và lâm sản thiệt hại giảm 282,769 m3 (38%); tuy nhiên, số liệu trên đã và đang phản ánh tình hình QLBV rừng ngày càng khó khăn, phức tạp theo thời gian. 
 
Đặc biệt, thời tiết đã bắt đầu chuyển sang mùa khô, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) càng đặt ra hệ trọng hơn bao giờ hết. Được biết, mùa khô năm 2016-2017, toàn tỉnh chỉ để xảy ra 8 vụ cháy với diện tích 25,44 ha; trong đó, cháy rừng trồng 3 vụ với 18,29 ha (giảm 24 vụ với 90,4 ha so với mùa khô năm 2015-2016) và cháy thảm cỏ cây bụi 5 vụ với 7,15 ha (giảm 2 vụ với 0,73 ha so với mùa khô năm trước). Tuy nhiên, cần nhận thức và quán triệt sâu sắc rằng, sở dĩ tình hình xảy ra cháy rừng giảm mạnh như nêu trên, một phần do công tác chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, chủ động trong triển khai thực hiện; phần khác, rất quan trọng là nhờ thời gian mưa kéo dài. Vì vậy, mùa khô năm 2017-2018 này, việc chủ động xây dựng phương án PCCCR rất cần có chất lượng và hiệu quả. 
 
Theo Chi cục Kiểm lâm, ngày 23/10, đơn vị này đã tổ chức sơ kết công tác PCCCR mùa khô và hướng dẫn xây dựng phương án PCCCR tới Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng. Chi cục Kiểm lâm cũng đã tham mưu cho Sở NN&PTNT tỉnh văn bản gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh đề nghị thẩm định định mức đơn giá kinh phí áp dụng trong PCCCR mùa khô 2017-2018 trên địa bàn tỉnh. Sau khi đã có hướng dẫn chỉ đạo, Chi cục Kiểm lâm thẩm định phương án PCCCR mùa khô 2017-2018 của các đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước, tổ chức trực thuộc trung ương và các Hạt Kiểm lâm. Cần lưu ý là phương án phải được xây dựng sớm, chi tiết, cụ thể để theo đó triển khai thực hiện luôn luôn chủ động. 
 
Để những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018 hạn chế đến mức thấp nhất số vụ vi phạm Luật BV&PTR, diện tích thiệt hại do phá rừng và lâm sản thiệt hại, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, đặc biệt các đơn vị chức năng và liên quan cần khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại thời gian qua. Đó là công tác kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn chưa hiệu quả, việc giải tỏa thu hồi để tổ chức trồng rừng không kịp thời dẫn đến đất lâm nghiệp dễ bị lấn chiếm trở lại. (Trong 11 tháng 2017, toàn tỉnh có đến 226 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích 839.158 m2; trong đó phá rừng làm rẫy 153 vụ với 619.561 m2). Trong lúc các đối tượng vi phạm ngày càng hoạt động tinh vi, phức tạp, manh động, đòi hỏi các lực lượng chức năng hành động quyết liệt và sự phối kết hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, địa phương liên quan thì mới truy bắt và xử lý đối tượng vi phạm đạt hiệu quả cao. Cùng đó, việc phối hợp điều tra, xác minh, truy tìm để xử lý các “đầu nậu”, chủ đường dây mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép của các lực lượng chức năng phải thẳng thắn đánh giá là chưa triệt để. Mặt khác, tuy tỉnh đã có những chỉ đạo kiên quyết hơn, nhưng một số chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư vẫn trong tình trạng buông lỏng về công tác BVR và PCCCR. Việc này rất cần các cơ quan chức năng cần tham mưu để tiếp tục xử lý mạnh tay hơn đối với những đơn vị không hoàn thành những cam kết về nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác QLBV rừng. 
 
Như Chi cục phó Kiểm lâm Phạm Văn Huy đặt ra: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình, dự án về QLBV rừng, PCCCR; phấn đấu giảm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng cả về số vụ và diện tích thiệt hại, góp phần thực hiện mục tiêu chung năm 2017 giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR và giảm ít nhất 50% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra so với năm 2016. Hy vọng nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh Lâm Đồng – QLBV và PTR sẽ được cả hệ thống chính trị tập trung và dốc lòng cùng quyết tâm hoàn thành xuất sắc như đã đặt ra. 
 
MINH ĐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng