PNO – Trong khu rừng này, chúng tôi chỉ là khách lạ – những kẻ cần “xin phép” các sinh vật để được bước vào khám phá ngôi nhà tự nhiên của chúng.
Cơn mưa lắc rắc buổi sáng không khiến chúng tôi chùn bước vào rừng, cung trekking Hòn Giao – thuộc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Một chuyến vào rừng nguyên sinh, tận mắt nhìn thấy những kỳ hoa dị thảo, chạm tay vào những thân cây trăm tuổi và lắng nghe thanh âm của rừng xanh, cảm giác như được trở về với những gì hoang sơ, trong lành nhất.
“Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san…” |
Lạc miền thiên thai
Trong rừng nguyên sinh có rất nhiều thân cây “vĩ đại” như vậy: duyên mộc, thông lông gà (bạch tùng), thông hai lá dẹt… – những loài đặc hữu của Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà. Mùa mưa, rêu xanh biếc trên những thân cây, như thể đang cùng cành lá nhuộm rừng thành một màu kỳ ảo.
Lần đầu tiên, tôi được dạy cách phân biệt hạt sồi và hạt dẻ, nếm thử lá mua chua, táo rừng có vị chát, ngửi mùi hoa hồi tươi thơm lừng và ngỡ ngàng với những loài nấm lạ đa sắc màu. Nhặt những quả gai nan (nhìn như trái chôm chôm nhưng có màu xanh), Nhật – người hướng dẫn – bảo quả này là thức ăn của sóc.
Hoa mua tím lãng mạn ven đồi ở nơi lưu trú của vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà |
Gai nan rụng đầy trên đất. Thật an lòng khi nghĩ đến bọn sóc trong rừng, chúng đã có sẵn những bữa ăn ngon lành đây rồi. Tạo hóa tạo ra muôn loài bình đẳng, mỗi loài đều có chỗ và nguồn sống riêng.
Trong khu rừng này, chúng tôi chỉ là khách lạ – những kẻ cần “xin phép” các sinh vật để được bước vào khám phá ngôi nhà tự nhiên của chúng. Đoàn người yêu thiên nhiên và làm công tác bảo tồn thật sự chỉ để lại dấu chân, không lấy gì của rừng, kể cả những hạt dẻ nâu. Tất cả dành lại cho những “công dân” của rừng xanh.
Đi vào rừng, nhìn lên thấy những cây cổ thụ kỳ vĩ, nhìn xuống là cả một thế giới tự nhiên phong phú với muôn loài kỳ hoa dị thảo. Ngay từ lối vào rừng, chúng tôi đã mục sở thị loại cây có tên kích nhũ chùm tụ tán. Cây lá nhỏ, có hoa trắng nở thành chùm. Đây là thảo dược quý hỗ trợ tốt trong việc kích tia sữa cho các bà mẹ.
Rồi đến những cây thạch sương bồ, cây đước núi… phải nhìn kỹ mới thấy và phải được giới thiệu mới rõ hết công dụng của chúng. Ngoài ra còn rất nhiều loại nấm, đủ kích thước mọc đa dạng trên những thân cây rêu.
Vượt suối vào rừng |
Đường khám phá rừng phải băng qua những con suối nhỏ. Dòng suối trong vắt, mát lành chảy róc rách. Trên đầu là tiếng chim ríu rít như bản hòa ca của rừng xanh.
Đoàn chúng tôi vài mươi người, lại đi ban ngày và cũng mang theo “thanh âm của người” nên không thể nào nhìn thấy thú rừng. Chỉ có thể hình dung về chúng qua những câu chuyện kể, những bức ảnh mà người làm công tác bảo tồn rừng chia sẻ. Để được an tâm rằng trong cánh rừng nguyên sinh tuyệt vời ấy vẫn còn chà vá chân đen, vượn đen má vàng, cầy vằn bắc, gấu chó, nai, mang lớn…
Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà thuộc khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thứ chín, vào năm 2015). Trên website Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà có giới thiệu, nơi này hiện có 1.933 loài thực vật, trong đó có những loài quý hiếm như thông đỏ bách xanh, pơmu, thông năm lá Đà Lạt… về động vật có 56 loài được ghi trong danh mục các loài động vật quý hiếm, 47 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam 2007. Nơi đây còn được xem là “vương quốc của các loài lan rừng Việt Nam với trên 250 loài”.
Chỉ tham quan một phần khu rừng với cung đường khoảng 3,5km nhưng với tôi, đó là những trải nghiệm thật sự quý giá. Đã đến phố núi rất nhiều lần nhưng lần này tôi mới biết có một miền rừng như thiên thai này nằm ở ngoại ô thành phố.
Quả gai nan – thức ăn của sóc |
Một chiếc lá đã làm nên mùa thu
Ở điểm dừng chân trước khi vào rừng có khu nhân giống cá hồi và cá tầm. Theo lời hướng dẫn viên, hai loài cá này chỉ thích hợp với điều kiện khí hậu lạnh. Công đoạn nhân giống, sinh sản cũng không dễ.
Ven hồ có một cây phong lá đã nhuốm “màu quan san”. Những chiếc lá vàng hiếm hoi rụng dưới gốc nhanh chóng được du khách nhặt lên, nhìn ngắm, nâng niu, chụp ảnh. Nhiều năm trước, tôi phải bay sang tận Hàn Quốc đón mùa thu Nami chỉ để được tận mắt nhìn thấy lá phong. Không ngờ ở xứ sở sương mù của đất nước mình cũng có những chiếc lá phong thu xinh đẹp đến vậy.
“Một chiếc lá đã làm nên mùa thu”, tôi cười khi bấm máy chụp cho bạn những bức ảnh đẹp lãng mạn. Có những lúc ngẩng nhìn lên tán rừng, tôi phát hiện ra cả cành lá phong vàng rực. Cái màu thu nổi bật giữa rừng diễm lệ đâu kém gì màu thu của xứ Hàn. Có người bảo nhặt lá mang về ép làm kỷ niệm, tôi chỉ muốn ngắm nhìn cho mê mắt. Dư ảnh ấy sẽ còn mãi trong ký ức.
Thảm thực vật ở Vườn Quốc gia Bidoup quả thật rất đẹp. Thời điểm thích hợp nhất để chinh phục những cung đường rừng từ khoảng tháng 12 đến tháng Tư. Lúc ấy, thời tiết nắng đẹp, khô ráo. Chúng tôi về rừng vào những ngày mưa rả rích. Nhưng trong mưa tôi lại thấy rừng hiện ra với một vẻ đẹp khác, của những hạt nước long lanh trong biếc, của những cội rêu xanh, cành lá sau mưa bừng lên tán nõn và những chiếc lá non…
“Đi vào rừng một mình không có rủ ai”, chợt nhớ lời bài rap gần đây của Đen Vâu mà bạn trẻ rất thích. Tôi lại nghĩ vui, đến một nơi như rừng nguyên sinh Bidoup Núi Bà, tất yếu cần rủ… người dẫn đường để được hiểu từng bước chân mình đi qua có loài thảo dược nào, những loại quả/hạt nào, ăn được hay không và đó là thức ăn dành cho loài nào…
Cần thêm cả bạn bè để có cho nhau những sẻ chia cảm xúc, những bức ảnh đẹp và cả ký ức xôn xao như những tiếng cười hồn nhiên khoảnh khắc băng qua cầu cây, vượt suối…
Đi vào rừng và ngậm ngùi khi biết rằng bao người vẫn đang vô tâm ăn thịt thú rừng; sử dụng ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác – trong khi chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng vảy, sừng động vật có tác dụng. Sự tận diệt của con người đang khiến rừng xanh cạn kiệt. “Không còn người mua, không còn kẻ giết”, “Không thịt rừng, ngừng hậu họa”… Sau những thông điệp khẩn thiết để bảo vệ muôn loài hoang dã, điều tôi muốn nói với con người vẫn là tình yêu thương
Ngoài cung trekking Hòn Giao, du khách có thể chọn tour chinh phục đỉnh Bidoup cao 2.287m với thời gian 2 ngày 1 đêm. Tham gia hành trình này, khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm cây pơmu hơn 1.300 năm tuổi. Nếu không, chỉ đơn giản là đến nghỉ ngơi ở những bungalow trong khu du lịch Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà cũng đủ mê đắm, dịu lòng với đồi hoa mua tím, rừng thông bạt ngàn, những triền dốc xinh đẹp, dòng suối thiên thai ẩn mình sau cánh rừng…
Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 35km, cách sân bay Liên Khương khoảng 50km. Mỗi bungalow có nhiều phòng, sức chứa khoảng 5-7 người. Ngoài quần áo ấm theo thời tiết Đà Lạt, bạn cần mang theo bình nước cá nhân. Bạn có thể lấy nước ở trạm tiếp nước tinh khiết (nguồn nước đã được xử lý để uống trực tiếp) ở ngay khu lưu trú. Nếu đi vào mùa mưa, bạn cần mang theo thuốc bôi/xịt côn trùng, tất chống vắt. |
Nguồn: Báo Điện tử Phụ Nữ TP HCM
Tin liên quan
- Các hoạt động của Ban nữ công Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024)
- Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà: Khám phá “nóc nhà Tây Nguyên”
- “Cây thần linh” nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt
- Thúc đẩy hợp tác công tư trong hành trình phát triển bền vững
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho