Theo Dự án, Công viên Động vật hoang dã (ĐVHD) Tây Nguyên được xây dựng tại Vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà (trong bài này gọi tắt là Vườn) khi hoàn thành vừa góp phần bảo tồn ĐVHD vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch với sức thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch/năm. Nhưng, để thành công còn rất nhiều phần việc phải làm, vừa đảm bảo đúng quy định vừa nhanh về tiến độ. Vì vậy, ngày 1/4, tại chương trình làm việc với Vườn, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã chỉ đạo các ngành của tỉnh cần giúp đỡ, hướng dẫn để Vườn triển khai Dự án.
Hiệu quả không nhỏ về bảo tồn
Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới. Trong đó, khu hệ ĐVHD ở Việt Nam rất đa dạng; riêng các hệ sinh thái trên cạn đã xác định được 310 loài thú, 840 loài chim, 260 loài bò sát, 120 loài ếch nhái; trong đó các loài đặc hữu chiếm số lượng cao trong khu vực. Tuy nhiên, như Báo Lâm Đồng đã phản ảnh, tình trạng xâm hại ĐVHD ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nói riêng, trong đó có Lâm Đồng, đang là vấn đề rất cần quan tâm đặc biệt.
Trên toàn quốc, thời điểm năm 2013, đã xác định có 1.134 loài động vật nguy cơ bị đe dọa. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do sự tác động của con người, như săn bắn trái phép, chia cắt sinh cảnh, làm cháy rừng, mất rừng hoặc suy thoái rừng… Bài học vô cùng đắt giá ở tỉnh Lâm Đồng còn nhãn tiền là cá thể Tê giác Java cuối cùng bị kẻ xấu giết chết để lấy sừng ở VQG Cát Tiên.
Đối với Bidoup – Núi Bà, nằm ở trung tâm cao nguyên Lâm Viên, cùng với khu bảo tồn thiên nhiên Hoàn Bà ở phía Bắc, VQG Chư Yang Sin ở phía Tây Bắc, VQG Phước Bình phía Tây Nam, Vườn và vùng phụ cận trở thành khu vực rừng nguyên sinh liên tục rộng nhất Việt Nam hiện nay. Khi phần lõi của Vườn là Langbiang được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới càng đưa Vườn trở thành nơi lý tưởng để thực hiện chiến lược bảo tồn các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo Giám đốc Vườn – ThS Lê Văn Hương, “Chiến lược tốt nhất nhằm bảo tồn lâu dài các quần thể ĐVHD là bảo tồn nguyên vị hay là bảo tồn tại chỗ. Tuy nhiên, đối với nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm thì bảo tồn nguyên vị chưa phải là giải pháp khả thi trong điều kiện những áp lực của con người ngày càng gia tăng. Nếu quần thể còn lại quá nhỏ hoặc những cá thể quý hiếm tìm thấy ngoài các VQG thì bảo tồn nguyên vị sẽ không hiệu quả. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất ngăn cho các loài khỏi bị tuyệt chủng là bảo tồn các cá thể trong môi trường nhân tạo dưới sự giám sát của con người. Bảo tồn chuyển vị được biết đến nhiều nhất đối với các loài ĐVHD là mô hình Vườn thú hoặc vườn thú bán hoang dã (Safari). Việc xây dựng Công viên ĐVHD Tây Nguyên tại khu rừng phòng hộ thuộc phân khu hành chính dịch vụ của VQG Bidoup – Núi Bà là nơi phù hợp cho cả bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển vị của hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam”.
Phát triển du lịch và giáo dục môi trường
Thực tế trên thế giới cho thấy, bảo tồn và du lịch là hai chức năng cơ bản và song hành của tất cả các công viên quốc gia (National Park). Nhiều quốc gia đã phát triển du lịch bằng chủ trương thành lập hệ thống các VQG, trong đó có các Safari. Ở Việt Nam, mặc dù đã có 30 VQG nhưng nguồn thu từ du lịch và du lịch sinh thái chưa đáng kể – sự lãng phí rất lớn về tài nguyên du lịch. Vì vậy, khi phát huy được VQG nói chung, công viên ĐVHD nói riêng dĩ nhiên sẽ giảm được phần đáng kể về gánh nặng nguồn chi từ ngân sách của Nhà nước.
Một lợi thế về địa kinh tế của Lâm Đồng – Đà Lạt mà không mấy địa phương ở Việt Nam có được là VQG và KDTSQ thế giới lại nằm trên địa bàn du lịch nổi tiếng Đà Lạt. Vì vậy, sự hình thành Công viên bảo tồn ĐVHD Tây Nguyên chính là sự phát triển liên tục của ngành du lịch Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt. Nói cách khác, nền kinh tế du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt được nâng lên một tầm cao mới về thương hiệu. Theo đó, lượng du khách trong nước và quốc tế hàng năm không ngừng tăng lên.
Tham gia vào chuỗi sản phẩm du lịch, Vườn và Safari sẽ đóng góp không nhỏ về du lịch sinh thái trong tương quan hữu cơ với công tác bảo tồn bền vững. Việc xây dựng Công viên bảo tồn ĐVHD Tây Nguyên trong phân khu hành chính dịch vụ của Vườn là một trong các giải pháp hữu hiệu theo hướng ưu việt này.
Cuộc sống của con người luôn gắn bó mật thiết với môi trường nói chung và môi trường tự nhiên nói riêng. Vấn đề bảo vệ môi trường đang trở thành tính thời sự hơn bao giờ hết… Và giáo dục ý thức môi trường sẽ trở nên hiệu quả nhất, con đường ngắn nhất, hấp dẫn và thuyết phục nhất chính là thực tiễn cuộc sống.
Công viên ĐVHD sẽ là những “trang sách cuộc đời” sinh động nhất, thân thiện nhất trong cơ chế thông tin – giáo dục này. Từ Công viên, mỗi người không chỉ được trang bị những kiến thức quý báu và lí thú về ĐDSH mà còn khơi gợi nẩy nở từ nhận thức đúng đến hành động đẹp đối với môi trường.
Nắm bắt cơ hội quý
Xây dựng Công viên ĐVHD Tây Nguyên đã được các ngành liên quan của trung ương và UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý về chủ trương. Tổng diện tích về quy mô dự án là 490 ha, thuộc tiểu khu 75B, là khu vực rừng phòng hộ, trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương; thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020.
Theo ông Hương, dự án được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần để xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động cứu hộ. Đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist). Được biết, phía chủ đầu tư đã thuê các nhóm tư vấn từ Áo và Singapore để xây dựng ý tưởng dựa trên khảo sát hiện trạng địa hình, khí hậu và thú quý hiếm của Lâm Đồng và các mô hình vườn thú lớn trên thế giới.
Như đã nêu, tại hội nghị ngày 1/4, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện dự án Highland Safari. Chủ tịch đã giao trực tiếp những nhiệm vụ theo chức năng cụ thể đối với Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Sở TN&MT… nghiên cứu, hướng dẫn Vườn triển khai các bước tiếp theo. Ông Đoàn Văn Việt nói: “Cần khai thác và phát huy giá trị KDTSQ thế giới Lang Biang; theo đó, phải tích cực tuyên truyền, quảng bá và triển khai phân khu, xây dựng đề án quy hoạch. Công viên ĐVHD nếu làm được sẽ là hết sức độc đáo, mang tầm khu vực và quốc gia”.
MINH ĐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Tin liên quan
- Trekking khám phá VQG Bidoup – Núi Bà và hoà mình vào văn hoá của đồng bào K’ho
- Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tổ chức buổi làm với Đoàn công tác Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen
- Xã hội hóa trồng cây lâm nghiệp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
- Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại VQG Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup).
- Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại VQG Bidoup – Núi Bà