Thức dậy những niềm vui từ Lạc Dương

Những ngày đầu năm Bính Thân, trọn một ngày chúng tôi theo đoàn công tác của tỉnh do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt dẫn đầu đến với địa phương Lạc Dương và một số đơn vị trên địa bàn này. Sắc xuân tươi mới vẫn còn bừng sáng trên mọi nẻo đường thôn buôn; nhiều ý tưởng và quyết sách được Chủ tịch tỉnh định hướng, gợi mở cho địa phương và các ngành…
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt (ngoài cùng bên phải) khảo sát đường mới Đạ Sar và sản xuất nông nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt (ngoài cùng bên phải) khảo sát đường mới Đạ Sar
và sản xuất nông nghiệp
Lạc Dương, một đô thị mở
Đúng 8 giờ 30, ô tô của đoàn công tác đầu năm chuyển bánh từ UBND tỉnh. Điểm đến đầu tiên là Nhà máy nước Đăng Kia 2 thuộc Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn – Đăng Kia. Xe lao thẳng xuống gần bờ hồ thuộc địa bàn thị trấn Lạc Dương. Tấm bản đồ trải rộng để trình bày với Chủ tịch tỉnh về phương án đề nghị lập dự án xử lý môi trường cho nguồn nước. Lãnh đạo Nhà máy nước cho biết, công suất thiết kế khoảng 33 ngàn m3, hiện đã đạt tới 25 ngàn m3 cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Chủ tịch Đoàn Văn Việt ghi nhận dịp Tết Nguyên đán năm nay tình trạng mất nước sinh hoạt của cộng đồng không còn như những mùa tết trước. Kết quả của chủ trương quyết tâm đầu tư hệ thống nhà máy nước của tỉnh đã hiện thực là những “quả ngọt” đầu xuân! Chủ tịch Đoàn Văn Việt đặc biệt quan tâm và giao cho các ngành chức năng cùng huyện Lạc Dương xây dựng dự án tìm nhà đầu tư tham gia xử lý môi trường để bảo vệ nguồn nước sạch như xây dựng hồ lắng, thu gom và xử lý rác thải. Hồ Đăng Kia phải là hồ sinh thái xứng tầm quan trọng, vừa phục vụ tốt nước sinh hoạt vừa phục vụ du lịch bền vững.
Rời không gian sơn thủy hữu tình Đăng Kia – suối Vàng, đoàn quay về hướng đông bắc thị trấn Lạc Dương. Một đô thị căng hồng sức sống mới sau hơn 40 năm thống nhất đất nước đang bừng dậy. Con đường Lang Biang được ví là “đại lộ Lạc Dương” 2 chiều khang trang, dọc theo trung tâm lên đỉnh Lang Biang có tổng chiều dài 2,25km mới đưa vào sử dụng. Để có con đường thênh thang phục vụ dân sinh và du khách lên khu du lịch với tổng vốn đầu tư theo dự án gần 100 tỉ đồng này bài toán cần giải là giải tỏa mặt bằng. Thế nhưng, các hộ dân người Kinh, người dân tộc K’Ho 2 bên đường đồng lòng tự nguyện hiến đất để nhà nước làm đường. Lãnh đạo huyện Lạc Dương cho tôi biết, chỉ còn 820 mét nữa là cán đích chân núi Mẹ, giải tỏa đến đâu thi công đến đó và sẽ hoàn thành năm 2016 này.
Rời đường 2 chiều, chúng tôi theo con đường đang có tên ĐH3 kết nối thị trấn đến xã Đạ Sar với chiều dài 22,5km vừa thông tuyến những ngày áp tết âm lịch. Đây là con đường chiến lược, là khát vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh và huyện lâu nay. Khởi công từ tròn 10 năm, năm 2006, nhưng gần đây nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều lần thị sát, kiểm tra nên đã có quyết sách phân bổ vốn kịp thời. Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều cho tôi biết, tổng vốn đầu tư khoảng 130 tỉ đồng, từ 2006 đến 2015 chỉ bố trí được gần 40 tỉ, năm 2006 bố trí tiếp 38 tỉ và khoảng 60 tỉ đồng sẽ bố trí vào năm 2017. Con đường sẽ mang tên Đạ Sar, tiếp giáp với đường 723 từ Nha Trang lên, trở thành tour du lịch biển – núi đầy kì thú. Du khách từ thành phố biển muốn thỏa sức khám phá núi Lang Biang huyền thoại cứ trực chỉ qua Lạc Dương, giảm gần 20km vì không phải qua phố phường Đà Lạt. Chỉ còn khoảng 3km đoạn nội thị trấn chưa thảm nhựa còn lại con đường nhựa láng uốn quanh bên những bạt ngàn thông xanh mướt mắt. Chủ tịch Phạm Triều không giấu niềm tự hào bảo: “Anh thấy đấy, thông ở đây còn rất đẹp như thế này là nhờ mấy năm nay địa phương kiên quyết giữ cho bằng được chứ không thì bị chặt phá lấn chiếm không còn đâu!”. Vâng, để trở thành tỉnh có độ che phủ rừng 52,5%, rất cao so với các tỉnh, phải nhờ phần lớn trách nhiệm giữ rừng của cộng đồng. Làm nên sự diệu kỳ của thiên nhiên chính là từ sự bảo vệ và vun đắp sinh thái của con người!
Dọc trục đường mới này, sự kỳ thú đối với mọi lữ khách còn ở chỗ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Lạc Dương. Thành phố Đà Lạt hôm nay và thành phố Đà Lạt quy hoạch mở rộng trong tương lai đã và đang khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của quốc gia Việt Nam! Khó có thể tưởng tượng, với vùng đất Lạc Dương tập trung đông cư dân bản địa các sắc tộc thiểu số Tây Nguyên quen tập tục canh tác nương rẫy, làm ăn theo kiểu “đong gùi theo mùa” nay đang phát triển một nền sản xuất nông nghiệp gối vụ, chuyển đổi giống mới và đặc biệt áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác, thu hoạch… tiên tiến! Hiện, trên địa bàn huyện khoảng 600ha đã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ mô hình nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư ban đầu đã có khoảng 20ha. Dĩ nhiên để thay đổi những thói quen canh tác lâu dài trong tri thức của đồng bào vẫn còn nhiều việc tiếp tục chung tay của các nhà quản lý và chuyên môn, nhưng nhận thức về năng suất, sản lượng, giá trị trên diện tích cây trồng không còn là khái niệm xa lạ đối với người bản địa nữa.
Dừng lại bên chiếc cầu mới bê tông kiên cố, phía dưới, bên dòng suối in bóng mây trời là những nhà kính của Hợp tác xã Anh Đào đang thi công. Sau khi Chủ tịch Đoàn Văn Việt hỏi lãnh đạo huyện Lạc Dương và các ngành chuyên môn của tỉnh về giá cho thuê đất của người dân, biết hiện thời còn ở mức giá 8,640 triệu đồng/ha/năm, Chủ tịch chỉ đạo ngay: “Các anh phải tính toán lại để điều chỉnh giá, đừng để bà con thiệt quá, bây giờ mà vẫn giữ giá của mấy năm trước là không hợp lý rồi”. Lên xe, lãnh đạo huyện Lạc Dương chia sẻ niềm vui với tôi: Mừng quá, điều chỉnh giá thuê đất cho phù hợp với thực tế cử tri đề nghị nhiều rồi mà chưa được, nay sẽ làm tờ trình gửi tỉnh…
Đoàn trải nghiệm tuyến du lịch sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang
Đoàn trải nghiệm tuyến du lịch sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang
Sớm khẳng định giá trị Khu sinh quyển
Hơn 1 giờ buổi sáng và buổi chiều Chủ tịch tỉnh và đoàn công tác dành trọn với Vườn quốc gia (VQG) – Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới Lang Biang để khảo sát, kiểm chứng và cùng chủ rừng, chủ nhân, các ngành liên quan đặt ra việc xúc tiến. Giám đốc VQG Lê Văn Hương báo công năm 2015 Vườn đạt được nhiều việc quan trọng, đặc biệt đã xúc tiến thành công với các tổ chức quốc tế và trong nước những dự án giữ rừng bền vững theo hướng bảo tồn đa đạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái. Đây là 2 vấn đề cốt lõi được Chủ tịch Đoàn Văn Việt đặc biệt quan tâm và chỉ đạo Vườn cùng các ngành cùng nhau bàn thảo. Theo báo cáo của ông Hương, Vườn đang xây dựng dự án du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỉ đồng, đã đạt được khoảng 90%; mỗi năm khoảng 1.400 hộ dân được giao nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với tổng chi khoảng 24 tỉ đồng; trong 70.000ha lâm phần quản lý, những vùng giáp ranh với các tỉnh bạn Vườn thường xuyên túc trực tuần tra và canh giữ; trong năm 2015, Vườn chỉ xảy ra 33 vụ vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng, trong lúc các VQG khác số vụ vi phạm lên đến hàng mấy trăm… Tuy nhiên, giữ rừng xanh vẫn đang là nhiệm vụ nặng nề của tập thể Vườn cùng các địa phương huyện và các ngành liên quan phối hợp.
Chủ tịch Đoàn Văn Việt hoan nghênh và ghi nhận những kết quả về công tác quản lý và bảo vệ VQG Biduop – Núi Bà và những bước đi ban đầu việc khai thác đầu tư của Nhà nước, các tổ chức khoa học quốc tế và trong nước để khẳng định những giá trị của KDTSQ Lang Biang. Ông nhấn mạnh: Cố gắng làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; trong đó cộng đồng dân cư giữ vai trò hết sức quan trọng. Mặt khác, cần thu hút sự đầu tư để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững. Phát huy được những giá trị của KDTSQ thế giới Lang Biang vừa là mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học bền vững, vừa là đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; góp phần nâng cao đời sống của đồng bào tại chỗ. Vì vậy, phải xây dựng một kịch bản du lịch chuyên đề, trong đó ngay từ bây giờ, vấn đề quảng bá, tuyên truyền những giá trị quý báu về sinh thái, về văn hóa… của KDTSQ để kêu gọi đầu tư tập trung là hết sức quan trọng. Chủ tịch Đoàn Văn Việt đề nghị chính thức giao Vườn và Sở VHTT&DL xây dựng kế hoạch cụ thể ngay từ quý I năm 2016 và UBND tỉnh sẽ chủ trì nhằm khẩn trương đưa KDTSQ thế giới Lang Biang trở thành địa chỉ thu hút hấp dẫn khách du lịch.
Sau khi thăm và tặng quà chúc tết đầu năm đối với các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng thôn Đạ Tro, xã Đạ Nhim, Chủ tịch Đoàn Văn Việt cùng đoàn thực tế tuyến du lịch sinh thái thác Thiên Thai cách trụ sở làm việc của Vườn 1,7km. Vô cùng thú vị khi 2 hướng dẫn viên cộng đồng người dân tộc K’Ho là Ha Quyn và Tha Ny dẫn đoàn say sưa, tự hào giới thiệu về “rừng vàng”. Rất nhiều loài thực vật là thảo dược quý, rau rừng theo tri thức dân gian của cư dân bản địa được trình bày cụ thể sinh động. Sau những quanh co đường rừng uốn lượn, lên xuống dưới những thảm thực vật đa dạng, những suối đá mùa khô kì thú, những hòa âm phong phú từ nước chảy, chim muông ca hót…đoàn đã tiếp cận thác nước Thiên Thai hùng vĩ. Hơn 2 tiếng trải nghiệm với 1 trong những tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bản địa đã để lại dư âm ngọt ngào trong mỗi chúng tôi. Chiều bảng lảng, nắng vàng ươm dát trên những ngọn thông non tái sinh, tôi và mỗi người đều dâng lên cảm xúc thật tinh khôi của mùa Xuân mới…
Ghi chép: MINH ĐẠO
Nguồn: Báo Lâm Đồng